Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 6/49: Duyên của chủng tử thiện ác nào là mạnh nhất,

chủng tử thiện ác đó sẽ khai hoa kết quả trước.

Giảng ngày 30 tháng 07 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân xin chào mọi người!

Lần trước chúng ta nói tới đề kinh Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Thái Thượng thông thường chỉ Thái Thượng Lão Quân, Lão Tử. Những giáo huấn của các thánh hiền nhân này đều hiển lộ ra từ trong tánh đức, cho nên từ “Thái Thượng” này thật ra cũng có thể mở rộng ra, chỉ minh đức, tánh đức của chúng ta. Người tùy thuận tánh đức sẽ có cảm ứng rất thù thắng. Chúng ta tu học pháp môn Tịnh độ, thường nói tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Cho nên tâm thanh tịnh tương ứng với tánh đức sẽ chiêu cảm đến nhất chân pháp giới, thế giới Cực Lạc.

Chúng ta lần trước cũng nhắc tới, mỗi khởi tâm động niệm của con người sẽ sanh ra chủng tử trong mười pháp giới. Nếu chúng ta thật sự hiểu được đạo lý cảm ứng này thì sẽ không dám lơ là đối với khởi tâm động niệm cùng lời nói, việc làm của chính mình. Một niệm tham có thể chiêu cảm đến cõi ngạ quỷ, một niệm sân hận chiêu cảm cõi địa ngục, một niệm ngu si chiêu cảm cõi súc sanh. Hơn nữa, mỗi niệm, mỗi lời nói, việc làm đều giống như một hạt giống vậy, có một thiện nhân, hạt giống thiện sẽ cảm quả báo thiện, có một niệm ác nhân, ác tâm sẽ chiêu cảm ác báo. Sự cảm ứng này giống như việc trồng trọt trong tự nhiên vậy, quý vị trồng xuống một hạt giống, sớm muộn gì nó cũng khai hoa kết trái. Cho nên tục ngữ có nói: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện báo, không phải không báo, thời cơ chưa tới.” Cho nên chỉ cần trồng xuống hạt giống này, sớm muộn gì nó cũng khai hoa kết trái.

Rất nhiều người liền căng thẳng, trước đây tôi đã trồng nhiều hạt giống ác, vậy làm sao đây? Đạo lý cảm ứng còn có một trọng điểm là kẻ mạnh dẫn trước, hạt giống nào mạnh nhất thì khai hoa kết trái trước. Cho nên chúng ta bây giờ nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, hạt giống này sẽ khai hoa kết trái trước. Trước đây đã tạo rất nhiều việc ác, chúng ta hồi đó còn chưa hiểu, hơn nữa sau khi tạo ác, nó là một hạt giống ác, hạt giống ác phải có duyên, cũng giống như một hạt giống, phải bón phân cho nó, tưới nước cho nó, nó mới trưởng thành khỏe mạnh, rồi kết trái. Nếu như chúng ta không cho nó cái duyên này, hạt giống này sẽ không hiện quả báo. Cho nên, nếu như chúng ta bắt đầu từ hôm nay đều niệm thiện hành thiện, đều nhất tâm cầu sanh Tịnh độ thì cái duyên này mạnh, có thể hiện quả báo tốt trước. Sau khi chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi sẽ không còn lo sợ trước đây mình đã tạo nhiều ác nhân như vậy, giờ biết làm sao đây?

Vậy chúng ta phải tĩnh lặng mà quán chiếu những đạo lý này, quán chiếu tự thân. Tại sao vậy? Vì sự cảm ứng này là tùy thời tùy nơi. Chúng ta ngày nay cảm đến thế giới Ta-bà, cái này chính là “ứng”. Nghiệp không nặng không sanh Ta-bà, thế giới Ta-bà này trong vũ trụ là một khu vực khá là ác trược. Người thật sự hiểu được đạo lý này, khi thấy mình bây giờ sanh trong cõi ngũ ác trược thì tâm hổ thẹn sẽ khởi lên. Cũng đồng là sanh mạng như nhau trong vũ trụ, tại sao mình lại sanh vào trong cõi ngũ ác trược vậy? Chúng ta học xong Liễu Phàm Tứ Huấn, trong chương Sửa Lỗi có ba loại tâm hết sức quan trọng, đó là tâm hổ thẹn, tâm kính sợ và tâm dũng mãnh. Hiểu được đời quá khứ chính mình đã tạo không ít ác nghiệp nên mới cảm đến thế giới Ta-bà.

