Tập 9: Đầu tư vào cuộc đời như thế nào để cha mẹ và người thân yên lòng?
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
2.2 “Sáng phải thăm, tối phải viếng”.
“Đi phải thưa, về phải trình. Ở ổn định, nghề không đổi”.
3.1 “Đi phải thưa, về phải trình”.
3.2 “Ở ổn định, nghề không đổi”.
2.2 “Sáng phải thăm, tối phải viếng”
“Sáng phải thăm, tối phải viếng”, “sáng thăm, tối viếng”. Bài học trước chúng tôi có nhắc đến, Chu Văn Vương đối với cha của ông là Vương Quý đã làm được “sáng thăm, tối viếng”. Lòng hiếu thảo này đã cảm động người dân cả nước đều noi theo. Khi tôi nói chuyện với thầy cô giáo, đã có một thầy giáo nói với tôi: “Trong Đệ Tử Quy có vỏ trấu. Vỏ trấu là phần ngoài của hạt gạo, những vỏ trấu này là thứ hoàn toàn không ăn được”. Thưa quý vị, giả như người ta nói “Đệ Tử Quy” có vỏ trấu thì quý vị sẽ như thế nào? Có cần lập tức tranh luận với họ hay không? Tranh luận sẽ không có kết quả, chúng ta nên dùng một thái độ cung kính thỉnh giáo họ: “Xin hỏi câu nào là vỏ trấu vậy? Xin thầy chỉ dùm ạ”. Thầy liền nói: “Sáng phải thăm, tối phải viếng” là vỏ trấu. Tôi tiếp tục hỏi thầy: “Vì sao thầy cho rằng đây là vỏ trấu?”. Thầy nói: “Một ngày phải hỏi hai lần, quá phiền phức”. Tôi tiếp tục nói với thầy: Thưa thầy, những đứa trẻ sáng sớm thức dậy liền cung kính hỏi thăm cha mẹ, chào cha mẹ buổi sáng. Người mẹ nhìn thấy vầng trán của con trai sáng sủa, chứng tỏ tối hôm qua ngủ rất ngon, nên cha mẹ rất yên tâm. Sáng sớm con cái hỏi thăm khiến cho tinh thần người mẹ vô cùng vui vẻ, ngày hôm đó làm việc rất có động lực. Đây là lợi ích của việc chào hỏi buổi sáng. Buổi tối hoặc là khi đi học về, con cái thưa với cha mẹ: “Thưa cha mẹ con mới về, hôm nay cha mẹ có khỏe không?”. Khi con hỏi thăm cha mẹ, cha mẹ vừa thấy sắc mặt của con rất tốt, chứng tỏ hôm nay việc học ở trường rất tốt, có lẽ không có mâu thuẫn với bạn bè, cha mẹ cũng yên tâm. Vì vậy buổi sáng thăm hỏi một lần, buổi tối thăm hỏi một lần, khiến cho cha mẹ được yên tâm, được an ủi.
Chúng ta làm con cái một ngày nhớ cha mẹ có hai lần, xin hỏi cha mẹ nhớ chúng ta một ngày bao nhiêu lần? Có một người mẹ đã nói với tôi: “Tiết trời mùa xuân và mùa thu nhiệt độ thay đổi rất lớn, vì sợ nửa đêm đứa con đạp tung mền ra sẽ bị nhiễm lạnh, nên tôi chỉ đắp mền rất mỏng để khi ngủ đến nửa đêm thì bản thân cảm thấy rất lạnh liền tỉnh giấc, nhanh chóng đi kiểm tra con, đắp lại mền cho con”. Thưa quý vị, ngay cả khi ngủ mà cha mẹ cũng không quên quan tâm đến con cái, thì có thể biết được, một ngày cha mẹ nhớ chúng ta bao nhiêu lần? Cha mẹ từng giờ từng phút đều quan tâm.
Nói đến đây, trong kí ức của tôi cũng có ấn tượng rất sâu sắc. Nửa đêm đều bỗng nhiên cảm thấy có người đắp mền giúp cho tôi, mơ mơ màng màng mở mắt ra thì có khi là cha, có khi là mẹ. Thân tình giữa cha con, mẹ con trong việc này có một mối liên lạc với nhau rất tự nhiên. Vì vậy, tôi nói với vị thầy giáo: “Phận làm con, đặc biệt là khi còn nhỏ, rất khó nói là trong cuộc sống hay trong công việc, thậm chí là thu nhập về kinh tế có thể giúp đỡ cho cha mẹ điều gì. Chúng ta vẫn còn nhỏ chưa làm được điều đó nhưng tối thiểu phải làm cho cha mẹ ít lo lắng về mình, phải làm cho cha mẹ yên tâm. Sáng thăm, tối viếng có thể làm cho cha mẹ yên tâm”.
Sau khi nghe xong vị thầy này liền nói: “Thầy Thái, thầy học văn hóa truyền thống rất tốt”. Đương nhiên tôi hết sức lo sợ, không dám nhận. Sau đó thầy đột nhiên nói: “Thầy Thái, bản thân thầy cũng chưa làm được”. Chúng ta là những người đọc sách Thánh Hiền, rất sợ người khác nói bản thân mình vẫn chưa làm được. Đột nhiên rất hồi hộp, tôi liền hỏi: “Vì sao thầy cho rằng tôi chưa làm được?”. Thầy nói: “Hiện nay thầy ở xa nhà như vậy, làm sao thầy có thể buổi sáng thăm hỏi một lần, buổi tối thăm hỏi một lần?”. Hiện nay điện thoại rất thuận tiện, buổi sáng có thể gọi, buổi tối cũng có thể gọi. Thầy nói: “Bản thân thầy cũng chưa làm được”. Tôi liền nói: “Nếu như buổi sáng tôi gọi điện thoại một lần, buổi tối lại gọi điện thoại, thì chắc chắn mẹ sẽ trách tôi. Mẹ sẽ nói: Con không biết phí điện thoại đường dài rất đắt hay sao?”.
