Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

BÀI TỤNG “QUÁN THÂN BẤT TỊNH” Trích từ “Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa” Chủ giảng: Hòa Thượng ân sư Thích Thượng Tịnh Hạ Không Tứ Niệm Xứ là dạy cho chúng ta 4 loại quán niệm chính xác. Ngày nay, chúng ta tu hành, các đồng tu thường nói công phu không có lực. Nền tảng của chúng ta chưa chắc chắn thì công phu của bạn đương nhiên không có lực. Không có lực là gì? Không buông bỏ được! Tại vì sao không buông bỏ được? Không nhìn thấu! Phật dạy chúng ta phải bắt đầu học từ đâu? Bắt đầu học từ Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ, thứ nhất là “quán thân bất tịnh”, đây là bước đầu vào cửa, chính là làm cho chúng ta đối với thân kiến này tuy là chưa thể đoạn dứt, nhưng cái chấp trước này phải giảm nhẹ, vậy thì có tiến bộ. Dùng phương pháp “quán thân bất tịnh” này làm giảm nhẹ ngã chấp. 37 phẩm trợ đạo, thứ nhất là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ có 4 câu, mỗi câu là một phẩm trợ đạo. Một là “quán thân bất tịnh”, hai là “quán thọ thị khổ”, ba là “quán tâm vô thường”, bốn là “quán pháp vô ngã”. Bốn loại quán này đều thuộc về trí huệ quán. Quán đầu tiên, quý vị phải quán sát kỹ càng “thân bất tịnh”. Đơn giản là nhìn từ đâu? Là nhìn từ ngũ tạng lục phủ của chúng ta, từ trong chín huyệt, thứ gì chảy ra thì quý vị biết là không sạch sẽ. Lại quán sát kỹ mồ hôi chảy ra từ lỗ chân lông, chẳng khác gì nói toàn thân đang bài tiết, không chỗ nào bài tiết ra là mùi thơm cả, không có mùi thơm mà toàn là hôi thối. Đại tiện, tiểu tiện chảy ra ngoài. Rõ ràng nhất là ra mồ hôi, quý vị xem mùi mồ hôi như thế nào? Vị ra sao? Phương pháp quán này, người thật sự giác ngộ thì đối với thân thể này sẽ không chấp trước nữa, không quý trọng nữa. Danh từ nhà Phật nói là danh xứng với thực, gọi là “bọc thịt thối”. Bọc là cái túi, túi thịt thối! Những thứ đựng bên trong là hôi thối, không sạch. Những thứ không sạch sẽ, có gì đáng để tôn quý? Có gì đáng để yêu thương? Có gì đáng để lưu luyến? Tu hành khổ nhất là không qua được cửa đầu tiên, chính là chấp trước cái thân này! Chấp trước nghiêm trọng nhất là tham ái thân thể, chấp trước thân thể này. Quý vị xem, đức Phật dạy chúng ta phương pháp đối trị tu hành, phương pháp đầu tiên là dạy chúng ta “quán thân bất tịnh”. Trí huệ xuất hiện rồi, bọc thịt thối này phải buông bỏ. Bây giờ vẫn dùng nó. Trong Phật pháp nói là “mượn giả để tu chân”. Chúng ta ngày nay cũng có bọc thịt thối, chúng ta giác ngộ rồi, giác ngộ rồi thì bọc thịt thối không tạo nghiệp hôi thối nữa, không tạo cái nghiệp này, dùng nó để tu hành, cần dùng nó để tu Chân. Chân là gì? Chân là Kiến Tánh. Minh Tâm Kiến Tánh là Chân, dùng nó để làm việc này! Cần dùng nó để buông bỏ phiền não vọng tưởng (vô minh), buông bỏ phiền não phân biệt (trần sa hoặc), buông bỏ phiền não chấp