Kể cả việc chúng ta cảm đến thân thể này, thân thể này hôi thối bất tịnh, bảy lỗ thường xuất ra vật bất tịnh, không gì đáng vui, đây đều là từ góc độ cảm ứng mà nhắc nhở chính mình. Nhiều người không hiểu những đạo lý này, đối với đãy da thối này, họ còn tốn một đống thời gian để trang điểm cho nó, tốn tiền, tốn tinh lực để hạ công phu trên đãy da thối này. Đây đều là rất đáng thương, lãng phí thời gian quý giá. Cho nên người hiểu được rằng ngày nay tôi có thân thể hôi thối này là do quá khứ đã sanh ý niệm bất thiện, lời nói và việc làm bất thiện, liền nhắc nhở chính mình phải chuyển, đem thân nghiệp báo này chuyển thành “thanh hư chi thân, vô cực chi thể”. Vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, tức là “thanh hư chi thân, vô cực chi thể”, tức là vô lượng quang, vô lượng thọ. Thế nên, chúng ta đã gặp duyên phận thù thắng như vậy, bản thân chúng ta phải nắm lấy cho chắc, cái duyên này liền có thể tiếp nối. Kẻ mạnh dắt đi trước, nếu chúng ta không hạ quyết tâm thì nghiệp lực từ vô thủy kiếp sẽ đến dẫn dắt chúng ta, sau khi dẫn dắt, chúng ta sẽ rất khó tránh khỏi ác quả.

Người sáng suốt tự biết mình mới chịu hạ công phu, bởi vì trên thực tế khi chúng ta nhắc tới cảm ứng là nhắc tới câu “duy nhân tự triệu” (do người chiêu cảm đến), mỗi người đều có ấn tượng [về điều này]. Nhưng chúng ta hãy bình tâm mà nhìn lại, dù đã hiểu rõ đạo lý này nhưng thiện niệm của chúng ta nhiều hay ác niệm nhiều, ý niệm của chúng ta tương ứng với giới định huệ hay tương ứng với tham sân si mạn? Đây chính là một vấn đề chúng ta buộc phải rất bình tâm [mà quán chiếu]. Không phải chúng ta đã đọc kinh Phật, đã đọc kinh điển thánh hiền thì chúng ta đời này liền có thể đắc lực. Đời này chúng ta có thể thành tựu, có thể đắc đại lực, hay là đời này chúng ta chỉ có thể kết duyên thôi đều là do chính mình quyết định.

Chúng ta lại bình tâm quán chiếu, thiện niệm hiện nay của chúng ta so với ba năm trước, năm năm trước, khi chúng ta vừa mới tiếp xúc Phật pháp, là tiến bộ hay là thoái lui rồi? Sự cung kính với người, quan tâm với người, khiêm tốn với người, những cái này đều là “cảm”. Nếu như thoái lui rồi thì chúng ta phải bình tâm mà quán chiếu, mặc dù đã tiếp xúc với Phật pháp, nhưng có khả năng chúng ta đang thoái lui đấy. Làm thế nào để khắc phục? Việc này cho thấy rõ tầm quan trọng của sự huân tập, thời gian huân tập không đủ, chánh niệm không khởi lên được, lại bị tập khí, nghiệp lực kéo đi mất. Chúng ta nhất định phải huân tập cho tới rõ lý, rõ lý rồi nhất định sẽ y giáo phụng hành. Tại sao sau khi chúng ta nghe rồi, biết rõ ràng là do “mình tự chuốc lấy” mà vẫn không ngăn lại được ác niệm? Nói thẳng ra, là do vẫn chưa đủ thấu triệt lý. Nếu sự quán chiếu này, đạo lý này nghĩ thông rồi, tuyệt đối chúng ta sẽ không dám giải đãi, tuyệt đối không dám giảm bớt thời gian huân tập. Bởi vì chúng ta đã sáng suốt biết rõ chính mình, không huân tập cho tốt thì sẽ không phục được phiền não.

