Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

1. Dạy Pháp Nguyên

Công phu Niệm Phật chỉ quý ở tín tâm chân thật. Thứ nhất phải tin rằng: Ta là Phật chưa thành, Di Ðà là Phật đã thành, thể vốn không hai. Kế đó, tin Sa Bà thật sự là khổ, An Dưỡng đích xác đáng quay về, ưa - chán rành rành. Tiếp đó, tin mỗi một hành động hiện tại đều có thể hồi hướng về Tây Phương. Nếu chẳng hồi hướng, dù là thượng phẩm thiện vẫn chẳng thể vãng sanh. Nếu biết hồi hướng, dẫu trót lầm gây hạnh ác, nhưng nhanh chóng dứt tâm tương tục (1), khởi lòng trân trọng sám hối; nhờ sức sám hối cũng được vãng sanh. Huống là trì giới, tu phước, bao nhiêu nghiệp thù thắng, há chẳng đủ để trang nghiêm Tịnh Ðộ ư?

Chỉ vì tín lực chẳng sâu nên thắng nghiệp chìm trong hữu lậu, lại muốn bỏ pháp này để chọn pháp khác, lầm lạc lắm thay! Chỉ nên tăng thêm lòng tin chân thành, chẳng cần phải thay đổi hết thảy các hạnh nghiệp vậy.

      2. Dạy Vương Tâm Quỳ

      Kinh Pháp Hoa đã ân cần khen ngợi phương tiện. Phải biết rằng có phương tiện thế gian: bố thí, ái ngữ, hiếu, đễ (2), trung, tín v.v...; có phương tiện xuất thế gian là các pháp môn: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh, Sổ Tức, Nhân Duyên, Viễn Ly, Tri Túc v.v... Còn có phương tiện xuất thế thượng thượng: Thập Ba La Mật, Tứ Nhiếp, Tứ Biện, tám vạn bốn ngàn tam muội tổng trì v.v...

Lại còn có phương tiện thù thắng khác lạ chẳng thể nghĩ bàn: tin trong tự tánh ta thực sự có đức A Di Ðà Như Lai hiện thành Phật đạo ở Tây Phương, ở ngay trong tâm ta thực sự có thế giới Cực Lạc trang nghiêm. Tin sâu, nguyện rộng, quyết chí vãng sanh. Chẳng những các phương tiện thượng thượng chỉ là tư lương của nó, mà hết thảy các phương tiện dù là thế gian, xuất thế gian, không gì chẳng phải là pháp phụ trợ cho việc vãng sanh mà thôi. Pháp môn này chính là thủ đoạn để điểm sắt hóa vàng, chẳng cần phải trải qua A Tăng Kỳ kiếp, chóng đạt lên Bất Thoái, bặt danh nghĩa, tuyệt đối đãi vậy

      3. Dạy Tĩnh Văn

      Hương Sơn đến tham phỏng ngài Ô Sào, Ngài bảo thẳng rằng: “Ðừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”. Ðứa trẻ lên ba cũng nói được, ông già tám mươi làm chửa xong. Trước đây, chư tổ chỉ điểm pháp thoát ly sanh tử tối giản dị, tối minh bạch, bất tất phải vẽ vời huyền diệu... Những năm đầu Mã Tổ chỉ nói: “Tức tâm thành Phật. Nếu thực sự biết là tức tâm thành Phật thì tự nhiên chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều thiện. Nếu quả thật chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều thiện thì liền biết tức tâm thành Phật”.

Vì thế, biết rằng: Muốn ngộ “tức tâm thành Phật” thì phải trì giới, niệm Phật. Trì giới thanh tịnh, niệm Phật thiết tha, trần cấu tự trừ, quang minh tự hiện. Kệ rằng:

      Trì giới tiện thị bình tâm,

      Niệm Phật tiện thị trực hạnh,

      Tham đắc cá điểm huyền quan,

      Bất đồng bát vu thảo bính,

      Nhược tiện giả, dã, chi, hồ,

      Thất khước Phật, Tổ tánh mạng!

      (Tạm dịch:

      Trì giới là để tâm bình,

      Niệm Phật là hạnh để mình tu thân,

      Lẽ mầu dù ngộ một phần,

      Chẳng bằng tu tập tinh thuần đó thôi,

      Cứ luận giáo nghĩa xuông hoài,

Tánh mạng Phật, tổ mất rồi còn đâu!