Vì vậy, chúng ta phải hiểu câu “sáng thăm, tối viếng” này quan trọng nhất là phải làm cho cha mẹ yên lòng. Chỉ cần chúng ta có lịch cố định, thí dụ như mỗi tối thứ bảy gọi điện thoại về nhà, chắc chắn là mẹ ngồi ở đó đợi. Thậm chí chuông điện thoại vừa reo thì mẹ lập tức đoán được con trai gọi điện thoại về. Mỗi tuần gọi điện thoại về, chúng ta nhất định phải kể tường tận, tỉ mỉ tình hình công việc, tình hình cuộc sống trong tuần cho mẹ nghe, để cho mẹ hiểu rõ mà không lo lắng. Điều quan trọng nhất là phải làm cho lời nói, việc làm và đức hạnh của mình không để cha mẹ lo lắng. Điều này rất quan trọng. Nếu như chúng ta đối mặt với công việc, đối mặt với gia đình mà không có cách xử lí tốt đẹp, dù mỗi ngày gọi điện thoại cho mẹ của chúng ta ba lần, mẹ của chúng ta có yên tâm không? Vì vậy, chúng ta học tập phải nắm bắt được bản chất của mỗi câu giáo huấn, cố gắng mà thực hành. Đây là “sáng phải thăm, tối phải viếng”.
3. Kinh văn:
“Xuất tất cáo, phản tất diện. Cư hữu thường, nghiệp vô biến”.
“Đi phải thưa, về phải trình. Ở ổn định, nghề không đổi”.
3.1 “Đi phải thưa, về phải trình”
Khi muốn đi ra ngoài, chúng ta nên báo với cha mẹ là chúng ta đi đâu. Khi trở về cũng phải báo với cha mẹ là con đã về rồi. Thật ra thói quen này của con cái cũng rất quan trọng, không nên xem thường chi tiết này. Khi con cái biết được “sáng thăm, tối viếng” thì mỗi câu hỏi thăm của chúng đối với cha mẹ sẽ tăng thêm tình nghĩa giữa cha mẹ và con cái. Mỗi lần “đi phải thưa, về phải trình” là để chúng hiểu được tất cả mọi hành vi của mình đều không nên khiến cho cha mẹ thêm lo lắng.
Đã từng có một học sinh sau khi tan học trở về nhà không chào hỏi người trong gia đình, mà chạy vào phòng đọc sách chơi điện tử. Hơn một tiếng sau, mẹ em cho rằng em chưa về nhà nên gọi điện thoại đến trường hỏi xem có phải bị giáo viên giữ lại ở trường hay không? Lúc người mẹ gọi điện thoại đến, tôi là người nghe máy: “Con tôi đã tan học hơn một tiếng đồng hồ rồi mà sao chưa về nhà?”, mẹ của em rất căng thẳng, hỏi có cần báo cảnh sát không? Tôi nói: “Chưa cần báo vội, chị hãy tìm kỹ trong nhà xem”. Sau đó đi tìm thì thấy cháu đang ở trong phòng chơi điện tử, làm cho cha mẹ rất lo lắng. Vì vậy, nhất định phải hình thành thói quen tốt.
Đối với cha mẹ thì “đi phải thưa, về phải trình”, vậy đối với người trong gia đình, đối với vợ có cần “đi phải thưa, về phải trình” không? Cần. Đối với những người quan tâm đến chúng ta, chúng ta đều phải làm cho họ yên tâm mới đúng. Đây là việc mà con người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau. Vì vậy, muốn đi đâu cũng nên nói cho vợ biết. Hiện nay, giữa vợ chồng có chân thành thẳng thắn như vậy không? Nếu giữa vợ chồng không thẳng thắn, còn che giấu thì sống với nhau mấy mươi năm sẽ vô cùng đau khổ. Giữ vững gia đình có một nguyên tắc rất quan trọng, đó là không có bí mật, sống chân thành với nhau, bao dung lẫn nhau. Như vậy thì vô cùng nhẹ nhàng, tự tại. Vì vậy, đi đâu cũng đều nói cho vợ biết.
Khi chúng ta quyết định không về nhà ăn cơm thì nhất định phải báo cho vợ biết sớm. Quý vị không nên đã quyết định không ăn cơm trưa ở nhà mà đến mười hai giờ trưa mới gọi điện thoại về, vì lúc này thì vợ đã chuẩn bị cơm cho quý vị rồi. Chúng ta không nên lãng phí công sức và sự quan tâm của người khác dành cho mình, mà nên trân quý, thông cảm. Cho nên phải sớm gọi điện thoại về nhà báo với mẹ, với vợ, với người trong nhà để họ không phải mất công chuẩn bị. Khi giữa người thân đều có sự thông cảm lẫn nhau, đó chính là “gia hòa vạn sự hưng”.
Ngoài việc trong gia đình “đi phải thưa, về phải trình”, trong công việc, ở trong công ty chúng ta cũng phải “đi phải thưa, về phải trình”. Ví dụ, quý vị tạm thời có việc đi ra ngoài để xử lí, nếu như quý vị không báo cho người khác, thì khi đột xuất có việc cần phải hỏi quý vị, mọi người lại không biết quý vị đi đâu. Như vậy sẽ khiến mọi người vô cùng lo lắng, cấp trên sẽ trách quý vị, sẽ cảm thấy không tin tưởng vì quý vị làm việc không thận trọng. Vì vậy chúng ta phải biết nói: “Bây giờ tôi cần đi đâu đó, hai mươi phút sau sẽ trở về”, hoặc là nói: “Bây giờ tôi phải đi giải quyết công việc. Nếu như có việc đột xuất cần tôi giải quyết thì hãy gọi điện thoại ngay cho tôi”. Lúc này quý vị phải mở máy điện thoại. Nếu tắt máy, mọi người không gọi được quý vị thì bầu không khí sẽ không tốt.
Cho nên, “đi phải thưa, về phải trình” chính là làm cho chúng ta nhạy bén mà thấu hiểu rằng không nên làm cho những người xung quanh vì không biết chúng ta đi đâu mà lo lắng. Sau đó chúng ta nhận thức được, lời nói việc làm của chúng ta có tạo ra gánh nặng cho người khác hay không. Từ chỗ này mà lưu ý, mà cố gắng.
3.2 “Ở ổn định, nghề không đổi”
Chữ “ở” này chúng ta có thể quán sát từ nhiều góc độ. “Ở ổn định, nghề không đổi”. Trong học vấn, thời học sinh là học nghiệp, ra xã hội là sự nghiệp, kết hôn thì có gia nghiệp. Nếu không có quy tắc thì không hoàn thành trọn vẹn. Vì vậy cuộc sống của chúng ta phải có quy luật, thì học nghiệp, sự nghiệp và gia nghiệp của chúng ta mới có thể tiến hành thỏa đáng.