Chúng ta quan sát thấy rất nhiều người tu hành trong lịch sử, họ đi theo thiện tri thức mười năm, hai mươi năm không rời. Họ đã biểu diễn cho chúng ta, họ theo thiện tri thức, mỗi ngày huân tập, không dám giải đãi. Trừ phi bản thân họ có thành tựu, họ mới ra ngoài hoằng pháp lợi sanh. Có người tuy đã có thành tựu, họ vẫn không ra ngoài, cả đời vẫn theo thiện tri thức để làm biểu pháp cho đại chúng, để đại chúng biết rằng nếu không trường kì huân tập sẽ không phục được phiền não. Thật ra việc này là để chúng ta nhìn thẳng vào một trọng điểm, phải sáng suốt hiểu rõ chính mình. Trong thời đại này, nhờ vào khoa học nên lúc nào chúng ta cũng có thể thân cận thiện tri thức. Bây giờ băng đĩa rất thuận tiện, sư phụ giảng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, chúng ta có thể tùy thời huân tập. Chỉ cần mở băng đĩa ra là được, điều rất quan trọng là chúng ta phải dùng tâm chí thành cung kính để nghe. Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích.

Quá trình huân tập này cũng là quá trình đối trị tập khí. Đối trị tập khí gì? Tập khí giải đãi, không có tâm kiên nhẫn. Sau khi hạ quyết tâm, mấy ngày đầu chúng ta huân tập khá là tích cực, nhưng qua một tuần lễ, chúng ta liền bắt đầu giải đãi. Hơn nữa còn phải điều phục tập khí gì? Điều phục tập khí không cung kính. Ngày nay chúng ta xem đĩa sư phụ giảng kinh, có thể khi mới bắt đầu tiếp xúc, chúng ta hết sức cung kính, thậm chí trước khi xem còn đảnh lễ ba lạy. Ba năm trôi qua, năm năm trôi qua, vừa nghe vừa ngủ gật. Cho nên, lão cư sĩ Hạ Liên Cư khuyên chúng ta: “Tu hành phải phá vỡ cửa ải gạt mình”, lời nói này hết sức sâu sắc. Chúng ta không quán chiếu tâm của chính mình, không quán chiếu tình hình của chính mình, muốn phá vỡ sự gạt mình hầu như là không thể nào. Bởi vì chúng ta quán chiếu thấy tình hình này có nghĩa là tâm cung kính của chúng ta đã thoái rồi, tâm giải đãi, tâm ngạo mạn đã hiện tiền. Thậm chí nghe kinh đã nghe mấy năm, trong quá trình nghe, còn vừa nghe vừa nghi ngờ nói như vậy có đúng không.

Cho nên, thời đại này có sự tiện lợi của khoa học, chúng ta phải nên càng trân quý phước báo này, nhất định không thể thiếu công phu huân tập. Thời đại này, nếu chúng ta không huân tập thì sẽ không khởi được năng lực quán chiếu. Thế nên khi có thời gian, chúng ta không thể khởi vọng tưởng, vì hễ khởi vọng tưởng thì sẽ chiêu cảm tới rất nhiều phiền não. Hễ có thời gian thì phải tinh tấn, chỉ có tinh tấn mới có thể sanh định huệ, trong lục độ có nói về tinh tấn, thiền định, trí huệ. Chỉ có định lực rồi mới không bị cảnh giới chuyển. Không có định lực thì cuộc đời chúng ta sẽ như lời sư phụ thường nói: “Cả thảy là vận mạng, nửa điểm chẳng do người”. Học Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, chúng ta cũng quý trọng phước báo lớn nhất đời này của chúng ta. Phước báo lớn nhất là gì? Được nghe Phật pháp. Hơn nữa, còn nghe được pháp môn niệm Phật, còn thọ giới với minh sư, còn có vị cao tăng như sư phụ đến chỉ đạo chúng ta, quý vị đi đâu tìm được phước lớn như vậy chứ? Nhưng họa phước luôn đi đôi với nhau, quý vị quý trọng cái phước này để đời này thành tựu, hay là quý vị chà đạp cái phước này, bỡn cợt, tiêu khiển Phật pháp vậy? Họa phước này vẫn là do người tự gây, phải coi công phu của bản thân chúng ta.

Chúng ta bắt đầu tiến vào kinh văn. Chúng ta coi câu kinh văn thứ nhất: “Thái Thượng viết: Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu. Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”.

