26. Lời phổ thuyết ở Thiên Mã Viện, Hấp Phố
Kinh Hoa Nghiêm dạy:
Nếu ai muốn biết rõ
Tam thế hết thảy Phật
Nên quán tánh pháp giới,
Thảy chỉ do tâm tạo.
Kinh Kim Cang dạy:
Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh,
Như sương, như ánh chớp,
Hãy quán sát như vậy.
Hãy biết rằng chỉ thú của hai bài kệ này không khác nhau. Ðã chỉ là do tâm tạo thì đều là hữu vi. Ðã chỉ là hữu vi thì đều như mộng huyễn. Nhưng hữu vi có hai thứ: một là hữu vi hữu lậu, tức là lục phàm pháp giới; hai là hữu vi vô lậu, tức là tứ thánh pháp giới. Mười giới phàm thánh tuy khác, nhưng rốt ráo đều chỉ là do tâm tạo. Hữu vi hữu lậu như mộng, huyễn, còn hữu vi vô lậu do thuận theo pháp tánh nên chẳng phải là mộng, huyễn.
Vì sao bảo là lục phàm đều chỉ là do tâm tạo? Nếu một niệm ứng với thượng phẩm thập ác thì toàn thể pháp giới là địa ngục. Một niệm ứng với trung phẩm thập ác thì toàn thể pháp giới là súc sanh. Một niệm ứng với hạ phẩm thập ác thì toàn thể pháp giới là Tu La. Một niệm ứng với trung phẩm thập thiện thì toàn thể pháp giới là nhân đạo. Một niệm ứng với thượng phẩm thập thiện thì toàn thể pháp giới là thiên đạo.
Trong sáu giới này, chẳng phải chỉ riêng mình tam đồ và trời người hạ giới phải chết đi, sanh lại như huyễn, như mộng, mà ngay cả trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cũng chẳng tránh khỏi đọa lạc, không vong, đều như huyễn, như mộng cả.
Vì sao bảo là tứ thánh đều chỉ do tâm tạo? Nếu có thể biết Khổ, đoạn Tập, ngưỡng mộ Diệt, tu Ðạo, siêng tu Giới - Ðịnh - Huệ phẩm, chứng được thiên chân Niết Bàn (11) thì toàn thể pháp giới là Thanh Văn. Nếu có thể quán đúng đắn sự lưu chuyển, hoàn diệt, mười hai nhân duyên mà được giác ngộ thì toàn thể pháp giới là Ðộc Giác. Có thể dùng tiên tri để giác hậu tri, dùng tiên giác để giác hậu giác, tu khắp lục độ, vạn hạnh, tự lợi, lợi tha thì toàn thể pháp giới là Bồ Tát.
Bồ Tát lại có bốn loại:
- Nếu dựa theo sanh diệt Tứ Ðế phát bốn hoằng thệ nguyện, trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chế phục Hoặc và độ sanh thì là Bồ Tát của Tạng Giáo .
- Nếu dựa theo vô sanh Tứ Ðế phát hoằng thệ, trước hết đoạn Chánh Sử, tập tành lợi lạc chúng sanh, độ chúng sanh như huyễn thì là Bồ Tát của Thông Giáo.
- Nếu dựa theo vô lượng Tứ Ðế phát hoằng thệ, chẳng chỉ độ lục phàm thoát khỏi phần đoạn sanh tử mà còn độ cả tam thừa quyền thánh thoát khỏi biến dịch sanh tử thì là Bồ Tát của Biệt Giáo.
- Nếu triệt ngộ rằng một niệm tâm tánh hiện tiền vốn sẵn thông suốt chiều dọc, trọn khắp theo chiều ngang, chúng sanh còn mê thì toàn thể là Tập - Khổ, nhưng tâm này chẳng giảm. Chư Phật đã ngộ thì toàn thể là Ðạo - Diệt, nhưng tâm này chẳng tăng. Diệu tâm tuy đồng nhưng do mê ngộ nên cách biệt vời vợi. Lại y theo vô tác Tứ Ðế, phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, xứng tánh tu hành lục độ vạn hạnh, tự giác, giác tha thì là Bồ Tát của Viên Giáo.