trước (kiến tư hoặc) thì có thể trở về với Tự Tánh. Lời soạn giả: Người tu hành Phật Pháp nói chung, người tu Tịnh Độ nói riêng như bản thân tôi đây, chúng ta sống trong xã hội hiện đại ngày nay đều cảm nhận vô cùng rõ ràng: bên ngoài thì vô số cảnh duyên ái dục đang mê hoặc tâm ta (ân sư Tịnh Không giảng bộ Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2018-2019 từng nói rằng sức mê hoặc dụ dỗ của cảnh duyên thời nay lớn hơn thời xưa gấp trăm ngàn lần); bên trong tâm thì nghiệp chướng tập khí tham ái dâm dục từ vô lượng kiếp tích lũy đến hiện tại quá nhiều, quá nặng. Giặc dâm dục trú ngụ sẵn trong tâm ta thông đồng dẫn đường cho lũ giặc dâm dục ở bên ngoài kéo vào phá nát công phu tu trì của chúng ta. Trong ứng ngoài hợp, nội công ngoại kích thì dù người tu Phật không muốn cũng sẽ bị lũ giặc này làm hại. Tôi vì tập khí dâm dục quá nặng, khó có thể hàng phục được, nên công phu trì Giới Luật, công phu niệm Phật, công phu đọc Kinh Vô Lượng Thọ và nghe giảng Kinh Vô Lượng Thọ thường bị tập khí dâm dục này quấy nhiễu phá hoại nhiều lần, khiến không đắc lực. Nhờ chư Phật Bồ Tát âm thầm gia trì, tôi tình cờ xem được “Bất Tịnh Quán Tụng” của Tổ sư thứ 11 Tịnh Độ Tông là Đại sư Tỉnh Am. Duyên lành đưa đẩy, tôi vừa xem từng câu trong bài tụng này, lại song song xem trên Internet thật kỹ hình ảnh xác người chết lúc họ mới qua đời, rồi thối rữa phân hủy trải qua các giai đoạn ra sao, cho đến khi chỉ còn lại xương trắng tro tàn cát bụi thì thấy lửa dâm dục đang cháy hừng hực trong tâm mình bị tắt ngay lập tức, hiệu quả đạt được vượt trội hơn mong đợi. Tôi phát hiện ra rằng, thời nay, kể cả hàng xuất gia lẫn tại gia, vì chưa từng được thấy qua thực tế, thấy đầy đủ, thấy thường xuyên tất cả các giai đoạn phân hủy xác người và những thứ nằm dưới lớp da người, do đó sẽ gặp khó khăn trong pháp “quán bất tịnh” này. Vì lẽ này, người tu Phật thời nay nếu căn cơ kém cỏi giống như tôi, chỉ đọc văn “quán bất tịnh”, hoặc vừa đọc vừa quán tưởng nương theo tranh vẽ mơ hồ sẽ không thể nào cảm nhận rõ ràng chi tiết sự kinh tởm, bẩn thỉu, hôi thối,… của “bọc thịt thối”, lực quán tưởng không mạnh, không đủ sức để hàng phục tâm dâm dục! Tôi lại thấy có đồng tu học Phật ít đọc văn “quán bất tịnh”, dành nhiều thời gian xem hình ảnh “bất tịnh” thì sẽ giống những thanh thiếu niên thời nay chuyên đi săn ảnh kinh dị lưu vào máy tính hay điện thoại để xem hàng ngày, không thể khiến lửa dâm dục trong tâm ngừng cháy! Vừa đọc văn “quán bất tịnh”, vừa xem ảnh “bất tịnh” thực tế thì lửa dâm dục trong tâm lập tức tắt ngay, hiệu quả đạt được rất rõ rệt. Cách quán này giúp hành giả trừ sạch tâm dâm dục, còn giúp hành giả không chấp trước “bọc thịt thối” của mình, giúp chúng ta cảnh giác thêm về lẽ vô thường đời người, hiểu rằng cái chết ập đến bất kỳ, sống ở nhân gian thì lão thật nghe Kinh niệm