Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

Phần 2

Phàm tu tịnh nghiệp, phải lấy quyết chí
cầu sanh Tây phương làm mục đích chính
(Từ lão hòa thượng Hải Hiền,
xét tín nguyện cầu vãng sanh của chúng ta)

Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú kỳ thứ 4 (tập 84 )
25-9-2014 Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 02-042-0084

Báo cáo tâm đắc của học sinh
lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú.
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định

Bích Ngọc chuyển ngữ. Như Hòa giảo duyệt

 

1. Chúng ta niệm Phật là vì mong muốn điều gì? Mục đích của sự niệm Phật là gì?

Có một vị đồng tu niệm Phật suốt bốn ngày bốn đêm chẳng ngủ, niệm suốt ngày lẫn đêm. Sau đó người ta hỏi vì sao có thể tinh tấn như vậy? Người đó nói vì muốn cho hộ khẩu của con gái được dời đến Quảng Châu. Những chuyện giống như vậy rất nhiều, niệm Phật cầu thân thể khỏe mạnh, cầu thăng quan phát tài, cầu phước báo thế gian, tốt hơn nữa là cầu khai ngộ, cầu công phu thành phiến, cầu nhất tâm bất loạn.

Chúng ta niệm Phật nhằm cầu việc gì? Ấn Quang đại sư luận định một cách thẳng thừng: “Phàm tu tịnh nghiệp, phải lấy quyết chí cầu sanh Tây phương làm mục đích chính”. “Đạo lý căn bản của sự niệm Phật là mong người niệm Phật khởi sanh lòng tin, phát nguyện cầu sanh Tây phương, liễu thoát sanh tử. Đừng chỉ cầu sự giàu sang vui sướng ở thế gian mà không cầu sanh Tây phương. Khi nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương cũng có thể tiêu diệt tai nạn thế gian. Chẳng phải là niệm Phật không thể tiêu diệt tai nạn đâu nhé”. Niệm Phật phải mong cầu vãng sanh làm mục đích chính. Nhiều người niệm Phật suốt cả đời nhưng vẫn u mê, mù mờ. Hôm nay chúng ta sẽ đọc lời dạy của Ấn Quang đại sư để giải quyết vấn đề này.

2. Trích pháp ngữ trong Ấn Quang Văn Sao:

“Đức Phật mở ra pháp môn Niệm Phật là chỉ mong hết thảy chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ ngay trong một đời này. Nếu Như Lai không mở ra pháp này thì chúng sanh đời Mạt pháp chẳng ai có thể liễu sanh tử.

Phải biết Phật pháp có vô lượng pháp môn, nếu nghiệp lực phàm phu muốn liễu sanh thoát tử ngay trong đời này, ngoài pháp môn ‘tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương’ đức Phật cũng không nói ra được pháp môn thứ hai nào cả.

Người ở ngoài cuộc phần đông là cầu khai ngộ, cầu được các thứ cảnh giới mà chẳng chú trọng quyết định cầu sanh [Tịnh độ], đó gọi là ‘bỏ gốc chạy theo ngọn’.

Nếu có ý niệm mong cầu sanh cõi trời, cõi người thì Tây phương sẽ chẳng có phần của mình. Vì tâm sanh tử quá quen thuộc, một sức lực bé tí có thể chống cự nổi sức mạnh ngàn cân của sanh tử sao?

Nếu không cầu sanh Tây phương, chỉ cầu tiêu tai và cầu chẳng mất thân người; làm vậy cũng giống như dùng một hạt châu Ma ni vô giá để đổi lấy cục kẹo. Người ấy là kẻ ngu si, đáng thương, hoàn toàn chẳng biết tốt xấu!

Pháp niệm Phật này là một đại pháp môn để đức Phật phổ độ hết thảy chúng sanh. Khi gặp nguy hiểm, niệm Phật gặp hung liền được hóa kiết. Niệm Phật lúc vô sự có thể tiêu tai, tăng phước. Nhưng nhất định phải cầu sanh Tây phương mới là lợi ích to lớn rốt ráo.

Niệm Phật nếu không cầu sanh Tây phương, dù sanh đến cõi trời Phi Phi Tưởng tôn quý nhất, đến khi phước trời hết vẫn phải luân hồi vào lục đạo trở lại. Nếu chí thành khẩn thiết niệm Phật, dù sắp đọa địa ngục A Tỳ cũng có thể nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây phương.

Ngày nay hạo kiếp[5] trước mắt, mọi người đều nên nỗ lực niệm Phật cầu sanh Tây phương, chứ đừng cầu phước báo nhân thiên đời sau. Dù được phước báo cũng chỉ là tạm thời. Phước lớn sẽ tạo nghiệp lớn, đã tạo nghiệp lớn ắt chịu khổ lớn. Nếu sanh tây phương, sẽ vĩnh viễn xa lìa các thứ khổ, chỉ thọ các niềm vui.

