Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

11. Dạy Tự Thiên

Trú dạ Di Dà thập vạn thanh,

Tất sanh mạc khởi Tông - Giáo tưởng,

Trực tống tâm quy Cực Lạc bang,

Liên nhụy trân trì lập địa trưởng,

Nhậm tha tiếu ngã thị si phu,

Hành xích tùng lai thắng thuyết trượng,

Tha niên mạch thượng nguyện vương châu,

Thiện Tài thường đề đồng phủ chưởng!

(Tạm dịch:

Ngày đêm mười vạn tiếng Di Ðà,

Ắt được vãng sanh, đừng nghĩ tưởng

Này đây là Giáo, kia là Tông! 

Gởi thẳng lòng về chốn Lạc Bang,

Ao quý, đóa sen tươi tốt mãi,

Mặc ai cười mình là gã cuồng,

Từ rày làm ít hơn nói xuông (7)

Năm nao chợt ngự thuyền nguyện vương,

Thiện Tài thường kêu vỗ tay mãi!)

12. Dạy Thạch Hữu

Niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ chính là một pháp môn gồm thâu trọn vẹn trăm ngàn pháp môn, chứ chẳng phải là đề cao một pháp môn, vứt bỏ trăm pháp môn khác! Nhưng phải thâm nhập một môn, lấy Niệm Phật làm Chánh Hạnh, còn hết thảy Giới, Ðịnh, Huệ v.v... làm Trợ Hạnh. Chánh - Trợ cùng hành như thuyền thuận gió, lại thêm có giây lèo thì càng chóng đến được bờ.

Pháp Niệm Phật tuy nhiều, nhưng Trì Danh là giản tiện nhất. Pháp Trì Danh tuy nhiều, nhưng phép Ký Số là ổn thỏa, thích đáng nhất. Kẻ tu hành thực sự nào có mong làm gì khác với hạng ngu phu, ngu phụ đâu!

13. Dạy Lương Nhiên

Nhạt một phần tình đời, tự nhiên đắc lực thêm một phần Phật pháp. Xem nhẹ chuyện kiếm sống trong cõi Sa Bà một phần, phương tiện sanh về Tây Phương ổn đáng thêm một phần. Ðiều này mình chỉ tự hỏi lòng, đừng hỏi bạn tri thức. Tri thức cũng chỉ khuyên nhạt bớt mùi đời, coi nhẹ chuyện làm ăn, chuyên tu đạo Xuất Yếu mà thôi!

14. Dạy Minh Tây

Ra khỏi nhà lửa tam giới, có hai đường Dọc và Ngang:

- Dùng Tự Lực đoạn Hoặc để siêu thoát sanh tử gọi là Thụ Xuất Tam Giới (vượt khỏi Tam Giới theo chiều dọc), khó khăn, thành công chậm chạp.

- Dùng Phật Lực tiếp dẫn sanh về Tây Phương gọi là Hoành Siêu Tam Giới (siêu thoát Tam Giới theo chiều ngang), dễ dàng, thành công nhanh chóng. Viễn Tổ (đại sư Huệ Viễn) nói: “Công cao dị tấn, niệm Phật vi tiên” (công cao mà dễ tiến thì niệm Phật đứng đầu). Kinh dạy: “Mạt thế ức ức nhân tu hành, hãn nhất thành đạo. Duy y niệm Phật khả đắc độ thoát, như sấn thuyền độ hải, bất lao công lực” (Ðời mạt ức ức người tu hành, hiếm có một ai thành đạo. Chỉ có nhờ vào niệm Phật mới được độ thoát, như nhờ thuyền vượt biển, chẳng mất công sức).

Nếu có thể dốc lòng vào đường tắt Tây Phương, chí thành phát nguyện, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì đúng là bậc trượng phu. Nếu vẫn chưa thật sự tin, nguyện chẳng thiết, hành chẳng tận sức, dù Phật có từ bi thả thuyền, chúng sanh chẳng chịu lên thuyền thì biết làm thế nào đây?