4. Dạy Quách Thiện Hữu

Biển cả Phật pháp, lấy Tín để vào, lấy Trí để chứng. Nếu có tín tâm nhưng thiếu trí huệ, chỉ e khó tránh phân vân đôi ngả. Phật dạy: “Ðời mạt đấu tranh kiên cố, ức ức người học đạo, hiếm có một người chứng quả. Chỉ nương vào niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, mới có thể vượt ngang ra khỏi luân hồi”. Nếu tin tưởng sâu xa niệm Phật, lễ bái là cái nhân chân chánh để thành Phật, thành Tổ thì đích xác là chẳng bị giòng đời xoay chuyển, lại còn là trí huệ đại quang minh, vượt thẳng lên Tịnh Ðộ, vĩnh viễn chẳng sợ bị lạc đường nữa.

5. Dạy Tống Dưỡng Liên

Hai câu “Tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ”, đời tranh nhau truyền tụng, nhưng chẳng biết thế nào là tâm tánh. Ôi, Tánh không có đạo lý, nhưng không gì là chẳng thuộc trong Tánh. Vì thế, đấng Ðạo Sư đã thành Phật từ mười kiếp chẳng ở ngoài Tánh. Tâm không duyên ảnh, nhưng không gì chẳng đủ. Vì thế, cõi Cực Lạc cách xa mười vạn ức cõi Phật thật sự ở trong tâm.

Bởi Di Ðà tức là tự tánh Di Ðà nên chẳng thể không niệm. Bởi Tịnh Ðộ chính là duy tâm Tịnh Ðộ nên chẳng thể không sanh về.... Trên thì từ Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Thiên Thân, dưới thì đến các loài ngọ nguậy, bay, bò, loài có vẩy, lũ có lông, chỉ có mỗi sự này.

Ðối với sự này thì điều thứ nhất là phải tin đến cùng cực, thứ hai là phải luôn luôn phát nguyện, ba là công phu niệm Phật đừng gián đoạn. Ðủ ba điều này thì kẻ thậm ngu cũng được vãng sanh. Thiếu ba điều này dù thông minh lanh lợi cũng chẳng được sanh. Ai báng pháp này chính là báng tam thế chư Phật, Bồ Tát. Trên đảnh Tỳ Lô trở thành tầng thấp nhất ngục của A Tỳ (3). Buồn thay!

6. Dạy Lục Dụ Liên

Siêu sanh thoát tử nhưng bỏ qua pháp môn Tịnh Ðộ thì quyết chẳng còn phương tiện hoành siêu, thẳng chóng nào khác nữa. Nhưng [muốn] sanh về Tịnh Ðộ mà bỏ pháp Niệm Phật thì chắc chắn chẳng còn công phu “vạn người tu, vạn người đậu” nào nữa! Gần đây, kẻ manh Thiền (4) lầm bảo chẳng cần phải niệm Di Ðà, chẳng cần sanh Tịnh Ðộ. Bướng bỉnh, mù quáng, hung hăng, sa hầm, sụp hố. Ôi, đêm lúc sắp ngủ, gối chiếu xộc xệch, còn phải xếp lại cho ngay. Ba cõi như nhà cháy nhưng chẳng nghĩ xuất ly há có được chăng?  

Nếu buông tuồng đáp: “Tôi làm chủ được tâm, nơi này chính là cõi Tịch Quang” thì sao chẳng bảo: Chửi rủa nặng nề chính là khen ngợi, đánh đập tàn nhẫn chính là cúng dường, phẩn uế chính là chiên đàn, trát tro chính là cung trời, điện báu? Vẫn chưa thể nuốt phân nằm tro thì nhất quyết chẳng thể sanh về Tịnh Ðộ được. Dù có làm được như vậy thì cũng chỉ giống như heo lợn, gà, chó mà thôi!

Sao bằng già giặn, chắc thật niệm Phật, lấy Tín dẫn đường, lại phải phát nguyện chóng ngự lên chín phẩm đài sen, cùng Quán Âm, Thế Chí, Hải Chúng làm quyến thuộc! Ngó lại kẻ ác kiến tà thiền trống rỗng, mượn hư danh Tổ Sư vênh váo một thời, đọa nỗi khổ thực sự: kéo lưỡi trâu cày trong vạn kiếp, khác gì mây sánh với bùn! Bất luận tán tâm, định tâm, chỉ khắc định khóa trình, trọn đời chẳng khuyết, mỗi ngày càng thêm siêng gắng, thiết tha thì hoa nhụy cõi Tịnh Ðộ ngày càng tươi tốt thêm!