Những phước trí do bốn hạng Bồ Tát này tu tập gọi là hữu vi vô lậu. Huống hồ là công hạnh viên mãn, đồng quy Vô Thượng Bồ Ðề thì toàn thể pháp giới trở thành bốn trí Bồ Ðề, trên thân vô lậu đoạn sạch bờ mé vị lai, lợi lạc hữu tình, há cũng có thể nói là như huyễn, như mộng chăng? Trong tứ thánh, Nhị Thừa dù ra khỏi sanh tử, chỉ chứng được thiên chân, chẳng thấu đạt toàn thể tâm tánh nên chỉ gọi là hữu vi vô lậu. Chư Phật, Bồ Tát chứng được toàn thể tâm tánh. Vì thế, nếu ước trên phương diện toàn tánh khởi tu thì gọi là hữu vi vô lậu cũng được; nhưng nếu xét theo phương diện hoàn toàn tu nơi tánh thì gọi là vô vi vô lậu cũng được.
Kinh Kim Cang nói như huyễn, như mộng là để phá những thứ phàm, ngoại và hai thứ chấp: Ngã Chấp, Pháp Chấp. Bởi mộng cảnh tuy là Không, nhưng mộng tâm chính là giác tâm. Huyễn sự tuy là Không, nhưng huyễn vốn chẳng hoàn toàn là giả. Bọt nước tuy chẳng thật, nhưng phải đâu không là nước. Bóng dáng tuy không thực, nhưng nào phải không có chất.
Vì thế, biết được rằng: tuy lục phàm sanh tử qua lại như huyễn, như mộng, nhưng Phật tánh vẫn chẳng đoạn diệt, chỉ thường chẳng biết hay đó thôi! Bồ Tát hiểu rõ một niệm tâm tánh hiện tiền, xưa nay thường hằng, chẳng sanh, chẳng diệt, trên thì bằng với chư Phật, dưới thì bằng với chúng sanh. Dù chẳng muốn thượng cầu hạ hóa cũng chẳng thể được.
Nhưng, tuy phát đại tâm Bồ Ðề, tập khí hư vọng vô minh từ vô thỉ rất nặng, quán lực nhỏ yếu, e dễ bị lui sụt, nên phải hiểu trọn vẹn lẽ trên, chuyên niệm A Di Ðà Phật, cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Bởi lẽ, một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta vốn đã cùng tột theo chiều dọc, trọn khắp theo chiều ngang nên vốn đủ cả vô biên sát hải (13).
Nơi vô biên sát hải trong tâm tánh của ta, thật có thế giới Cực Lạc cách ngoài mười vạn ức cõi, thật có đức A Di Ðà Phật hiện tại, Ngài đã chứng tâm tánh trước, từ bi tiếp dẫn hết thảy loài mê. Nay ta dùng Bồ Ðề tâm lực này xưng danh hiệu Ngài thì cùng với đức A Di Ðà Phật như hư không hòa lẫn hư không, như nước hòa lẫn vào nước. Vì thế, xưng danh một tiếng thì mỗi tiếng nhất tâm bất loạn. Xưng danh mười tiếng thì mười tiếng nhất tâm bất loạn, cho đến xưng danh bảy ngày thì bảy ngày nhất tâm bất loạn. Ngay đang lúc xưng danh, không còn tâm thứ hai, nên chẳng thể loạn được.
Nếu như nói: ngũ nghịch, thập ác lâm chung mười niệm còn được vãng sanh, sao cứ phải hằng ngày khư khư xưng danh? Thật lầm to quá! Hạng ngũ nghịch thập ác được vãng sanh nói đến trong kinh phải là hạng trong quá khứ đã từng gieo trồng hạt giống Bồ Ðề. Nếu không có hạt giống Bồ Ðề, làm sao gặp được thiện hữu? Ví dù gặp thiện hữu khuyên lơn, cũng chẳng thể sanh ngay tín niệm, xưng niệm hồng danh được!
Vì thế, phàm là bậc tu tâm tịnh nghiệp thì phải gấp đề cao diệu tâm, phát Bồ Ðề nguyện, xưng niệm A Di Ðà Phật, dù chẳng đoạn Hoặc, vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh, hoành siêu tam giới. Ðây chính là pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, mười phương chư Phật dùng vô lượng lưỡi, vô lượng âm, khen ngợi pháp môn này vẫn còn chưa nói hết được nổi. Hãy nên tin chắc chắn, tận lực thực hành.
Nay Thánh Hà Ngô cư sĩ ở Hoàng Nam cùng pháp hữu Kiên Mật riêng vì lệnh tiên từ là Thành Tịnh ưu bà di Hồng thái nhụ nhân (14) thỉnh tôi giảng pháp yếu nên tôi kính cẩn vì họ giảng nói.