Phật nhằm nắm chắc vãng sanh Cực Lạc thành Phật! Hành giả nào chưa quyết tâm ăn chay trường thì nhờ cách quán này sẽ ghê tởm, không còn ham thích ăn thịt chúng sanh nữa. Nhận thấy nhiều điều lợi ích đó, tôi lấy bài tụng “quán bất tịnh” của Đại sư Tỉnh Am tùy theo văn mô tả xác người phân hủy đến đâu mà chèn hình ảnh thực tế vào đến đó, phần cuối lại thêm hình ảnh mổ pháp y, thật đúng là dùng khoa học kỹ thuật để hoằng dương Phật Pháp. Bài tụng khá ngắn gọn. Mong rằng đồng tu học Phật gặp được bài văn “quán bất tịnh” kèm hình ảnh thực tế này, nếu có thể dành thời gian đọc tụng mỗi ngày một biến thì dần dà sẽ đạt được hiệu quả cao từ pháp “quán thân bất tịnh”, nhìn thấu – buông xuống, Tín – Nguyện – Trì Danh ngày càng đắc lực, nhanh chóng vãng sanh Cực Lạc thành Phật đi khắp mười phương phổ độ chúng sanh khổ nạn, công đức viên mãn. Người soạn: Cư sĩ Diệu Âm – Bác sĩ Bùi Thanh Tùng Pháp tướng Tịnh Tông Thập Nhất Tổ – Hàng Châu Phạm Thiên Tỉnh Am Đại sư (Thật Hiền Đại sư) *** mục lục *** BÀI TỤNG QUÁN BẤT TỊNH CỦA ĐẠI SƯ TỈNH AM Trích DỤC HẢI HỒI CUỒNG – An Sĩ toàn thư Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến dịch Lời tựa: Đức Phật vì những chúng sanh nhiều tham dục nên chỉ dạy pháp “quán bất tịnh”. Thực hành pháp quán này lâu ngày thuần thục, tự nhiên trừ dứt được tham dục, có thể vượt qua được con sông luyến ái, siêu thoát sanh tử luân hồi. Nhân lúc thanh nhàn, tôi có xem qua bộ “Luận Đại Trí Độ”, mượn lấy ý tưởng từ đó mà làm ra bài tụng này, dùng để tự nhắc nhở cảnh tỉnh bản thân, cũng là nhắc nhở cảnh tỉnh người đời. QUÁN TƯỞNG CÁI CHẾT Bao nhiêu luyến ái rồi cũng dứt, Thân này xét kỹ được bao lâu? Rơi lệ khóc người đều vô nghĩa! Mấy ai quán xét tự ban đầu? QUÁN XÁC CHẾT TRƯƠNG SÌNH Sinh thời bao dáng vẻ đẹp xinh, Thoắt chốc thành thây thối trương sình! Trước mắt những người đang son trẻ, Mai sau có thoát được tử sinh? QUÁN XÁC CHẾT VỚI MÁU BẦM XANH, ĐEN,… Da thịt đổi sang đỏ, trắng, vàng,… Máu bầm xanh, tím,… rỉ tràn lan. Hãy nhìn cho kỹ thân xác ấy, Mới hôm nào y phục xênh xang! QUÁN XÁC CHẾT HƯ HOẠI Da thịt ôi thôi vữa nát rồi, Tim, gan, phèo, phổi,… lộ ra thôi! Nếu người sáng suốt như thật quán, Tham luyến gì trong đống thịt hôi? QUÁN XÁC CHẾT MÁU Ứ TANH HÔI Dung nhan tươi đẹp đã mất rồi, Tử thi đầy máu ứ tanh hôi. Dù muốn nhìn qua phân đẹp xấu, Nhưng chỉ mơ hồ một dáng thôi. QUÁN XÁC CHẾT THỐI RỮA CHẢY MỦ Xác người thối rữa khó nhìn thay, Nồng nặc tanh hôi muốn tránh ngay! Ngờ đâu thân xác hôi tanh ấy, Đã từng son phấn biết bao ngày. QUÁN XÁC CHẾT BỊ CÁC LOÀI THÚ XÂU XÉ Chim, thú,… chia nhau bữa thịt người, Người từng ăn chim, thú,… suốt đời. Ba tấc hơi ngừng, người với thú, Cũng đều thối rữa, trắng xương phơi! QUÁN XÁC CHẾT TAN RÃ Người chết, hình hài cũng rã tan, Tứ chi, xương cốt,… vãi tràn lan. Xét kỹ hình dung xưa đẹp đẽ, Giờ biết về