Đối với học nghiệp
Chúng ta xem một chút, học sinh, trẻ con hiện nay có “ở ổn định” không? Thường là tối thứ sáu nghỉ học thì bắt đầu buông thả, có em xem tivi đến nửa đêm, có em thì khiêu vũ suốt đêm. Ngày thứ bảy và chủ nhật thì làm gì? Ngủ. Ngủ bù lại được thì tốt, không bù được thì sức khỏe dần dần hao tổn. Người làm cha mẹ chúng ta nhìn thấy những hành vi như vậy của con cái thì phải như thế nào? Không được dung túng, phải nhanh chóng chỉnh lại. Ngay từ khi chúng còn nhỏ, vào tối thứ sáu không nên để chúng cứ xem tivi không kiểm soát như vậy. Vì chỉ cần có một tiền lệ thì sẽ có lần thứ hai, “vô tam bất thành lễ” (không làm đủ ba lần thì không thành lễ ).
Chúng ta nên hiểu rõ, thói xấu của một người khi đã hình thành thì rất khó bỏ, gọi là “ngoạn vật táng chí” (chơi bời lêu lổng mất cả ý chí), Huống chi trẻ con hiện nay đều không có chí hướng, cho nên khi chúng chơi bời thì thật sự là “ham muốn làm tâm trí mê muội”, thật sự đều đắm chìm vào việc vui chơi, không thể tự mình thoát ra. Vì vậy, hiện nay chúng ta thấy trên nhiều tờ báo đăng tin, một số học sinh lên mạng internet đến nửa đêm. Việc này sẽ phát triển thành những vấn đề gì? Sống trong thời đại này, bậc phụ huynh phải vô cùng thận trọng, vì rất nhiều thứ thuộc khoa học kĩ thuật cao, chúng ta chưa hưởng được lợi đã bị nó hại rồi.
Học sinh tiếp xúc với mạng internet sớm như vậy, nhưng xin hỏi: Tinh thần nghiên cứu, học tập của học sinh có được nâng cao hay không? Đạo đức, học vấn của chúng có được nâng cao hay không? Không có. Định lực của chúng chưa đủ, quý vị lại không quan tâm tình hình chúng vào internet. Chúng thường kết bạn với những người không tốt trên mạng. Chúng lại không có sức phán đoán, cũng không có lí trí vì chưa học qua Kinh điển, cho nên bạn bè trên mạng nói lời đường mật thì chúng có thể lầm đường lạc lối. Đời người rất có thể một bước sa chân ngàn đời ân hận. Khi con cái phạm phải sai lầm rất khó lấy lại được thì đó là sự tiếc nuối cả đời của cha mẹ. Vì vậy không thể không cẩn thận.
Có một sinh viên ở Đại Học Sơn Đông thường chơi điện tử trò chơi bắn giết lẫn nhau đến nửa đêm, rốt cuộc chơi đến thần kinh trở nên bất thường, luôn luôn cảm thấy có rất nhiều người muốn giết mình. Em nói với thầy giáo về tình trạng của mình. Thầy giáo nghe xong cảm thấy không ổn, nên nhanh chóng báo với cha mẹ của em đó. Cha mẹ của em lập tức đến đón, nhưng chưa kịp đến đón thì em đó đã chém bị thương nhiều người ở trên đường phố, trong đó có mấy người bị thiệt mạng. Quý vị xem, mê chơi lêu lổng làm mất chí hướng, sai lầm này sẽ hủy hoại cả cuộc đời.
Vì vậy, thưa các vị phụ huynh, phải để cho việc học của con cái vào quỹ đạo, phải để cuộc sống có quy luật, phải có thói quen học tập cố định. Rất nhiều phụ huynh lại nghĩ rằng: “Rất khó, hiện nay con cái ham chơi quá”. Chúng ta hình như đều nghĩ đến những điều không tốt. Quý vị đều nghĩ đến những điều xấu, đương nhiên con cái sẽ bị quý vị “nghĩ điều gì sẽ được điều đó”. Tôi nhớ lại, tôi và hai chị gái từ nhỏ đã không xem tivi. Lúc đó tivi cũng đã rất phổ biến, nhưng vì sao chúng tôi không xem tivi? Cha mẹ tôi chưa hề nói: “Con không được xem tivi”. Sau khi ăn cơm xong, cha mẹ tôi vào phòng đọc sách. Lúc đó tôi còn nhỏ, vào phòng của cha mẹ thấy hai người đang đọc sách, thì tôi có dám ngồi trước tivi nghênh ngang xem tivi không? Không dám. Cho nên rất tự nhiên, bản thân tôi và hai người chị đều cùng nhau lên phòng học bài. Tôi nhớ lúc học phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, mẹ tôi đi lên phòng không phải bảo chúng tôi học bài, mà bảo: “Đi ngủ đi các con, đừng học nữa!”. Do vậy, thói quen thành tự nhiên. Thật sự giáo dục con cái không khó như mình tưởng. Điều quan trọng nhất là bản thân mình phải làm gương. Vì thế, cha mẹ đối với việc học tập cũng “ở ổn định” thì con cái cũng sẽ noi theo.
Đối với sự nghiệp
Đối với sự nghiệp cũng phải “ở ổn định”. Nếu như công việc của chúng ta không ổn định, thường xuyên thay đổi, thì người lo lắng nhất là cha mẹ. Nói đến chỗ này tôi cảm thấy rất hổ thẹn, sau khi tôi tốt nghiệp khoảng một – hai năm thì đã thay đổi gần mười công việc, vì vậy ở đây xin sám hối. Nhưng quý vị hãy thông cảm cho tôi, vì sao tôi thay đổi mười công việc? Vì tôi đang tìm, không biết ngành nghề nào bản thân mình thật sự muốn theo đuổi. Nói ra cũng rất đáng thương, đã học hành mười mấy năm mà chẳng biết cuộc đời phải đi theo hướng nào. Cha tôi tốt vô cùng, cha luôn giữ một thái độ. Cha nói với tôi: “Con cứ thỏa sức tìm tòi, chỉ cần trong phạm vi cha có thể gánh vác được thì cha đều ủng hộ con”. Có một người cha tốt như vậy, nên tôi mạnh dạn đi thử nghiệm. Đương nhiên trong quá trình này cũng có kinh doanh, tiêu tốn của cha một số tiền. Nhưng cha tôi nói: “Được, xem như là tiền học thêm của con”.