Nếu có một niệm cầu phước báo trời người trong đời sau, dù có tu trì tinh thuần cũng gọi là ‘trái nghịch lời Phật dạy’. Tuy có trồng thiện căn, nhưng liễu sanh thoát tử sẽ xảy ra vào năm con lừa, đáng thương biết mấy!

Phật dạy chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây phương là nhằm cho chúng ta liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Nếu mong cầu phước báo trời người đời sau chính là trái nghịch lời Phật dạy. Như đem một hạt châu báu vô giá để đổi lấy một viên kẹo, có đáng tiếc không? Người ngu niệm Phật chẳng cầu sanh Tây phương mà cầu phước báo trời người đời sau chẳng khác gì ví dụ hạt châu vô giá trên.

Pháp môn Tịnh Độ, dùng chân tín thiết nguyện niệm Phật, quyết định cầu sanh Tây phương làm tông chỉ. Nếu người niệm Phật chẳng nguyện cầu sanh Tây phương tức là trái nghịch lời Phật dạy. Ví như vương tử ở nhờ nước khác, chẳng tin chính mình là vương tử, chỉ nguyện cả đời khất thực, chẳng đến nổi chết đói bèn mãn nguyện. Tri kiến thấp hèn đó có thể làm cho người ta không thương xót hay sao?

Phải khởi lòng tin, phát nguyện, cầu sanh Tây phương, ngàn vạn lần chẳng thể cầu phước báo đời sau. Nếu cầu phước báo đời sau chính là phá giới, trái nghịch pháp! Vì pháp môn niệm Phật là pháp môn dạy người cầu sanh Tây phương. Quý vị đã niệm Phật mà chẳng cầu sanh Tây phương, lại cầu phước đời sau là đã chẳng tuân theo lời Phật dạy. Đó là pháp mà Phật dạy người ta phải tuân theo, quý vị chẳng chịu tuân theo, do đó [quý vị đã] ‘phá giới, trái nghịch pháp’.

Muốn sanh Tịnh độ trước tiên phải nhận thức rõ ràng tông chỉ. Sự tu trì phổ thông chẳng có ai chẳng muốn khai ngộ. Nhưng chuyện khai ngộ không phải là chuyện dễ. Nếu biết tông chỉ của Tịnh độ, tuyệt chẳng dự định kỳ hạn khai ngộ. Nếu không chú trọng tín nguyện, dù khai ngộ vẫn khó liễu thoát. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật, chẳng khai ngộ cũng có thể vãng sanh.

Thật sự có thể niệm Phật, chẳng cầu phước báo thế gian nhưng tự nhiên được phước báo thế gian (như trường thọ, chẳng bịnh, gia tộc thanh thái, con cháu phát đạt, các duyên như ý, vạn sự cát tường…) Nếu cầu phước báo thế gian, không chịu hồi hướng vãng sanh, phước báo thế gian có được sẽ lại thấp hèn. Còn tâm không chuyên nhất thì khó quyết định vãng sanh được!

Phải nên phát tâm quyết định, lâm chung nhất định cầu vãng sanh Tây phương. Đừng nói là chẳng mong cầu thân người hèn hạ tầm thường, dù cho thân vua cõi trời người, và thân người xuất gia cao tăng, nghe một hiểu ngàn, được đại tổng trì, đại hoằng pháp hóa, rộng độ chúng sanh, đều coi như sự độc hại, tội ác to lớn, tuyệt chẳng sanh một niệm muốn thọ thân ấy. Quyết tâm như vậy thì tín nguyện hạnh ấy của chính mình mới có thể cảm được Phật. Thệ nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ, cảm ứng đạo giao, mong Phật tiếp dẫn, thẳng lên chín phẩm, vĩnh viễn thoát lìa luân hồi.

Pháp môn Tịnh Độ chú trọng ở Tín và Nguyện. Người chẳng biết chỉ cầu phước báo nhân thiên, hoặc cầu đời sau làm Tăng, hoằng dương Phật pháp, độ thoát chúng sanh. Phải bỏ hết những tâm niệm như vậy, nếu còn mảy may nào bèn chẳng thể vãng sanh. Một khi vãng sanh bèn siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nếu không vãng sanh, dù cho một đời hoặc hai đời không mê, tuyệt đối khó được vĩnh viễn không mê. Khi mê thì do phước tu trì sẽ tạo nghiệp [to lớn], rất đáng sợ. Đã tạo ác nghiệp thì ác báo tự nhiên tới tấp, cầu mong thoát khỏi tam đồ sợ là chẳng bao giờ được.