đâu giữa mênh mang? QUÁN XƯƠNG TRẮNG Xương trắng nằm trơ giữa quạnh hiu, Khi còn đi lại ngỡ yêu kiều. Nhưng dáng yêu kiều xưa là giả, Vẻ thật ngày nay có đáng yêu? QUÁN XÁC CHẾT HỎA THIÊU Hừng hực bốc cao ngọn lửa hồng, Di hài bỗng chốc đã hóa không. Hãy nhìn đám khói bay lên đó, Có thể khởi lòng tham luyến không? Những thi kệ trên chỉ nêu sơ lược điểm cốt yếu của các phép quán, chưa có sự quán xét sâu xa và phân tích kỹ. Vì thế, dưới đây tiếp tục nêu rõ hơn: QUÁN TƯỞNG CÁI CHẾT – lần 2 Người thân yêu nay vĩnh biệt rồi! Mắt nhìn chẳng nỡ, dạ bồi hồi. Thần thức vừa lìa ra khỏi xác, Di thể nhập quan, khóa chặt thôi! Đêm khuya, nhà trống, đèn leo lắt, Gió thu trướng lạnh hắt từng hồi. Khuyên ai đang lúc còn sinh lực, Sớm tĩnh tâm, quán lúc lìa đời. QUÁN XÁC CHẾT TRƯƠNG SÌNH – lần 2 Hơi dừng, thân lạnh, khí phát sinh, Thi hài thoắt chốc đã trương sình! Thân thể căng phồng như túi nước, Bụng như dưa héo, nhìn phát kinh! Nước rỉ từ thân bao nhơ nhớp, Ruồi nhặng đua nhau đến rập rình. Một lớp da che, không sớm biết, Lầm lạc bao năm, đáng hận mình! QUÁN XÁC CHẾT VỚI MÁU BẦM XANH, ĐEN,… – lần 2 Thây phơi nắng, gió,… dãi vài phen, Màu sắc chuyển sang vàng, xanh, đen,… Da khô vữa nát rơi từng mảng, Xương cốt nửa phần cũng rã tan. Tai, mũi,… giờ đây thành hốc lõm, Dây gân từng đoạn đứt ngổn ngang. Ví như tượng đá thường câm lặng, Nhìn cảnh thê lương cũng lệ tràn. QUÁN XÁC CHẾT HƯ HOẠI – lần 2 Da bọc quanh thân vừa rơi rã, Hình thể liền tan nát xót xa. Bụng như dưa nứt bày gan, ruột,… Giòi bọ từ trong khoét đường ra. Dây khô vô tình quấn tóc rối, Rêu ẩm mọc lan nát lụa là. Nhắn gửi người đắm mê hình sắc, Thôi đừng tô điểm túi phân da! QUÁN XÁC CHẾT MÁU Ứ TANH HÔI – lần 2 Trơ trơ nằm đó khối máu đông, Ngàn năm bất động, người còn không? Bê bết lẫn trong lùm cỏ dại, Ngổn ngang bụi đất cũng ố hồng. Còn đâu ảo tưởng phân đẹp xấu! Đâu kẻ nam nhi, khách má hồng? Đáng thương kẻ mê nơi mắt thịt, Nhận giả làm chân, mãi chạy rông! QUÁN XÁC CHẾT THỐI RỮA CHẢY MỦ – lần 2 Da mỏng bồi giấy rách khác chi? Thịt thối, canh thiu càng đổ đi. Mủ máu hôi tanh từ trong rỉ, Ruồi nhặng tranh nhau rúc tử thi. Như kẻ ăn lòng lợn nôn mửa, Như người tắm chó, nước sạch chi? Nếu không ghê tởm thấu xương tủy! Làm sao dứt được khối tình si? QUÁN XÁC CHẾT BỊ CÁC LOÀI THÚ XÂU XÉ – lần 2 Xác quẳng ra, muôn loài xâu xé, Có phần nào còn được vẹn nguyên? Chẳng đủ no lòng bao quạ đói, Chưa hết cơn thèm lũ chó điên. Ngày nay đang sống, không tự liệu, Lúc thân tàn, ai kẻ tương liên? Khi ấy không bằng loài dê, lợn,… Thịt chúng còn mang bán được tiền. QUÁN XÁC CHẾT TAN RÃ – lần 2 Thịt, xương,… bỗng chốc rã tan mau, Thân người chẳng biết theo về đâu? Nào chỉ dung nhan, hình thể mất, Cho đến tuổi tên cũng còn đâu! Mấy khóm cỏ thu, đời dài vắn, Thịnh suy xin hỏi gió qua cầu. Người ơi! Xin hãy xem xét kỹ! Ngọn nguồn sanh