27. Phạm Thất Ngẫu Ðàm (trích bảy đoạn)
* Trở về nguồn thì tánh không hai, nhưng phương tiện lại có nhiều môn. Thế nên Tham Thiền, Niệm Phật, Chỉ Quán đều là phương tiện cả. Ðã nói là môn thì sao giống nhau được? Nếu biết toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh thì cả ba môn đều nhất trí, há phải là khác? Vì thế, tu hành chân chánh chỉ quý thuận đường về nhà. Nói là đồng hay dị chỉ càng tăng thêm hý luận.
* Hiện thời, kẻ tri thức thường dạy người lợi căn tham thiền, dạy kẻ độn căn niệm Phật, nghĩ rằng: tham thiền chỉ thích hợp với thượng cơ, niệm Phật chỉ xứng với hàng trung, hạ. Nếu nghĩ Thiền chẳng độ được kẻ trung căn, hạ căn thì là báng Thiền; cho là niệm Phật chẳng thích hợp với thượng cơ thì chính là báng Giáo. Họ báng bổ cả Thiền lẫn Giáo, dấy động thành trào lưu khiến cho Thiền trở nên hư danh, nhưng cũng chẳng thực sự niệm Phật. Ðáng buồn thay! Nào biết rằng mỗi loại người tham Thiền, niệm Phật và tu Giáo Quán đều có túc căn. Mỗi một căn tánh lại chia ra ba phẩm:
Người thuộc phẩm thứ nhất trong cửa Thiền vừa chạm đến liền thấu tỏ, không còn sự gì khác nữa. Vốn xưa đã có sẵn linh căn như mưa đúng thời. Người thuộc phẩm thứ hai liền chẳng còn nghi, ẩn tàng sâu xa, hàm dưỡng kín đáo, đợi đến lúc dưa chín, cuống rụng, đại dụng hiện tiền, trời rồng ủng hộ, tùy ý lợi sanh. Người thuộc phẩm thứ ba đầy đủ đại nghi tình, như mang mối thù giết cha, dốc tận sức bình sinh để hiểu thấu tột cùng sự ấy.
Người niệm Phật thuộc phẩm thứ nhất thì đốn ngộ tự tâm là Phật, niệm niệm viên minh. Người thuộc phẩm thứ hai tin tưởng sâu xa tự tâm là Phật, niệm niệm lý nhập. Người thuộc phẩm thứ ba tin tưởng sâu xa vào Phật lực vô lượng, niệm niệm diệt ác. Lại còn có bốn loại, tức là niệm tự tánh của Phật, niệm tướng hảo, công đức của Phật, niệm danh hiệu Phật, niệm hình tượng Phật. Bốn loại này thông cả ba phẩm.
Người giáo quán thuộc phẩm thứ nhất vừa nghe viên lý liền phát ngay sơ tâm, thành Chánh Giác trong khoảng sát-na, thị hiện tám tướng trong trăm giới. Người thuộc phẩm thứ hai tin vào Nhất Cảnh Tam Ðế, thanh tịnh sáu căn nơi thân, chế phục trụ địa vô minh, dẹp tan bụi bặm Kiến Tư. Người thuộc phẩm thứ ba nghe kinh liền viên giác, tu năm phẩm quán hạnh, tu tập Tam Quán để huân tập, chế phục Ngũ Trụ, hướng về Giác.
Từ đó có thể nói là pháp không ưu liệt, thuốc trị được bệnh là thuốc hay. Căn cơ có cạn, sâu, nếu chấp chặt vào phương tiện thì chính là do thuốc mà đổ bệnh.
* Như có kẻ hỏi tôi: “Ông do nguyện nào nguyện sanh Tây Phương?” Tôi hỏi: “Là do nguyện nào nguyện vào địa ngục?” Người ấy đáp: “Là cái tâm nào vậy?” Tôi đáp: “Tây Phương là trên thờ chư Phật, địa ngục là dưới độ chúng sanh. Với Phật thì bắt đầu từ đức Di Ðà vì nguyện vương thù thắng. Với chúng sanh thì bắt đầu từ địa ngục vì bi tâm khẩn thiết”.
* Có kẻ thiền giả hỏi tôi: “Sư tu tập công phu gì?” Ðáp: “Niệm Phật”. Kẻ ấy hỏi: “Niệm Phật để làm gì?” Ðáp: “Ðể cầu sanh Tây Phương!” Thiền giả cười khẩy: “Sao chẳng chuyên chú nơi tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ, mà lại dùng cái vọng niệm ấy để vọng cầu làm gì?” Tôi đáp: “Ông bảo Phật A Di Ðà ở ngoài tánh, cõi Cực Lạc ở ngoài tâm ư? [Nếu vậy] thì tâm tánh quá hạn hẹp rồi. Như vậy lời ông vừa bảo vô cầu vô niệm đó chẳng phải là chấp vào Không một cách xấu ác hay sao?”