Sau đó nhân duyên hội đủ, tôi đi dạy thay hai tháng. Tôi dạy các cháu lớp một, các cháu đứng vẫn thấp hơn hông của tôi. Bởi vì từ trước đến giờ chẳng có ai bảo tôi đi làm thầy giáo, tôi cũng chẳng biết tôi có thích hợp hay không nên cũng rất lo sợ. Tôi nói: “Anh đi tìm người khác đi, không nên tìm tôi, trước đến giờ tôi chưa nghĩ đến việc làm thầy giáo”. Nhưng cuộc sống thật vi diệu, thường hay có những điều kịch tính mà ta không lường trước lại đến với ta. Lúc này quý vị nên ổn định tâm lại, nói không chừng duyên may đã đến. Sau khi tôi từ chối họ, một tuần lễ sau họ lại đến và nói: “Thật sự là tìm không được người dạy thay”. Lúc đó trong lòng tôi nghĩ, không nên từ chối người từ xa đến, cho nên cắn răng mà đi dạy thay. Kết quả dạy thay mấy hôm thì rất mệt. Làm giáo viên thật sự rất mệt, đặc biệt là gánh nặng trong lòng, mỗi ngày đều mong muốn các em trưởng thành và an toàn. Nhưng mệt mấy ngày thì đột nhiên rất phấn chấn, cuối cùng tôi đã tìm được một công việc thật sự giúp ích cho xã hội. Cho nên yên tâm dạy xong hai tháng đó. Trở về nhà, tôi lập tức chuẩn bị thi vào trường sư phạm. Sau này cũng rất thuận lợi, cứ một đường như vậy mà đi.
Đương nhiên trong đó kèm theo niềm tin, bởi vì chúng tôi tuyệt đối không phải vì thu nhập, mà vì sứ mạng giáo dục. Tôi tin rằng Khổng Phu Tử, Mạnh Phu Tử đã âm thầm gia hộ cho tôi. Hơn nữa, tôi chưa có bạn gái. Rất nhiều bạn học đều đã có bạn gái nên họ không chuyên tâm. Con người có chí hướng thì đều tìm ra được phương pháp. Vì vậy, khi lên lớp, tôi tuyệt đối nỗ lực học tập hơn so với thời còn học tiểu học và trung học. Mục tiêu lúc đó chính là nghe xong bài giảng phải hiểu hết, không nên cất vào cặp mang về nhà nên tình trạng học tập lúc đó tốt vô cùng. Thật sự chí hướng đối với một người vô cùng quan trọng. Vì vậy, tôi đã thi đỗ rất thuận lợi, một mạch theo đuổi sự nghiệp giáo dục. Do đã tìm thấy phương hướng của cuộc đời nên có thể “ở ổn định, nghề không đổi”. Do đó, hiện nay cha mẹ rất yên tâm về tôi.
Tôi làm ở Hải Khẩu hơn bốn tháng, khi nghỉ tết liền về nhà. Vừa vào nhà, tôi liền nói với mẹ: “Thưa mẹ, mẹ tu hành quá tuyệt vời!”. Mẹ tôi nghe xong liền ngạc nhiên: “Con đang nói gì vậy?”. Tôi nói: “Hơn bốn tháng qua, trong lòng con đều không có lo âu, mà rất tích cực nỗ lực trong công việc. Điều này chứng tỏ, hơn bốn tháng qua, ở nhà mẹ cũng không có lo âu, không có lo lắng cho con, nên con cũng không có lo âu”. Thật sự cha mẹ lo lắng cho ta, chúng ta có cảm nhận được không? Cảm nhận được. Nếu như chúng ta không cảm nhận được, chứng tỏ sự quan tâm của chúng ta đối với cha mẹ chưa đủ.
Vào thời xưa, học trò của Khổng Tử là Tăng Sâm. Có một lần ông lên núi đốn củi thì ở nhà có người bạn từ phương xa đến. Mẹ của ông nghĩ, người ta đến từ nơi xa xôi như vậy, nếu như để người ta đợi, thậm chí là không gặp được thì rất thất lễ. Nhưng không biết khi nào Tăng Sâm trở về, nên mẹ của ông lấy kim chích vào đầu ngón tay. Tăng Sâm ở trên núi lập tức cảm thấy tim mình nhói đau, chắc chắn ở nhà có chuyện nên liền đi nhanh về nhà. Vừa nhìn thấy mẹ liền quỳ xuống: “Thưa mẹ, có chuyện gì vậy? Mẹ có khỏe không?”. Mẹ của ông nói: “Vì bạn con đến tìm, tình hình cấp bách, nên ta tự dùng kim chích vào tay”. Vì vậy, thưa quý vị, mẹ với con thật sự có cảm ứng.
Trong thời gian tôi ở Hải Khẩu, có một hôm vào lúc nửa đêm mười hai giờ, tôi đang nằm trên giường bỗng nhiên trong lòng cảm thấy rất khó chịu. Tôi không bị bệnh tim nên cảm thấy kì lạ. Nhưng đã nửa đêm rồi, không tiện gọi điện thoại về nhà. Hôm sau gọi điện thoại về nhà, mẹ tôi nói: “Hôm qua lúc nửa đêm, mẹ phải uống thuốc an thần cho dễ ngủ, nhưng lại uống nhầm thuốc hạ huyết áp, vì vậy nửa đêm rất khó chịu”. Phận làm con chúng ta thật sự có thể cảm nhận được.
Như vậy học nghiệp, sự nghiệp của chúng ta phải làm cho cha mẹ yên tâm.