tử khởi từ đâu? QUÁN XƯƠNG TRẮNG – lần 2 Da, thịt,… giờ đây rã tan rồi, Chỉ còn xương trắng nằm trơ thôi. Gió mưa thêm đổi màu rêu mốc, Nước tràn in dấu đất tinh khôi. Trùng kiến không mời thường kéo đến, Cháu con mong ngóng vắng xa rồi. Phong lưu một thuở giờ đâu nữa? Một khối sầu ôm, hồn chơi vơi! QUÁN XÁC CHẾT HỎA THIÊU – lần 2 Xương khô, lửa dữ quyện vào ngay, Phút giây cuồn cuộn ngút trời bay. Hừng hực lửa hồng, thiêu trời đỏ, Ngùn ngụt khói đen, phủ ngọn cây. Vọng niệm theo tro tàn tiêu tán, Chân Tâm như mặt nhật hiển bày. Muốn thoát luân hồi vượt sanh tử, Phải tinh cần tu phép quán này! *** mục lục *** BẤT TỊNH QUÁN TỤNG Pháp sư Tỉnh Am Người dịch: Giới Nghiêm Phật vì những chúng sanh tham dục mà nói “bất tịnh quán”, quán một thời gian lâu, tham dục liền trừ, có thể vượt ái hà và siêu khổ hải. Tôi rảnh rỗi đọc “Đại Trí Độ Luận”, rồi nhân đó lấy ý, diễn thành kệ, để tự nhắc mình, đồng thời nhắc nhở thế gian, kệ rằng: TỬ TƯỞNG Ân ái rồi cũng chết, Thân này có bền lâu? Thay ai khóc vô ích, Ai khéo hiểu tư lường? TRƯỚNG TƯỞNG Vừa đang độ thanh xuân, Bỗng thành thân sình trướng! Tuổi niên thiếu trước mắt, Dung mạo lại thế nào? THANH Ứ TƯỞNG Tướng trắng, đỏ,… rõ ràng, Thân xanh, vàng,… ứ nát. Xin anh mở mắt coi, Đó chẳng phải người khác! HOẠI TƯỞNG Da thịt đã rơi xuống, Ngũ tạng trong hiện ra. Nếu nhìn cho thấu đáo, Chỗ nào đáng luyến lưu? HUYẾT ĐỒ TƯỞNG Không còn mỹ miều nữa, Toàn máu mủ tanh hôi! Muốn tìm tướng xấu đẹp, Hình chất dần phôi phai. NÙNG LẠN TƯỞNG Thối rữa thật khó nhìn, Tanh hôi không thể ngửi! Đâu ngờ nơi mủ chảy, Là chỗ từng bôi son! ĐẠM TƯỞNG Dê, chó,… ăn thịt người, Người từng ăn dê, chó,… Không biết người và thú, Ai thối lại ai thơm? TÁN TƯỞNG Hình hài đã tan rã, Tay chân cái mỗi đường. Quán kỹ tướng xinh đẹp, Rốt cuộc đi về đâu? CỐT TƯỞNG Vốn bộ xương trắng xoá, Mà từng dối người ta! Ngày xưa xem là giả, Ngày nay thấy chân thường! THIÊU TƯỞNG Thế lửa nóng hừng hực, Xương tàn chốc hoá không. Nhìn xem trong khói lửa, Có khởi tham tâm không? Kệ trên hơi sơ lược, chưa quán kỹ, làm thêm luật ngũ ngôn, cho rộng hơn: TỬ TƯỞNG Ái luyến rồi cũng biệt, Thê lương không nỡ nhìn. Thức vừa ra khỏi thể, Thân đã mặc áo quan. Lửa đêm sưởi nhà trống, Gió thu lạnh màu tang. Khuyên ai gặp ngày ấy, Hãy quán tưởng thân tàn! TRƯỚNG TƯỞNG Phong đại thổi bên trong, Chốc lát đã sình trướng! Thân như bịch nước đầy, Bụng tợ dưa bứt dây. Nước bứa ra ghê tởm, Rồi ruồi nhặng bu đầy. Từng vì da mỏng dối, Hối hận sai năm xưa. THANH Ứ TƯỞNG Nắng, gió,… thổi, nướng,… lâu, Xanh, vàng,… rất đáng thương! Da khô đầu tiên háp, Xương mục nửa phần trên. Tai, mũi,… khuyết lỗ hổng, Gân cốt đứt liên hồi. Người đá tuy không nói, Nhìn đây cũng hỡi ôi! HOẠI TƯỞNG Da thịt vừa vữa ra, Hình chất liền lở loét. Nứt nẻ nhiều đường nứt, Giòi bọ rúc ngổn ngang. Dây khô quấn tóc rối, Rêu ẩm