7. Dạy ưu-bà-di Tịnh Kiên

Người cực thông minh lại bị thông minh làm cho lầm lạc, cho nên chẳng thể niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Trái lại, kẻ ngu, đàn bà chịu chán nỗi khổ Sa Bà, sâu xa cầu xuất ly. Thế mới biết rằng: Kẻ thông minh kia đúng là ngu si, còn người ngu si đây lại chính là đại trí huệ. Tốt xấu dễ phân, chớ tự lầm lẫn!

Thường thấy những kẻ dốt nát, dối trá, đại ngôn, dối đời giả danh thiện tri thức, gặp kẻ tiều phu, nông phụ ngu độn, chất phác cũng dạy tham thiền, đẩy qua kéo lại, rồi tự vỗ tay. Những người chất phác ấy lầm tưởng là thật, phá hoại thiện căn. Rốt cục, tham thiền tham chẳng tới, niệm cũng niệm chẳng thuần, chỗ đặt chân chẳng ổn, tâm tình bàng hoàng. Ôi! Chẳng đáng thảm sao!

Tôi khuyên bà: Nhằn đinh, nhai sắt, tin chắc vào Tây Phương, phát nguyện khẩn thiết, trì giới, tu phước để hỗ trợ. “Không Thiền có Tịnh Ðộ, vạn người tu vạn người đắc, chỉ cần thấy Di Ðà, lo gì không khai ngộ”. Ðấy là lời phán định ngàn đời [đúng thật], bà chớ nên nghi. Hạng tà sư không biết xấu hổ kia dám vu báng thánh hiền đời trước, dám tự tiện thay đổi, chỉ càng lộ rõ ác kiến của họ mà thôi. Sao lại dám thay đổi lời phán định của cổ nhân!

8. Dạy Phương Nhĩ Giai

Pháp môn Niệm Phật tuy bao trùm tám giáo, thâu trọn vô lượng trăm ngàn tam muội, nhưng cách thực hiện lại rất thẳng tắt, nhanh chóng. Hễ niệm tướng hảo, niệm pháp môn, niệm Thật Tướng v.v... thì trước hết phải khai giải thật sự, rồi mới tu tập, muôn phần không còn chút nghi tình nơi lý nữa. Riêng mình pháp môn Trì Danh đây, chỉ hâm mộ là tu được ngay, chẳng dùng đến ba tâm, hai ý.

Tin sâu Tịnh Ðộ thì sanh, phát nguyện quyết định vãng sanh, lấy Trì Danh làm Chánh Hạnh, lấy Lục Ðộ v.v... làm Trợ Hạnh. Vạn người tu, vạn người vãng sanh, tuyệt đối bảo đảm. Nếu tâm còn một điểm háo thắng, tu lấn sang Tham Cứu, cho là “hướng thượng” thì chỗ đặt chân chẳng ổn, mất cả Thiền lẫn Tịnh! Là bậc trí thì chẳng thể không quyết đoán chỗ mình toan hướng đến!

9. Dạy Lưu Kim Ðộ

Trong ba hạng người thuộc Thượng Phẩm Thượng Sanh, đầu tiên là “từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh”. Bởi lẽ, Giới thống lãnh vạn hạnh, thế nhưng từ tâm chẳng giết lại là điều cần phải làm trước tiên trong Giới. Dùng những điều này phát trọn vẹn ba tâm thì cõi nào lại chẳng tịnh? Ba tâm là:

- Trực tâm chánh niệm Chân Như thì gọi là Chí Thành Tâm, hiển Pháp Thân đức.

- Thích chứa góp hết thảy công đức thì gọi là Thâm Tâm, hiển Bát Nhã đức.

- Thệ nguyện sâu rộng vô tận, gọi là Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm, hiển Giải Thoát đức.

Giới cũng có ba loại:

- Nhiếp Luật Nghi Giới: không ác nào chẳng đoạn, tức là thành Pháp Thân.