Đối với gia nghiệp
Vợ chồng sống vui vẻ với nhau, cha mẹ sẽ yên tâm. Giáo dục tốt thế hệ sau cũng làm cho cha mẹ yên tâm. Mạnh Tử có nói: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Tội bất hiếu có ba, không con nối dõi là tội lớn nhất). Thưa quý vị, thế nào là “không con nối dõi là tội lớn nhất”? Sinh được đứa con trai là có người nối dõi rồi sao? Hiểu quá nông cạn. Nếu như sinh được một đứa phá gia chi tử, ông bà nội sẽ cảm thấy tức giận suýt mất mạng. Vì vậy “không con nối dõi là tội lớn nhất” có ý nghĩa thâm sâu hơn chính là không dạy dỗ tốt con cái, chúng làm mất mặt cha mẹ, mất mặt tổ tông. Đó mới thật sự là “không con nối dõi là tội lớn nhất”. Vì vậy, phải làm cho cha mẹ yên tâm về gia đình của chúng ta. Thật sự chúng ta phải cố gắng tăng trưởng trí huệ, sống hòa thuận với vợ. Chỉ cần vợ chồng hòa thuận thì có thể dạy dỗ tốt con cái.
Vợ chồng sống với nhau như thế nào mới hòa hợp? Hiện nay, có một sự thật không thể chối cãi được, đó là tỉ lệ li hôn rất cao. Tôi nhớ lần đầu tiên ở Hải Khẩu, trong lúc ăn cơm, tôi biết được ngồi cùng bàn có bốn cô gái thì ba cô đã li hôn, còn một cô có con mới hơn một tuổi và đang chuẩn bị li hôn. Thưa quý vị, nhìn thấy được tình cảnh như vậy thì như thế nào? Quả thật chúng tôi không nỡ lòng nào nhìn thấy có thêm một đứa trẻ bởi vì cha mẹ li dị mà trở thành một điều đáng tiếc suốt đời của nó. Vì vậy, chúng tôi liền tìm cơ hội để thảo luận về vấn đề chung sống giữa vợ chồng, hi vọng có thể cứu vãn tình hình, thay đổi suy nghĩ muốn li hôn của cô ấy.
Cho nên, vừa ăn cơm tôi vừa chuyển đề tài câu chuyện. Tôi nói, vợ chồng chung sống chỉ cần tuân theo một câu châm ngôn, thì bảo đảm vợ chồng sẽ sống đến đầu bạc răng long. Khi nói chuyện, chúng ta phải tự tin. Kết quả là người đồng nghiệp này lập tức mở to đôi mắt, chăm chú lắng nghe. Tôi nói, từ lúc kết hôn đến khi già đi “chỉ nhìn ưu điểm, không nhìn khuyết điểm của người bạn đời”. Sau khi tôi nói xong, cô ấy liền chau mày lại. Quý vị đã từng thấy sự chau mày hay chưa? Có khi còn có thể kẹp chết cả ruồi nữa. Cô ấy nói một câu: “Thầy Thái à, khó lắm!”. Thưa quý vị, có khó hay không? Tán thưởng người khác, tán thưởng vợ hoặc chồng khó đến như vậy sao?
Có một lần giảng ở Chu Hải, tôi vừa nói xong câu “chỉ nhìn ưu điểm của đối phương” thì có một cô nói rằng: “Thầy Thái à, chồng tôi chẳng có ưu điểm gì hết”. Tôi nói với cô ấy: “Tôi thật sự khâm phục cô. Chồng cô hoàn toàn không có ưu điểm vậy mà cô dám kết hôn với anh ấy”. Quý vị xem, con người dễ quên và đều làm việc theo cảm tính.
Tôi liền hướng dẫn họ: Quý vị hãy quay trở lại thuở ban đầu vợ chồng mới yêu nhau. Quý vị có nghe ai khi đang yêu tha thiết mà nói “tôi rất đau khổ” hay không? Không có. Vì sao khi đang yêu nhau tha thiết thì “trong mắt người yêu đều là Tây Thi”? Ý nghĩa của câu này không phải quý vị đã nắm bắt rồi sao? Vì chỉ nhìn thấy ưu điểm của đối phương, hơn nữa lúc nào cũng nghĩ mình có thể làm gì cho anh ấy/cô ấy. Khi mở báo ra xem, mắt luôn tìm kiếm xem bộ phim nào thật hay, ở chỗ nào có triển lãm sách, có những hoạt động gì có thể dẫn bạn gái cùng đi chơi. Giai đoạn đó đi làm luôn nghĩ: “Sao thời gian trôi qua chậm quá vậy! Năm giờ hẹn đi ăn cơm với bạn gái rồi!”. Lúc đó chỉ có một suy nghĩ, tôi có thể làm gì cho người yêu. Thái độ như vậy phù hợp với chữ nào mà chúng tôi nói ngày hôm qua? Chữ “yêu”, dùng tâm cảm nhận nhu cầu của người yêu. Khi người yêu đối xử với quý vị như vậy, đương nhiên trong lòng của quý vị vô cùng vui thích.
Khi đang yêu nhau tha thiết thì luôn nghĩ tôi có thể làm được gì cho người yêu. Nhưng khi đã kết hôn, đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn thì suy nghĩ liền thay đổi. Trước đây là “tôi có thể làm gì cho anh ấy”, sau khi con dấu giấy chứng nhận kết hôn đã đóng xuống thì trở thành “anh ấy phải làm gì cho tôi?”. Lúc nào cũng yêu cầu đối phương. Cho nên sau khi kết hôn xong thì áp lực khá lớn, sống lâu ngày với nhau sẽ nảy sinh những xung đột, dần dần không còn biết cảm ơn những công sức mà người bạn đời đã bỏ ra, không biết rộng lượng, tha thứ cho nhau.
Thưa quý vị, một niệm khác biệt sẽ đi từ đâu đến đâu? Từ thiên đường đi vào địa ngục. Vì vậy, thiên đường và địa ngục không phức tạp, chỉ trong một niệm.
Có một người có cơ duyên gặp được tiểu thần tiên. Tiểu thần tiên nói với anh ấy: “Tôi dẫn anh đi xem thiên đường và địa ngục. Anh muốn xem thiên đường hay địa ngục trước?”. Anh nói: “Tôi xem địa ngục trước”. Khi đến địa ngục, nhìn thấy một hàng bàn ăn dài, rộng khoảng một mét, trên bàn bày rất nhiều thức ăn. Có hai hàng người ngồi đối diện nhau, mỗi hàng đều ngồi chật người. Đũa của họ đều dài một mét. Bởi vì mỗi người đều nghĩ đến cái bụng đang đói của mình, nên khi nghe tiếng hô “Bắt đầu” thì họ liền gắp thức ăn lên đưa vào miệng của mình. Vì đôi đũa quá dài nên đến nửa chừng thì hai bên đánh nhau. Những người chưa gắp được thì rất giận dữ chửi mắng đối phương, càng lúc càng mắng dữ dội, thức ăn rơi đầy trên mặt đất. Họ đang sống ở đâu? Ở địa ngục, đều chỉ trích lẫn nhau, chửi mắng lẫn nhau.