Từ “Thái Thượng” này, chúng tôi đã giảng rồi, “Thái Thượng” là giáo huấn của Đạo gia, giáo huấn của Lão Tử. Chúng ta tu học Phật pháp Đại thừa, đặt nền tảng trên cơ sở của Nho và Đạo. Bởi vì Đức Phật đã nói, không học Tiểu thừa trước rồi mới học Đại thừa thì không phải đệ tử Phật. Tiểu thừa hiện nay rất ít được hoằng truyền ở Trung Hoa chúng ta, tại sao vậy? Bởi vì giáo huấn của Nho gia và Đạo gia đã thay thế Tiểu thừa. Phật pháp không chấp trước, đều là tùy thuận nhân duyên của mỗi nơi. Người Hoa chúng ta đọc kinh điển của Nho gia, Đạo gia thì cảm thấy hết sức thân thiết, quen thuộc, hơn nữa trong giáo huấn của Nho, Đạo, tấm lòng cũng hết sức rộng rãi. Chúng ta coi Nho gia nhấn mạnh: “Dục minh minh đức ư thiên hạ” (muốn có được phẩm đức quang minh và hoằng dương phẩm đức đó trong thiên hạ), cho nên tâm lượng hết sức lớn. Đạo gia nói: “Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bá tánh chi tâm vi tâm” (Thánh nhân không có thành kiến, lấy tâm thiên hạ làm tâm mình), đều có tâm niệm nghĩ đến tất cả chúng sanh. Hiểu được điển cố lịch sử này, chúng ta học Phật pháp Đại thừa thì nhất định phải cắm chắc căn cơ Nho và Đạo. Nhất là Phật pháp Đại thừa đặt nền tảng trên cơ sở luân lý, đạo đức, nhân quả. Cho nên giáo huấn của “Thái Thượng” là rất quan trọng, nó bao gồm luân lý, đạo đức, nhất là giáo dục nhân quả.

Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu. Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, câu nói này nằm trong phần mở đầu của bài kinh văn, cho thấy nó chính là tổng cương lĩnh của cả bộ kinh văn. Thánh hiền nhân đều là người đã khai trí huệ, cho nên câu nói đầu tiên của họ đều là trọng điểm quan trọng nhất. Bao gồm bài mở đầu của sách Đại Học, Nho gia nói: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”, phần kinh văn phía sau đều là thuyết minh cho câu tổng cương lĩnh này. “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu” là nói với chúng ta đạo lý cảm ứng, còn “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình” là nói ra một cách cụ thể chân tướng sự thật và tình hình thực tế của việc cảm ứng,. Cho nên câu phía trước là lý, câu phía sau là sự. Chúng ta thường nói lý đắc tâm an, người đã hiểu rõ ràng đạo lý này rồi thì tâm sẽ không oán trách, sẽ không mê hoặc, thật ra tâm chúng ta không an được là do luôn luôn không rõ lý.

Chúng ta coi câu thứ nhất nói: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”. “Duy nhân tự triệu” có nghĩa là họa và phước không có hình dạng nhất định, đều là do con người chiêu cảm tới, tuyệt đối không phải ông trời muốn giáng họa hay giáng phước cho ai, mà nguồn gốc của họa phước đều là tự mình chiêu cảm tới. Vậy từ nay về sau chúng ta không oán trời, không trách người, tại sao vậy? Tự mình chiêu cảm thì sao có thể trách được ai? Cho nên, người chỉ cần oán trời trách người thì trái nghịch với chân tướng này. Nếu như chúng ta kết hợp với câu nói trong Đệ Tử Quy: “Biết sửa lỗi, không còn lỗi”, chúng ta hiểu rõ duy nhân tự triệu thì hãy mau mau sửa lỗi. “Hễ che giấu, lỗi chồng thêm”, chúng ta ngày nay chiêu cảm kết quả không tốt, chúng ta còn muốn oán trời trách người, còn muốn chỉ trích người khác, ý niệm này là không hiểu lý, ý niệm này là “hễ che giấu”, thì “lỗi chồng thêm”. Chúng ta đã biết rõ mà còn cố phạm. Chúng ta hiểu rõ là duy nhân tự triệu, còn đi trách móc người khác. Cho nên, sau khi tu học phải càng hạ chắc quyết tâm, không thể trở về tập khí ban đầu nữa. Chúng ta ngày nay là người dạy học, đã đọc những đạo lý này, một người thầy phạm lỗi thì tội của họ tất nhiên sẽ không giống với người bình thường. Một đệ tử Phật đang tạo tội thì hiển nhiên tội này cũng sẽ không giống với tội của người chưa học.