15. Dạy Tạ Tại Chi

Một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta quá khứ không khởi đầu, vị lai không kết thúc, hiện tại không ngằn mé, tìm chẳng thể được, nhưng chẳng thể nói là Không; ứng dụng thiên biến vạn hóa, nhưng chẳng thể nói là Có. Tam thế chư Phật, hết thảy chúng sanh đều không hai thể. Hư không mười phương, sát trần sai biệt đều là tướng phần được hiện trong tâm ta mà thôi. Vì thế, bốn loại Tịnh Ðộ đều chẳng ở ngoài tâm, nên gọi là “duy tâm”. Nếu bảo Cực Lạc chẳng phải là tâm thì hóa ra Tây phương ở ngoài tâm ư? Nhưng tâm ta đâu phải chỉ hạn cuộc trong Ðông phương!

Có người bảo: “Các pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn”, chẳng biết rằng tâm tánh chẳng thể bảo là hữu vi, cũng chẳng thể bảo là vô vi. Do mê nên vô vi trở thành hữu vi, có tam giới, luân hồi, nhân quả, ví như mộng, huyễn, bọt nước, bóng dáng, sương, chớp. Nếu phản mê quy ngộ thì hữu vi lại biến thành vô vi, như mộng được tỉnh, như huyễn trở về gốc, như bọt tan thành nước, như bóng dáng quy về thể chất, sương chẳng khác tính ướt, ánh chớp chẳng khác thường quang. Nay niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ chính là phản mê quy ngộ, chí viên, chí đốn, giống hệt như những chuyện: mộng, huyễn... quy về.

Nhưng nếu luận trên phương diện đối đãi thì kiếm sống chốn Sa Bà là càng tăng thêm mộng, cầu sanh Tịnh Ðộ là tỉnh mộng; chẳng thể chẳng cầu sanh. Nếu luận theo tuyệt đãi thì Hoặc nghiệp cảm tam giới chính là ác mộng, niệm Phật sanh về Tịnh Ðộ chính là hảo mộng, cũng chẳng thể chẳng cầu sanh.

Nếu lại có kẻ bảo: “Ngay nơi đây chính là Tịnh Ðộ, cần gì đến Tây Phương?” thì liền vặn ngay: “Ngay lúc này đã ấm no, cần chi phải ăn cơm, mặc áo? Ngay nơi đây chính là phú quý, cớ gì phải kinh doanh, đỗ đạt? Ngay đây đã là học vấn, cớ gì phải đọc sách? Ngay nơi đây chính là đế kinh, cần gì phải lên mạn Bắc? Pháp thế gian đã chẳng bỏ được một mảy nào, sao lại muốn bỏ một mình pháp xuất thế?”

Nếu suy nghĩ sâu xa lẽ này thì đối với chuyện sanh về Tịnh Ðộ cả ngàn con trâu cũng không kéo lại được. Tổ Sư Thiên Như nói: “Ngộ rồi chẳng nguyện vãng sanh, chẳng dám chắc lão huynh đã ngộ!” Dù đức Thích Ca sống lại cũng chẳng sửa được câu này!

16. Dạy Thái Nhị Bạch

Trời đất, vạn vật đều có bắt đầu và kết thúc, có hình tướng, có phương vị, có chia cắt. Chỉ mình tâm thức là không khởi đầu, không kết thúc, không hình tướng, phương vị, chia cắt. Vì thế bảo: “Tìm tâm trọn chẳng thể được!”

Tâm đã hoàn toàn chẳng thể được nhưng trời, đất, muôn vật, không thứ nào chẳng phải là duy tâm. Chẳng phá được hai thứ Ngã Chấp và Pháp Chấp thì lý duy tâm, duy thức chẳng thể hiện bày. Chẳng rõ lý thức tâm thì chẳng thể hiểu được lẽ mầu nhân quả cảm ứng. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nên quán tánh pháp giới, hết thảy duy tâm tạo”. Quán kinh dạy: “Tin sâu nhân quả, chẳng báng Ðại Thừa”.