Người đó nhìn thấy trong lòng rất khó chịu, nói: “Tôi không xem nữa, tôi muốn xem thiên đường”. Tiểu thần tiên dẫn anh ấy đến thiên đường. Anh cũng nhìn thấy bàn ăn được xếp một hàng dài, đũa cũng dài như vậy, thức ăn cũng như vậy. Anh thấy khó hiểu, lặng lẽ quan sát tiếp. Sau tiếng hô “Bắt đầu” thì tất cả mọi người cầm đũa lên, ung dung thong thả gắp thức ăn đưa vào miệng đối phương, giúp đối phương gắp thức ăn. Có một người nhân duyên vô cùng tốt, có ba người cùng gắp thức ăn cho anh. Anh ấy nói: “Từ từ thôi, tôi sắp nghẹt thở rồi”.
Quý vị xem, nếu mỗi người luôn luôn nghĩ đến đối phương, thì khi ăn một miếng thức ăn họ không chỉ được no bụng, mà tâm trạng cũng rất vui thích. Câu chuyện này đã cho thấy, thiên đường và địa ngục chỉ trong một niệm.
Tôi từng đến giảng ở vùng nông thôn của Hải Khẩu. Lần diễn giảng đó rất có ý nghĩa. Lần đó có người phiên dịch, vì nơi đó là người Hải Nam, tôi thì không hiểu tiếng Hải Nam. Trưởng thôn và phó thôn đều tham gia. Quan phụ mẫu như vậy hiếm có vô cùng. Trưởng thôn nghe tôi giảng xong thì phiên dịch lại cho mọi người nghe, cho nên tôi kể chuyện cười phải đi một vòng thì họ mới cười. Khi giảng đến câu chuyện thiên đường và địa ngục này, vì bảy giờ tối hôm đó có buổi giảng cho các em tiểu học ở trong thôn của họ, nên trưởng thôn và phó thôn cùng ăn cơm với tôi. Rốt cuộc trưởng thôn và phó thôn luôn gắp thức ăn để vào chén chúng tôi. Thầy Lý ngồi bên cạnh lập tức nói: “Chúng ta đã đến thiên đường rồi”. Quý vị xem, khi chúng ta học được cách đối nhân xử thế, mọi người liền ứng dụng vào trong việc xử sự giữa người với người, ứng dụng trong cuộc sống, thì toàn bộ sự tương tác qua lại giữa người với người như vậy sẽ vô cùng vui vẻ.
Tin rằng quý vị hiện tại ăn cơm cũng cảm thấy rất vui. Tôi nghe được có một bạn học của chúng tôi nói: “Mời mọi người dùng tự nhiên”. Khi người khác dùng lễ nghi đối xử với chúng ta, chúng ta sẽ rất dễ chịu. Thưa quý vị, không nên xem thường động tác này. Một đứa trẻ từ lúc nhỏ đã lo lắng rằng hành vi của chúng ảnh hưởng đến người khác. Giả sử hôm nay đồng nghiệp cùng ăn cơm với nhau, quý vị ăn no rồi, không nói tiếng nào lập tức bỏ đi, thì sẽ gây cho người khác ấn tượng gì? Những người xung quanh sẽ hỏi: “Có phải vừa rồi tôi có làm gì mất lòng cô ấy không?”. Đồng nghiệp khác có thể sẽ nói: “Có phải hôm qua cãi nhau với bạn trai hay không?”. Vì vậy, lễ phép là phương pháp để giữ khoảng cách đẹp giữa người với người. Khi chúng ta ăn xong, đứng dậy nên quan tâm đến người khác: “Xin quý vị dùng tự nhiên, tôi xin đi trước ạ”, thì người với người sống chung với nhau rất hòa thuận. Vì vậy, từ những tình tiết nhỏ trong cuộc sống có thể giúp họ luôn luôn dùng lễ nghi đối xử với mọi người.
Tôi kể câu chuyện này chủ yếu là muốn nói với mọi người, thật sự vợ chồng chung sống với nhau, điều quan trọng nhất là trạng thái tâm lí. Khi chúng ta luôn biết tán thán ưu điểm của đối phương, thì đối phương cũng cảm thấy mình phải ngày càng tốt hơn mới đúng. Tuy là tôi chưa kết hôn, nhưng mọi người nói là tôi nói thu hút nhất là khi nói về vợ chồng chung sống với nhau. Một người không nhất định phải tự thân trải qua mới có kinh nghiệm, chúng ta nên học tập nhiều ở người khác. Bởi vì tôi đã từng ở nhà cô giáo Dương nửa năm, thường nhìn thấy một vài bí quyết của vợ chồng cô chung sống với nhau.
Tôi còn nhớ, cho dù là cô hay chồng của cô, hễ bước vào nhà thì nhất định sẽ nói: “Anh (em) đã về rồi”. Người ở trong nhà cho dù là đang bận việc gì cũng nhất định sẽ bỏ hết công việc đang làm bước ra nói: “A! Mình đã về rồi”. Không nên xem thường những lời chào hỏi nhẹ nhàng này. Khi những lời chào hỏi này không thấy nữa, thì khoảng cách giữa người với người càng lúc càng xa. Có rất nhiều người, khi người nhà bước vào nhà nhưng cái đầu vẫn cúi xuống, tiếp tục ngồi đó đọc báo, chẳng có bất kì biểu lộ nào. Mặt trái của yêu thương không phải là hận, mà là sự thờ ơ. Sự thờ ơ gây tổn thương nhiều hơn so với hận. Quý vị hận có lúc nổi giận thì chửi mắng, nhưng vẫn có thể giao lưu tình cảm. Nhưng nếu như đều ngoảnh mặt làm ngơ, thờ ơ đối với sự ra sức của đối phương thì sẽ làm cho đối phương đau lòng.