* Người ta bảo tham Thiền ắt ngộ đạo, chẳng cần cầu sanh Tây Phương. Niệm Phật là sanh về Tây, chưa chắc ngộ đạo được. Họ biết đâu rằng người đã ngộ rồi còn chẳng thể chẳng sanh Tây Phương, huống là kẻ chưa ngộ ư? Hơn nữa, Thiền giả muốn sanh về Tây Phương, bất tất phải đổi sang niệm Phật. Chỉ cần đầy đủ tín - nguyện thì tham Thiền chính là hạnh Tịnh Ðộ.
Hơn nữa, niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, Năng lẫn Sở đều mất chính là đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, há chẳng phải là ngộ đạo hay sao? Vì thế, tham Thiền hay niệm Phật đều có thể ngộ đạo, đều có thể sanh về Tây Phương. Nhưng có nghi thì tham, không nghi thì niệm, tự châm chước ngay trong lúc mỗi người tu tập mà thôi!
* Sanh về Tây Phương dùng ba thứ tâm: chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm. Do ba tâm này [có thể tu] thẳng thành Phật. Người trôi lăn cõi tục cũng có ba tâm: tâm khinh, tâm sao nhãng, tâm tương tục. Do ba tâm này thường qua lại trong năm đường. Ô hô! Ba thứ tâm trước trong trăm người họa chăng có một; ba tâm sau trăm ngàn người chẳng có nổi một người không. Chẳng lạ gì người miệng bảo cầu sanh thì lắm, kẻ thật sự vãng sanh lại ít vậy!
* Ðại Sư Vân Thê phát huy pháp môn Niệm Phật như sau: Có Sự nhất tâm bất loạn và Lý nhất tâm bất loạn. Có kẻ bảo: trì danh hiệu là Sự Nhất Tâm, tham cứu chữ Ai là Lý Nhất Tâm, chẳng phải lầm lắm sao? Bởi lẽ, Sự Nhất Tâm là rành rành phân minh, chẳng hôn trầm, chẳng tán loạn. Lý Nhất Tâm là ngầm khế hợp vô sanh, thấu rõ tột cùng tự tánh. Lúc tham cứu thoại đầu dù thuần thục, vẫn chỉ là thuần thục về mặt Sự. Lúc niệm đến mức tâm lẫn Phật cùng mất thì đã thuộc về Lý, lẽ đâu cứ nói đến Sự là chỉ nói về niệm, còn nói đến Lý là chỉ dành riêng cho tham cứu ư?
Hơn nữa, tham chữ Ai bảo là tham cứu Lý còn được, chứ bảo là Lý Nhất Tâm lại không được. Nhưng không một ai tham cứu Lý lại có thể xem thường Sự được. Vì sao vậy? Sự có công năng hỗ trợ Lý. Lý không thể tồn tại một mình. Mong hãy suy nghĩ kỹ!
28. Thư trả lời Tịnh Thiền Sư
Pháp môn Tịnh Ðộ vốn bao gồm hết thảy tông giáo, thâu trọn hết thảy các căn cơ. Vì thế, trước nay, trứ tác của Phật, Tổ, Thánh Hiền đã quá nhiều. Muốn chọn lấy những điều tinh yếu để lợi ích các phẩm thì hãy nên chọn đủ những điều sở trường chứng thực cho tâm ngộ thì mới có thể lưu truyền được. Nếu chưa thâm hiểu sâu xa pháp môn này thì hãy nên chú trọng tu tập tận lực, đừng vội vàng đặt nặng việc trước thuật.
Ðối với trách nhiệm trọng yếu là độ người hãy lấy trí huệ và phương tiện làm gốc. Có trí huệ thì mới hiểu ngọn ngành lẽ quyền - thật, nói tương xứng với lý thì không nghĩa nào là chẳng gồm trọn. Có phương tiện thì văn chương mới bóng bẩy, văn đúng như nghĩa khiến cho người đọc vui thích.