Ôi! Tâm như vàng vậy. Nhân quả mười pháp giới giống như những thứ vật dụng để trang hoàng. Nhưng trên đời còn có thứ vàng trơ chẳng thể chế tạo thành vật dụng được, chứ trọn chẳng có cái tâm trơ trơ chẳng tạo ra mười pháp giới. Ví như một niệm chẳng sanh bèn tạo thành Vô Tưởng ngoại đạo. Vì thế, người đại trí huệ ngộ sâu xa lẽ duy tâm ắt sẽ siêng niệm Phật. Ðối với câu nói: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, chỉ mình cư sĩ Nhị Bạch đảm đương nổi câu này thôi.

17. Dạy Chứng Tâm

Ðại đức Chứng Tâm hỏi tôi về tâm yếu. Tôi thưa:

- Tâm yếu không gì bằng niệm Phật. Ngài Thọ Xương nói: “Tâm niệm Phật chính là Phật”. Bởi lẽ, một niệm tâm hiện tiền là vô tánh duyên sanh, duyên sanh vô tánh.

Vì tâm ấy vô tánh duyên sanh nên hễ nghĩ đến danh thì lòng toàn là danh, nghĩ đến lợi thì bụng đầy cả lợi. Thậm chí ngày làm gì, đêm mộng nấy, không thứ gì chẳng phải là điều ý niệm đã chuyên chú vào. Mười giới thăng trầm đều do đây cả.

Bởi niệm tâm hiện tiền là duyên sanh vô tánh nên đang trong lúc lăng xăng tạo tác, chất chứa thiện ác, đột nhiên buông xuống thì hết thảy pháp đều trọn chẳng thể được. Nhưng nếu chấp chặt vào nơi “chẳng thể được” ấy thì lại bị rớt vào hầm sâu vô vi, chẳng chứng được bản thể vô chướng ngại của pháp giới, chẳng thể khởi công dụng vô chướng ngại của pháp giới. Vì thế, niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ mới chính là pháp môn Ðại Thừa viên đốn chẳng thể nghĩ bàn!

Niệm Phật thì có gì là khác đâu! Dùng ngay một niệm duyên sanh vô tánh này để niệm danh hiệu Phật vô tánh duyên sanh kia đó thôi! Danh hiệu Phật đã là vô tánh duyên sanh thì dù duyên sanh cũng vẫn là vô tánh. Bởi vậy, niệm một tiếng thì có một tiếng danh hiệu Phật hiển hiện. Niệm mười, trăm, ngàn, vạn tiếng thì có mười, trăm, ngàn, vạn danh hiệu Phật hiển hiện. Lúc chẳng niệm thì vắng lặng.

Niệm đã là duyên sanh vô tánh thì vô tánh chẳng ngại gì duyên sanh. Còn nếu chẳng niệm Phật chỉ e lại sanh bao thứ tạp niệm. Dù chẳng sanh tạp niệm cũng sợ đọa trong lỗi mòn vô vi. Vì thế, phải dùng Phật hiệu để phát sanh cái niệm của mình, khiến mình niệm niệm chẳng lìa Phật hiệu. Ðấy chính là ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, có thể nói là dùng Phật để chứng tâm, mà cũng có thể nói là dùng tâm để chứng Phật, hoặc nói là dùng Phật chứng Phật, dùng tâm chứng tâm cũng đều được. Rất thẳng tắt, ổn thỏa, thích đáng, liễu nghĩa cực viên đốn, chẳng thể nghĩ bàn, các pháp môn khác chẳng thể sánh bằng được.

Nếu thật sự tin được như vậy, thẳng một bề mà niệm thì chư Phật sẽ hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng thực cho. “Nếu ai chuyên niệm Di Ðà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền. Khi chí tâm tưởng tượng thấy Phật thì là pháp bất sanh bất diệt”. Lời chân thành từ nơi kim khẩu chẳng tin được sao?