Tôi nhớ có một lần tôi lên lớp dạy cho các em nhỏ, có vài phụ huynh đi theo cùng ngồi nghe. Có một em đang ngồi ở chính giữa, cha mẹ ngồi hai bên. Tôi nói với các em, một niệm thiện của chúng ta có thể làm cho nước kết tinh rất đẹp. Chúng ta nói với nước: “Tôi rất cảm ơn và yêu bạn”, thì nước sẽ kết tinh rất đẹp. Nhưng nếu chúng ta nói: “Ta rất ghét, rất hận ngươi”, thì nước sẽ kết tinh rất xấu. Sau đó chúng tôi lấy quả táo làm thí nghiệm. Một quả để ở cửa trước, một quả để ở cửa sau. Quả táo ở cửa trước thì được khen ngợi, quả táo ở cửa sau thì bị trách mắng. Chân lí thì phải dựa vào sự kiểm chứng của chính mình. Kết quả một tuần sau, quả táo ở cửa trước vẫn bóng loáng, quả táo ở cửa sau thì đã có mấy nếp nhăn. Một người bạn của tôi nói: “Tặng anh quả táo bị trách mắng này, anh có muốn ăn không?”. Nếu ăn quả đó có phải là nuốt hết những lời mắng chửi đó vào hay không?
Ngoài ra, còn có một thí nghiệm với cơm trắng. Lấy ba bát cơm trắng. Một bát thì ca ngợi: “Vì có bạn mà thân thể của chúng tôi có được dinh dưỡng”. Bát thứ hai thì bị mắng: “Sao mày khó ăn vậy!”. Bát thứ ba thì không để ý đến, không nói gì với nó. Một tuần lễ sau, bát cơm thứ nhất lên men, có mùi thơm; bát thứ hai mùi hôi khó ngửi, có màu đen; bát thứ ba cũng có mùi hôi và hôi hơn cả bát thứ hai. Vì sao vậy? Vì mọi người thờ ơ không để ý đến nó. Vì vậy, thưa quý vị, chiến tranh lạnh lợi hại hay chiến tranh nóng lợi hại? Chiến tranh nóng ít gây bệnh ung thư, còn chiến tranh lạnh dễ gây bệnh ung thư, rất vất vả, cực khổ.
Khi tôi nói đến chỗ này, cha của đứa bé đưa tay qua vỗ vỗ lên vai người vợ, sau đó nhìn cô ấy. Tuy tôi không biết người chồng nói điều gì, nhưng từ ánh mắt của người chồng, tôi hiểu được người chồng muốn nói: “Em xem, thầy giáo đang nói em đó”. Tôi ở trên bục giảng mà toát mồ hôi lạnh thay cho anh ấy. Tôi thấy cô vợ quay đầu lại, trừng mắt lườm người chồng một cái. Tôi liền nghĩ, người chồng này thật sự không nhạy cảm, thiếu nhạy bén, anh ta không nhận thức được vì sao người vợ chiến tranh lạnh với mình. Thật sự phụ nữ đâu có khó sống chung như vậy! Tôi nghĩ, chắc chắn là người vợ đã bỏ rất nhiều công sức, nhưng anh ấy ngay cả lời khẳng định và khen ngợi cũng không có, vì vậy người vợ luôn cảm thấy khó chịu. Khó chịu lâu ngày thì càng lúc càng nghiêm trọng.
Vì vậy, cánh đàn ông chúng ta nên nhớ câu này: “Một câu nói tốt lành, dù làm trâu, làm ngựa cũng vui lòng”. Nên khen ngợi vợ nhiều! Khi ăn cơm thì nhất định phải nói: “Món này nấu sao mà ngon thế! Cơm này nấu sao mà thơm vậy!”. Không chừng vợ của quý vị sẽ nói: “Em đi nấu thêm món giống như này nữa nhé”. Nếu như khi quý vị ăn cơm đến gần no rồi thì nói: “Sao mà khó ăn thế!”, thì có thể vợ sẽ bỏ đói quý vị ba ngày. Vì vậy, phải luôn luôn khen ngợi đối phương.
Có một lần, chồng cô giáo Dương bước nào nhà, cô Dương bước lại nói: “Mình về rồi à!”. Sau đó nhìn thấy chồng mình xách một số đồ đạc, cô nhanh chóng bước đến xách giúp chồng mình và nói: “Về là được rồi, sao mà khách sáo vậy, còn mang nhiều quà như vậy!”. Vì vậy, vợ chồng sống chung, người nhà sống chung với nhau thì phải cần thêm một chút tính khôi hài. Nên nhớ là cho dù người chồng có mua món gì về nhà cũng không nên chê này, chê nọ. Nói không chừng người chồng đã lựa chọn hết nửa ngày mới chọn được mấy cái ly đẹp. Quý vị không nhanh chóng phụ xách mà còn nói: “Sao mà anh mua một đống những thứ không dùng đến vậy?”. Người chồng sẽ cảm thấy sự nhiệt tình của mình đã bị dội một thùng nước lạnh.
Chồng cô Dương tay nghề vô cùng giỏi, vừa biết nấu cơm lại biết pha trà. Theo sự quan sát của tôi, có thể là do cô Dương khen ngợi mà có được. Khi uống trà xong, cô Dương liền nói: “Sao có người pha trà thơm như vậy!”. Có khi chồng cô cắt trái cây, cắt cam, cô ăn vào liền nói: “Cam này cắt thật là ngọt!”. Luôn tán thưởng người bạn đời, người bạn đời cảm thấy mình ngày càng có giá trị, ngày càng biết giúp đỡ chúng ta.
Ví dụ hôm nay chồng của quý vị chợt có ý nghĩ rửa chén giúp, quý vị nên làm như thế nào? Quý vị không nên bước lại nói: “Sao rửa chén không được sạch vậy!”. Lúc đó nên kiềm chế sự không vui của mình lại. Thí dụ chồng đã rửa được năm, sáu cái rồi, không chừng có một cái rửa rất sạch, quý vị nên cầm cái đó lên nói: “Anh xem, cái này rửa sạch như vậy! Lần đầu tiên rửa chén, em cũng không rửa được sạch như anh đâu”. Quý vị xem, lần sau anh ấy có giúp quý vị rửa nữa không? Lần sau chắc chắn là anh ấy sẽ giúp quý vị, bởi vì anh ấy đã được khẳng định. Vì vậy, nên bao dung nhiều một chút, khen ngợi nhiều một chút, thì mối quan hệ giữa vợ chồng chung sống với nhau rất tốt.