vụn áo quần. Gửi lời người xinh đẹp, Thôi bôi vẽ túi dơ! HUYẾT ĐỒ TƯỞNG Một mảng máu vô tình, Ngàn năm người không dậy. Đầm đìa bết tử thi, Bừa bộn dơ đất cát. Chớ hỏi tướng xấu đẹp, Ai hay thân gái trai? Thương thay đôi mắt thịt, Lầm nhận giả làm chân! NÙNG LẠN TƯỞNG Da mỏng dán giấy rách, Thịt thối bỏ canh thiu. Máu huyết từ trong chảy, Ruồi nhặng bên ngoài tranh. Ăn lòng heo dễ ói, Nước rửa chó khó trong. Nếu không cực ghê tởm, Làm sao đoạn vọng tình? ĐẠM TƯỞNG Thi hài bị thú ăn, Nham nhở xương trắng hếu! Không no bụng chim đói, Không hết chó thèm thuồng. Năm xưa yêu mình quá, Ngày nay chẳng ai thương. Không bằng thịt heo, chó,… Còn bán được nhiều tiền! TÁN TƯỞNG Tứ chi bỗng chia lìa, Đâu còn thân nguyên vẹn. Đâu chỉ vẻ đẹp mất, Mà tên tuổi cũng không! Thọ yểu nhìn cỏ thu, Mập ốm hỏi gió chiều. Xin ai mở to mắt, Suy ngẫm kỹ việc này! CỐT TƯỞNG Da thịt đã tiêu trừ, Chỉ còn xương trắng hếu. Mưa khiến cho ẩm mốc, Nước ngập đất in xương. Bao trùng kiến kéo đến, Thâu tàng vắng cháu con. Nét phong lưu đâu mất, Hồn vất vưởng lang thang. THIÊU TƯỞNG Lửa dữ táp hài cốt, Chốc đã bùng lên cao. Đỏ bay đầu ngọn lửa, Đen tới đỉnh tối cao. Vọng niệm đồng tro hết, Chân tâm tợ mặt trời. Muốn siêu đường sanh tử, Quán này phải tinh chuyên! ********** Lời phụ: Những hình ảnh dưới đây được tôi lấy từ tư liệu mổ khám nghiệm pháp y người mới chết trong thực tế. Những hình ảnh trong phần này và trong bài văn quán bất tịnh ở trên, nếu hình ảnh nào mà khuôn mặt người chết còn tương đối nguyên vẹn rõ ràng thì tôi đều dùng phần mềm xóa mờ để che mắt hoặc che mặt của họ lại, mục đích của tôi là chấp hành đúng quy định về y đức trong nghề y. Tôi chọn hai bài dịch tiếng Việt của hai đồng tu là cư sĩ Nguyễn Minh Tiến và Giới Nghiêm vì thấy có những ý nghĩa hay khác nhau, có thể giúp ích cho đồng tu tu học. *** mục lục *** QUÁN TƯỞNG BÊN DƯỚI LỚP DA NGƯỜI DƯỚI LỚP DA NGƯỜI NỮ: Chúng ta nhìn lớp da bên ngoài thì liền khởi vọng tưởng phân biệt chấp trước rằng người có xấu có đẹp, có sang có hèn, có phú có bần, có nam có nữ, có tôi có anh… Chúng ta lại xem dưới lớp da kia, cơ thể người và thú có gì khác nhau? Thịt người với thịt chúng sanh đều là thịt! Quý vị có còn muốn ăn thịt chúng sanh nữa hay không? DƯỚI LỚP DA NGƯỜI NAM: DƯỚI LỚP DA TRẺ EM: ********** Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát
Bình luận QUÁN THÂN BẤT TỊNH
Ảnh đại diện
Anh   Chị
Video mới nhất
QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI

QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI

Xem video
ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

Xem video
Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Xem video
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 152
  • Tháng hiện tại: 1411
  • Tổng lượt truy cập: 172102
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com