- Nhiếp Thiện Pháp Giới: không thiện nào chẳng viên mãn, tức là thành Bát Nhã.

- Nhiêu Ích Hữu Tình Giới: không chúng sanh nào chẳng độ, tức là thành Giải Thoát.

Từ cũng có ba:

- Sanh Duyên Từ: chẳng sát sanh, duyên quán hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ, anh em, lục thân quyến thuộc của mình.

- Pháp Duyên Từ: chẳng sát pháp, duyên quán hết thảy địa, thủy đều là thân đời trước của mình, hết thảy hỏa, phong đều là bản thể của mình.

- Vô Duyên Từ: chẳng chấp Ngã, duyên quán hiện tiền nhất niệm Phật tánh không chỗ nào chẳng hiện hữu, mười phương tam thế hữu tình vô tình đồng một giác thể, không hai, không khác.

Niệm niệm tu ba lòng Từ này liền tịnh Tam Tụ. Tam Tụ Giới đã tịnh thì liền đầy đủ ba tâm, đắc Thượng Phẩm Thượng Sanh không còn ngờ gì nữa!

Hơn nữa, nếu quán hạnh tam tâm thì sanh vào Thượng Phẩm Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ. Nếu tương tự tam tâm thì sanh trong Thượng Phẩm Phương Tiện Hữu Dư Ðộ. Nếu chứng được một phần Tam Tâm thì sanh trong Thượng Phẩm Thật Báo Trang Nghiêm Ðộ. Rốt ráo tam tâm thì sanh trong Thượng Phẩm Thường Tịch Quang Ðộ. Ngài Vĩnh Gia nói: “Ai vô niệm, ai vô sanh. Nếu thực vô sanh thì là vô bất sanh”. Kinh Kim Cang dạy: “Hãy đừng trụ vào đâu cả để sanh tâm”, “Hết thảy hiền thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt” là nói về ý này.

10. Dạy Huyền Trứ

Phật tri, Phật kiến chẳng là gì khác, chỉ là nhất niệm tâm tánh hiện tiền của chúng sanh mà thôi. Hiện tiền nhất niệm tâm tánh vốn chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, chẳng thuộc vào tam thế, chẳng thể dùng tứ cú để diễn tả được (5). Chỉ vì chẳng chịu quán sát kỹ càng, lầm nhận bóng dáng của lục trần là tướng của tự tâm nên tạo thành tri kiến của chúng sanh.

Nếu quán sát tỉ mỉ tri kiến chúng sanh ấy thì nó chẳng ở trong các nơi: trong, ngoài, trung gian, chẳng thuộc ba đời, chẳng rớt vào tứ cú, thì bản thể của tri kiến chúng sanh vốn là tri kiến của Phật vậy. Nếu như chẳng thể tin nhận ngay điều này cũng chớ khởi nghi tình, cũng như đừng uổng công đảm đương, chỉ nên thâm tâm trì giới, niệm Phật. Nếu trì đến thanh tịnh, niệm đến mức thân thiết, bỗng tự nhiên tin nhận, như thường nói: “Lại dùng phương tiện khác để giúp Ðệ Nhất Nghĩa hiển lộ”. Gậy này đập vào đầu người đá, dãi dầu luận chuyện thực. Nếu muốn “chi, hồ, giả, dã” (6), tốn nước dãi [luận chuyện] các nơi thì tôi chẳng biết đến. Kệ rằng:

Chúng sanh tri kiến, Phật tri kiến,

Như thủy kết băng, băng hoàn hãn,

Giới lực xuân phong, Phật nhật huy,

Hoàng hà sách thanh chấn lưỡng ngạn,

Thiết mạc si cuồng hướng ngoại cầu,

Triệt ngộ y nhiên đảm bản hán.

(Tạm dịch:

Tri kiến chúng sanh, tri kiến Phật,

Như nước đóng băng, băng lại tan,

Gió xuân Giới lực, Phật nhật rạng,

Băng sông Hoàng nứt rền hai bờ,

Chớ có si cuồng cầu bên ngoài,

Ngộ rồi, vẫn như kẻ ngốc nghếch).

Bình luận Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ ( Phần 2 )
Ảnh đại diện
Anh   Chị
Video mới nhất
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video
Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Xem video
KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 7
  • Tháng hiện tại: 4068
  • Tổng lượt truy cập: 125799
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com