18. Dạy Niệm Phật Xã

Chúng ta từ vô thỉ đến nay, thẳng cho đến tận vị lai, hoàn toàn không có lúc nào là chẳng khởi niệm. Dù cho tâm tình nguội lạnh, nhập Vô Tưởng Ðịnh, vẫn còn đọa trong tám vạn bốn ngàn loạn tưởng khô khao. Nhưng nếu niệm địa ngục thì là người thuộc trong địa ngục giới, niệm ngạ quỷ thì là người trong ngạ quỷ giới, cho đến niệm Phật thì là người thuộc về Phật giới. Lẽ này thật rõ ràng. Vì thế sách Tông Kính Lục viết: “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”.

Nếu lại hỏi người niệm Phật là ai thì là trên đầu lại mọc thêm đầu, đang cưỡi lừa lại đi kiếm lừa, ắt kẻ mắt sáng phải cười sặc cả cơm. Nhưng gần đây hạng vô tri, ngông cuồng, càn rỡ lại xem thoại đầu là kỳ đặc, coi danh hiệu Phật là tầm thường, bỏ Như Ý bảo châu, tranh nhau nhặt lấy ngói sạn, đáng buồn thay!

Riêng mình các thiện hữu Thịnh Khê kết xã niệm Phật, suốt cả ngày niệm Phật ra tiếng tàn một cây hương, lại niệm thầm hết một cây hương, tuần hoàn như thế chẳng gián đoạn, lấy Nhất Tâm Bất Loạn làm hạn. Phải tin sâu chớ nghi Hạnh đơn giản, khéo léo này, lâu ngày đừng biến đổi thì sẽ tự siêu thoát trọn vẹn ngũ trược, viên tịnh bốn cõi Tịnh Ðộ, chẳng còn phải ở ngay trong điện Hàm Nguyên lại hỏi Trường An ở đâu nữa!

19. Dạy Mân Châu Ðĩnh

Tín - Nguyện như mắt, các hạnh như chân. Tín - Nguyện như trâu, các hạnh như xe. Tín - Nguyện như chữ khắc trên con cờ, các hạnh như con cờ. Vì Tín - Nguyện - Hạnh ba thứ, thiếu một thứ chẳng được, nhưng phải lấy Tín - Nguyện làm chủ đạo. Bởi lẽ, nếu Tín - Nguyện đã chuyên thì mọi thứ điều thiện đều là tư lương Tịnh Ðộ. Dẫu cho vạn phần bất hạnh, trót lầm gây các điều ác, thành tâm sám hối, dứt tâm tiếp nối thì cũng đủ để làm diệu hạnh vãng sanh. Nếu không có Tín Nguyện, dù cho Giới động trời người, Ðịnh cảm cõi Sắc, cõi Vô Sắc thì trí huệ chỉ đạt bằng Nhị Thừa Quyền Quả mà thôi!

20. Giảng về pháp môn Niệm Phật

Pháp môn Niệm Phật chẳng có gì là lạ lùng, đặc biệt cả. Chỉ cốt yếu là tin sâu, tận lực hành trì mà thôi. Phật dạy: “Nếu ai chỉ niệm A Di Ðà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền”. Ngài Thiên Thai nói: “Bốn thứ tam muội, cùng tên Niệm Phật, Niệm Phật Tam Muội là vua trong các tam muội”. Ngài Vân Thê nói: “Một câu A Di Ðà bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông”.

Tiếc rằng người đời nay nghĩ pháp Niệm Phật là tầm thường, thiển cận, cho là công phu của hạng ngu phu, ngu phụ. Ðó là vì tín chẳng sâu, hành cũng chẳng tận sức, suốt ngày lơ là, tịnh nghiệp chẳng hề đạt được. Dù có ai khéo bày phương tiện, muốn cho họ hiểu rõ môn tam muội này, nhưng cứ hễ động tới, họ liền cho rằng tham cứu chữ “ai” (ai là người niệm Phật) mới là hướng thượng, nào biết đâu cái tâm năng niệm - sở niệm hiện tiền vốn tự vượt khỏi những đối đãi, phân biệt, chẳng mảy may tác ý rời lìa hay tuyệt dứt cái gì. Tức là một câu Phật được ta niệm này đây cũng vốn tự vượt ngoài tình thức, lìa khỏi mọi phân biệt, phán đoán, nào phải còn nhọc nhằn đàm huyền thuyết diệu nữa ư?