Nay ông thâu thập khắp[các tác phẩm Tịnh Ðộ để soạn thành sách] thì hãy nên chú trọng [những phần nói] về lý đến bảy tám phần, chỉ coi trọng văn chương chừng năm sáu phần. Có lẽ ông nên tu dưỡng sâu xa, giồi luyện thêm cho khéo. Ý tứ đầy đủ được nghiền ngẫm kỹ càng thì chỉ có những sách như Di Ðà Sớ Sao, Long Thư Tịnh Ðộ Văn v.v... E rằng cuốn Diệu Tông Sao chưa giảng cứu nghĩa lý tới cùng tột.
Xin khuyên ông hãy tìm tòi, chọn lọc cẩn thận, xem thêm các sách Thập Nghi, Tịnh Ðộ Hoặc Vấn, Bảo Vương Tam Muội, Tây Phương Hiệp Luận v.v... để rốt ráo được mở rộng tầm mắt. Sau đấy mới dùng tâm từ bi, xem xét căn cơ của nơi này, chỗ này, chọn lọc lấy một lời, nửa câu để làm lợi ích cho họ thì công đức càng thù thắng vậy.
29. Thư trả lời ông Ðặng Tĩnh Khởi
Tham Thiền hay niệm Phật nếu khéo dùng thì không môn nào chẳng phải là thuốc cả. Chẳng khéo dùng thì không môn nào là chẳng tăng thêm bệnh. Thậm chí, chấp thuốc thành bệnh hoặc lấy bệnh làm thuốc. Sự việc chẳng giống hệt một loạt như nhau, chẳng thể dùng đôi lời nói trọn hết được. Ðại sự sanh tử, Phật đạo huyền diệu. Nếu như hiểu biết hời hợt, công phu sơ sài thì giải quyết về mặt Sự còn chưa xong, huống hồ là thanh toán nổi câu “nhất vị” hay sao? Hai câu “Thiền vốn chẳng tham, Phật vốn chẳng niệm” vừa là đề hồ, vừa là độc dược! Nay quát trời xanh, mắng Phật, Tổ chính là rớt vào hầm vô tham, vô niệm. Nếu thật sự tham, thật sự niệm, chắc chắn sẽ chẳng có thái độ ngông cuồng như thế!
30. Thư gởi Châu Tẩy Tâm
Chẳng thể nói toạc vì sợ ngăn lấp cửa ngộ là một đường lối phương tiện riêng của tham cứu. Nhà Thiền cũng có khi chẳng ngại nói toạc thẳng thừng, huống hồ là Giáo Quán, Tịnh Ðộ ư? Ý chỉ của Tịnh Ðộ nằm trọn trong cuốn Diệu Tông. Nếu trì danh mà chẳng tu quán làm sao thấu đạt bốn cõi Tịnh Ðộ dọc ngang?
Cuốn Tây Phương Hiệp Luận cũng là một cuốn sách hữu công trong Tịnh Ðộ, chẳng hổ là một tác phẩm viên thông, bao hàm trọn vẹn cương tông của pháp Niệm Phật Tam Muội, nhưng lời ít nghĩa nhiều, chỉ nêu lên cái học đề cương, yếu lãnh, chứ chẳng khảo sát trọn khắp toàn bộ giáo pháp, chẳng thể trong vài ngàn câu mà hòng thâu tóm trọn vẹn hết được.
Nếu chú trọng chuyên tu, chưa rảnh để lợi sanh thì cứ ngày đêm niệm Di Ðà mười vạn câu, cầu được vãng sanh; bất tất phải mong cầu thông suốt những giáo nghĩa trọng yếu của các tông. Câu: “Chỉ được thấy Di Ðà, lo gì chẳng khai ngộ” chính là luận về điều này.
Nếu là người đại từ bi, toan lưu lại trứ tác thì tác phẩm phải thập phần tinh vi, ngời sáng, mới hòng lợi lạc khắp ba căn. Nếu không, vừa lập một pháp liền nảy sanh ngay một điều tệ. Vả lại, đời mạt các ngữ lục của Thiền, Giáo, Tịnh Ðộ chất chật nhà, cao tận rường, chỉ xét về mặt Sự đã tạp nham chẳng thuần, cốt khoe mẽ cùng thế tục đó thôi!
31. Thư gởi Ðinh Liên Lữ
Một môn Tịnh Ðộ hữu danh vô nghĩa đã lâu! Cư sĩ chú trọng tu hành thực tiễn, làm gương mẫu cho cả Tăng lẫn tục. Ðấy chính là được quang minh của đức Di Ðà chiếu rạng vậy. Nhưng đời mạt thường coi rẻ pháp môn này là pháp dành riêng cho căn cơ Trung, Hạ, chẳng biết nó là pháp chí viên, chí đốn, lợi khắp ba căn. Hãy nên nghiền ngẫm, suy nghĩ kỹ càng hai cuốn Diệu Tông Sao và Tây Phương Hiệp Luận, mới hòng phá được cái kiến chấp tà vạy ấy!