Và “tự triệu”, cái gì đang triệu? Ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình đang chiêu cảm. Đối với thân khẩu ý, thật ra căn bản nhất vẫn là ý nghiệp, người có ý niệm mới biến thành lời nói và việc làm. Có thể giữ được ý niệm thuần tịnh thuần thiện thì họ sẽ không tạo nghiệp. Cho nên, trong kinh thường nhắc nhở chúng ta, “cát hung họa phước đều do tâm tạo”. Đại sư Lục Tổ Huệ Năng cũng nói: “Hết thảy phước điền, không rời tấc lòng, từ tâm mà tìm, không gì không thông”. Họa phước này đều là do tâm chiêu cảm tới, nhưng Lão Tử cũng nói “họa phước đi đôi”. Tâm Mệnh Thi đã nói với chúng ta: “Tâm có thể cứu mệnh, cần nhất là giữ tâm nhân đạo”. Tôi vừa mới nói về nhiều việc cảm ứng như vậy, tâm trạng của mọi người hình như hơi sa sút, đúng ra là nghe những chuyện này rồi thì càng nghe càng vui sướng, đó mới là “phước tại thọ gián” (có phước là do chịu nghe khuyên) chứ. Cha mẹ của chúng ta vừa nói chúng ta hai câu, đầu chúng ta liền cúi xuống, mặt liền bí xị. Phước lớn từ đâu tới? Từ “thọ gián” (nghe lời khuyên, nghe lời can gián) mà tới. Đời này thật sự muốn liễu thoát sanh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi thì khi nghe được chánh pháp, nghe thấy người khác chỉ ra vấn đề của mình thì phải sanh tâm hoan hỉ, nếu không sẽ rất khó điều phục tập khí. Cho nên, cần nhất là giữ tâm nhân đạo, niệm niệm nghĩ cho người khác thì vận mệnh của ta sẽ bắt đầu chuyển. Câu “họa phước đi đôi” rất là thú vị, phước khí tới rồi liền sanh tâm tham chấp, sau đó khi hưởng thụ lại phóng túng thì họa liền theo đó mà tới. Nhưng mà, cho dù là họa tới rồi, nhưng không oán trời, không trách người, bản thân có thể sám hối, sửa sai thì phước lớn cũng theo đó mà tới, là tự triệu mà, nó có thể chuyển được.

Đời Thanh, ở khu vực Sùng Minh, có một nhân sĩ tên là Hoàng Vĩnh Tước, người ta xem bói cho ông, ông vào khoảng 60 tuổi thì thọ mạng sẽ hết. Ông có một lần thấy trên biển có một chiếc thuyền sắp lật, ông lập tức bỏ ra 10 lạng bạc nhờ thuyền cá mau mau đi cứu người, cứu được hơn 10 mạng người. Về sau, ông gặp lại thầy xem bói đó, thầy xem bói liền nói bây giờ trên mặt ông đường âm đức càng ngày càng nhiều, ông sẽ rất trường thọ, lại còn rất có phước khí. Mọi người có biết đường âm đức hình dạng ra sao không? Tôi vẫn còn chưa biết. Nhưng tôi nghĩ, người thường hay cười thì đường âm đức chắc cũng khá nhiều. Tại sao vậy? Vì khiến người khác hoan hỉ. Nếu người thường hay mang một bộ mặt rất hung dữ thì chắc chắn đường âm đức sẽ ít. Mọi người nghĩ thử coi, người càng hay cười thì ở trên trán có thể sẽ có rất nhiều đường. Mọi người phải khéo quan sát, sau này quý vị nghe sư phụ giảng kinh thì quan sát nhiều một chút, đường âm đức của sư phụ ở trán vô cùng nhiều. Tiên sinh Hoàng Vĩnh Tước quả thật sau đó sống tới hơn 90 tuổi, không bệnh mà mất, hơn nữa sanh được người con trai, thời Khang Hy đã thi đậu đầu bảng, hậu thế đều rất thịnh vượng.

Một người vốn dĩ đoản mạng vô phước, chỉ vì tận tâm làm việc tốt mà chuyển biến vận mệnh, sau đó chiêu cảm đến quả báo hết sức tốt đẹp. Cho nên, chỉ cần người chịu hạ công phu, nhất định có thể cải tạo vận mệnh. “Mệnh thực tạo từ tâm, cát hung do người triệu”, “người từng làm việc ác, sau tự mình hối cải, không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, lâu dần ắt cát tường, là chuyển họa thành phước”. Những đạo lý này chúng ta hiểu rõ rồi, chúng ta đối với “duy nhân tự triệu” không chỉ không lo sợ, mà còn tích cực đoạn ác tu thiện.

Được rồi, sáng nay tôi trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!

Bình luận Chia sẻ tâm đắc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 6)
Ảnh đại diện
Anh   Chị
Video mới nhất
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video
Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Xem video
KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 73
  • Tháng hiện tại: 3460
  • Tổng lượt truy cập: 125191
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com