Cốt sao tin cho đến nơi, giữ cho ổn, thẳng một bề mà niệm. Hoặc là suốt ngày đêm niệm mười vạn, hoặc năm vạn, ba vạn, lấy số câu quyết định chẳng thiếu làm chuẩn. Trọn cả đời này, thề chẳng biến cải. Nếu chẳng được vãng sanh thì tam thế chư Phật đều là nói dối. Một phen được vãng sanh sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển; các thứ pháp môn đều được hiện tiền.

Kỵ nhất hôm nay Trương Tam, ngày mai Lý Tứ. Gặp người bên Giáo, bèn toan tầm chương trích cú. Gặp kẻ bên Tông những mong tham cứu vấn đáp. Gặp người trì luật bèn toan đắp y, trì bát. Ðấy chính là kẻ chẳng hiểu mối đầu, chẳng tường gốc ngọn. Ðâu biết rằng niệm A Di Ðà Phật đến thuần thục thì những giáo lý chí cực của Tam Tạng mười hai bộ kinh cũng đều nằm trong ấy cả. Một ngàn bảy trăm công án, mấu chốt hướng thượng cũng nằm trong ấy cả. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, Tam Tụ Tịnh Giới đều nằm trong ấy cả. 

Chân thật niệm Phật, buông bỏ thân tâm, thế giới xuống, chính là Ðại Bố Thí. Chân thật niệm Phật, chẳng khởi tham, sân, si nữa, chính là Ðại Trì Giới. Chân thật niệm Phật, chẳng quản thị phi, nhân ngã, chính là Ðại Nhẫn Nhục. Chân thật niệm Phật, chẳng mảy may gián đoạn, lai tạp, chính là Ðại Tinh Tấn. Chân thật niệm Phật, chẳng đuổi theo vọng tưởng nữa, chính là Ðại Thiền Ðịnh. Chân thật niệm Phật, chẳng bị lầm lạc bởi những trò ngoắt ngoéo của người khác, chính là Ðại Trí Huệ.

Hãy thử kiểm điểm: Nếu còn chưa thể buông thân tâm, thế giới xuống, tham - sân - si vẫn còn tự hiện khởi, thị phi – nhân ngã vẫn còn tự ôm giữ, gián đoạn – lai tạp còn chưa trừ sạch, chưa vĩnh viễn diệt hết chuyện rong ruổi theo vọng tưởng, các thứ trò ngoắt ngoéo của người khác vẫn còn lung lạc được mình thì chưa phải là niệm Phật chân thật.

Muốn đạt đến cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn thì cũng không có thuật chi khác. Cách hạ thủ ban đầu hết là phải dùng xâu chuỗi để nhớ số cho phân minh; khắc định khóa trình, quyết định chẳng thiếu. Nếu là kẻ Sơ Tâm mà thích bàn chuyện Khán Thoại Ðầu, muốn chẳng chấp tướng, muốn học viên dung tự tại thì nói chung là hạng tin chẳng sâu, hành chẳng tận sức. Dù có giảng được mười hai phần giáo, hạ được một ngàn bảy trăm câu Chuyển Ngữ cũng chỉ là chuyện bên bờ sanh tử; đến lúc lâm chung, hoàn toàn vô dụng. Hãy trân trọng!

 

Bình luận Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ ( Phần 3 )
Ảnh đại diện
Anh   Chị
Video mới nhất
QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI

QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI

Xem video
ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

Xem video
Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Xem video
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 90
  • Tháng hiện tại: 2526
  • Tổng lượt truy cập: 163393
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com