32. Trả lời thư ông Hàn Triều Tập
...Tịnh Ðộ cực nhanh, thẳng tắt, quảng đại, viên dung, chí đốn, cực dễ, không căn cơ nào là chẳng thâu tóm, không tội nào chẳng diệt được. Ông vừa phát tâm liền biết quy hướng pháp môn này, nhưng sao hơn ba mươi năm vẫn còn nửa tin, nửa ngờ? Tôi chép riêng hai thiên công án vãng sanh để giúp tín lực cho ông. Muôn phần chẳng nên chần chừ nữa!
33. Thư trả lời Ðường Nghi Chi
Cuốn [Quán Vô Lượng Thọ Kinh] Diệu Tông Sao chẳng thể đổi được một chữ. Bởi lẽ, Ðại - Tiểu A Di Ðà kinh (kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Ðà) độ khắp ba căn nên sách chú giải hai kinh ấy phải tương xứng căn cơ cạn lẫn căn cơ sâu. Còn kinh này (Quán Vô Lượng Thọ Kinh) chuyên để độ bậc đại căn viên đốn như bà Vi Ðề Hy khiến họ ngay trong đời này ngộ được Vô Sanh Nhẫn.
Nếu chưa thấu triệt được yếu chỉ tâm “làm, là” (tâm này làm Phật, tâm này là Phật) thì hoàn toàn chẳng thể nương vào Sự để tu Quán được! Ngài Vân Thê nói: “Tâm thô, cảnh tế, diệu quán khó thành!” Ðây chính là điều được các vị đại tổ sư như ngài Thiện Ðạo đề xướng, tôi tin ngài Vân Thê chẳng đoán mò.
Húc tôi (đại sư Ngẫu Húc tự xưng) cho rằng: Thời Tống căn tánh khá lanh lợi, những yếu nghĩa được ngài Tứ Minh phát huy hãy còn sơ lược (Ý nói: do căn tánh chúng sanh thời ấy lanh lợi, nên đại sư Tứ Minh chỉ giảng đại lược người đọc liền lãnh hội ngay được ý chỉ, không cần phải viết dài dòng). Nếu nay đại sư lại trước tác [chú giải Quán kinh] lẽ ra nên giải thích tận tường, có đâu lại chỉ tiết yếu? Thợ cả chẳng vì bạn thợ vụng về mà đổi, bỏ dây mực; Hậu Nghệ chẳng vì kẻ vụng bắn mà thay đổi quy cách ngắm cung, kéo cung. Ðiều này quan hệ chẳng nhỏ. Nếu chẳng viên giải thấu triệt cả mười hai phần, chẳng tránh khỏi gây nên ma sự. Chỉ có mỗi một pháp Trì Danh, ngàn phần ổn thỏa, trăm chiều thích đáng.
Xét ra Quán kinh cùng sách Diệu Tông Sao dành riêng cho hạng viên đốn. Nếu là những chúng sanh thuộc căn tánh chẳng suy lường lầm lạc thì họ cũng tự có thể thấu hiểu được. Kẻ đã hiểu sẽ nhất định chẳng ngại sách dài. Ðối với kẻ chưa hiểu, lại còn rút ngắn đi thì có ích gì cho họ? Nếu lược bớt những phần ý nghĩa nông cạn, chỉ giữ lại những phần sâu xa, kẻ sơ cơ càng thêm khó hiểu. Nếu lược bỏ phần sâu, giữ lại phần cạn thì lại càng trái nghịch tông chỉ kinh. Suy đi nghĩ lại, vạn phần chẳng nên dấy khởi ý niệm ấy.
NGẪU ÍCH ÐẠI SƯ PHÁP NGỮ HẾT
(dịch xong ngày 04 tháng 12 năm 2003)
(1)
QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI
Xem videoĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE
Xem videoGiới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1
Xem videoSự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu
Xem videoKC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang
Xem videoKC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang
Xem videoPháp Ngữ Mới Nhất
Thống Kê Truy Cập
- Đang truy cập: 8
- Hôm nay: 194
- Tháng hiện tại: 1453
- Tổng lượt truy cập: 172145
Các bậc tiền bối của Tịnh Độ
Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư?
-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-