Người với người chung sống với nhau, chỉ cần quý vị giữ đúng một phương pháp là “Tứ Nhiếp Pháp”, thì chắc chắn sẽ chung sống với mọi người rất hòa thuận. Đây là cách sống giữa người với người.
Thứ nhất: “Bố thí”
Từ ngữ hiện nay gọi là mời khách nhiều, tặng quà nhiều. Giữa vợ chồng, nếu như có thể thường xuyên tặng những món quà nho nhỏ, thì trong lòng người vợ sẽ cảm thấy chồng mình đi đến đâu cũng nhớ đến mình. Vì vậy khi đi công tác, cái gì cũng có thể quên nhưng tuyệt đối không nên quên mua quà cho vợ. Quý vị không cần thiết mua hạt trân châu, như vậy sẽ không đủ tiền mua. Của ít lòng nhiều. Đúng ngay ngày sinh nhật của vợ hoặc là kỉ niệm ngày cưới, nên dẫn vợ đi nhà hàng: “Em nấu cơm thật sự là cực khổ quá rồi. Chúng ta ra nhà hàng ăn nhé!”. Tấm lòng của quý vị như vậy sẽ làm cô ấy cảm thấy công sức đã bỏ ra rất đáng.
Thứ hai: “Ái ngữ”
Như chúng tôi vừa nói, tán thành người bạn đời nhiều hơn, dùng nhiều lời an ủi dành cho người bạn đời. Đương nhiên “ái ngữ” ở đây không nhất thiết đều là lời dễ nghe, mà “ái” là thật lòng quan tâm đối phương. Làm vợ thì phải phụ chồng nuôi dạy con cái, cho nên đối diện với những sai lầm của chồng, chúng ta cũng phải khuyên bảo. Đương nhiên khuyên bảo cũng phải chú ý thái độ và phương pháp. Nên dùng thái độ gì? Trong “Đệ Tử Quy” có dạy không? “Đệ Tử Quy” có thể giải quyết vấn đề của vợ chồng không? Có.
Quý vị xem, Đệ Tử Quy” nói: “Cùng khuyên thiện, cùng lập đức”, “thấy người tốt, nên sửa mình”. Quý vị chỉ nhìn thấy ưu điểm của người bạn đời, họ sẽ rất vui. Tiếp theo, “Đệ Tử Quy” nói: “Ân phải báo, oán phải quên”. Quý vị luôn luôn nghĩ đến sự cực khổ của người vợ, sự vất vả của người chồng, thì mối quan hệ này chắc chắn rất tốt. Răng cũng có khi cắn phải lưỡi, huống chi là vợ chồng làm sao không có xung đột, nhưng quý vị không nên để trong lòng, “oán phải quên”. Vì vậy, thưa quý vị, không nên xem thường “Đệ Tử Quy”, “Đệ Tử Quy” có thể giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Như vậy, “Ái ngữ” cũng bao gồm việc khuyên bảo người bạn đời.
Thứ ba: “Lợi hành”
Do con người thường có tính hay quên, cho nên chúng ta phải luôn giúp đỡ người bạn đời ghi nhớ một số điều quan trọng. Có thể bỗng nhiên họ cảm thấy: “Cũng may có anh nhớ giúp em, nếu không thì đến lúc đó không biết phải tiêu tốn bao nhiêu là tiền bạc và thời gian một cách oan uổng”. Mọi lúc mọi nơi luôn nghĩ như thế nào để người bạn đời được thuận tiện, được lợi ích. Thí dụ hôm nay người chồng đi làm về tương đối trễ, người vợ nên bày tỏ tấm lòng là bật sáng đèn ngoài hành lang, làm cho người chồng trở về không cảm thấy căn nhà tối đen. Sau đó viết tờ giấy để trên bàn: “Em đã nấu mì cho anh. Anh cực khổ quá. Ăn xong rồi đi ngủ nhé!”. Đây cũng là lợi hành, làm cho họ cảm thấy dù công việc có vất vả hơn vẫn có một người đồng hành với họ.
Thứ tư: “Đồng sự”
Vợ chồng có chung sự nghiệp gì? Gia nghiệp: Tổ chức gia đình thật tốt, dạy dỗ thế hệ sau thật tốt. Vì vậy, vợ chồng phải thường xuyên trao đổi nhiều về việc giáo dục con cái. Vấn đề này thật sự có rất nhiều phụ huynh cảm thấy là cần phải làm cho rõ ràng. Chúng ta đem những quan niệm đúng đắn nói với người bạn đời. Thái độ khi nói cũng không nên quá mạnh mẽ. Khi chồng mình vừa trở về quý vị không nên nói với anh ấy là “Bắt đầu từ ngày hôm nay, việc dạy dỗ con cái anh đều phải nghe theo em”. Có nên như vậy không? Không nên. Quý vị không nên nói: “Em đã nghe thầy Thái giảng rồi, sau này đều phải nghe lời em”. Nếu như quý vị như vậy thì sau này tôi sẽ không dám đến nữa. Bởi vì khi tôi đi trên đường, có thể sẽ có người đến hỏi: “Ông có phải là thầy Thái không?”. Chắc chắn tôi sẽ nói: “Tôi không phải!”, bởi vì người ông ta có sát khí. Vì vậy, “đồng sự” phải được xây dựng trên quan điểm đúng đắn. Chúng ta có thể thông qua một số băng đĩa của cô giáo Dương, băng đĩa về “Đệ Tử Quy”, hoặc là băng đĩa tôi đang giảng để dần dần cùng nhau xây dựng nhận thức chung.
QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI
Xem videoĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE
Xem videoGiới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1
Xem videoSự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu
Xem videoKC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang
Xem videoKC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang
Xem videoPháp Ngữ Mới Nhất
Thống Kê Truy Cập
- Đang truy cập: 4
- Hôm nay: 77
- Tháng hiện tại: 3908
- Tổng lượt truy cập: 158571
Các bậc tiền bối của Tịnh Độ
Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư?
-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-