Một pháp Niệm Phật quan trọng ở chỗ phải có chân tín, thiết nguyện. Có chân tín thiết nguyện, dù chưa được nhất tâm bất loạn, cũng có thể nương vào từ lực của Phật đới nghiệp vãng sanh. Nếu chẳng có tín nguyện dù cho tâm không vọng niệm thì cũng chỉ là phước báo nhân thiên. Vì chẳng tương ứng với Phật, cho nên phải chú trọng nơi tín nguyện cầu sanh Tây phương.

Chỉ biết niệm mà chẳng sanh khởi tín tâm, phát nguyện, dù được nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu có đủ chân tín thiết nguyện, tuy chưa tới nhất tâm bất loạn cũng có thể nương vào từ lực của Phật mà vãng sanh.

Dù có thể chấp trì danh hiệu, nhưng vì không cầu thoát ly, bèn thành nhân quả trời người, thọ hưởng si phước. Do phước tạo nghiệp nên sẽ chìm đắm trong ác đạo.”

Những đoạn pháp ngữ nêu trên được trích lục từ Ấn Quang pháp sư Văn Sao. Mỗi chữ trong lời khai thị của Ấn Tổ đều là bến bờ trong đời Mạt pháp. Lời nào cũng là tấm gương quý báu cho [người tu] Liên tông. Lão nhân gia tự khiêm tốn và nói:

“Văn sao của Ấn Quang, lời văn tuy chất phát, mộc mạc, những gì nói trong đó đều là lời của Phật, Tổ, chẳng qua là lấy những ý đó [của Phật, Tổ] rồi tùy cơ nghi mà nói, chứ đâu phải do Ấn Quang tự ý bịa chuyện? Ấn Quang chỉ chuyển đạt lời nói làm cho kẻ sơ cơ dễ hiểu. Tuy vì sơ cơ, nhưng nếu làm đến cùng cực thì cũng không thể bỏ những điều ấy mà tu cách khác. Vì một pháp Tịnh Độ là pháp triệt trên thấu dưới”. “Học thức của Ấn Quang nông cạn, chẳng phát huy gì to lớn, nhưng nếu có thể làm theo đó (chỉ lời dạy trong Văn Sao), quyết định có ích chứ không tổn hại. Chắc chắn có thể liễu sanh tử ngay trong đời này, sau khi vãng sanh được hầu một bên đức Phật Di Đà.”

Ấn Quang đại sư có một đoạn khai thị kinh điển như sau, chúng ta nên ghi nhớ:

“Đức Phật chỉ muốn chúng sanh siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nhưng căn cơ của chúng sanh chẳng đồng, tâm nguyện mỗi người khác nhau. Có chúng sanh cầu phước, cầu thọ, cầu tài, cầu con…, chỉ cần dùng tâm thành mà cầu, có cầu ắt ứng. Đó tuy là pháp thế gian, nhưng tiếp dẫn hạ căn, dần dần trồng thiện căn đều được mãn nguyện. Nếu luận theo bổn ý của Phật, đức Phật chỉ muốn chúng sanh nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, nương nhờ từ lực của Phật lâm chung tiếp dẫn vãng sanh Tây phương. Khi được vãng sanh bèn thoát nỗi khổ luân hồi trong tam giới. Dần dần tiến tới đến khi thành Phật. Đó mới là thật nghĩa rốt ráo của sự niệm Phật.”

3. Lần này Tịnh Tông Học Viện mở lớp Nghiên Cứu Giới Học. Lúc khởi đầu có một số người bị lay động, tín tâm đối với Tịnh Độ bị lay động. Đúng ra phải nói tín tâm nguyên thỉ của chúng ta đối với Tịnh Độ vốn chẳng kiên cố. Chẳng phải người khác muốn lay động chúng ta, mà là tín tâm của chúng ta đối với A Di Đà Phật quá mỏng manh, do vậy gió thổi nhẹ bèn lung lay, gió thổi mạnh bèn ngả rạp xuống. Chư vị có nhớ không, sư phụ thượng nhân trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú tập 103 có nói “Chúng ta ở đây học Giới Luật, Giới Luật ở trong phạm vi của câu Phật hiệu, chứ chẳng ở ngoài câu Phật hiệu”.

Vì muốn kiên định lòng tin của chúng ta đối với pháp môn Tịnh Độ, nên Thiện Đạo đại sư trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ có nói “Dù mười phương chư Phật, tận hư không trọn khắp pháp giới hiện thân phóng quang khuyên [chúng ta] bỏ Tịnh Độ, rồi sẽ dạy diệu pháp thù thắng cho chúng ta, chúng ta cũng chẳng chấp nhận”. Đây là lời thấu tận tim gan của tổ sư, đối với chúng ta thật đúng như câu nói “hận luyện sắt không thành gang”, bi tâm khẩn thiết.

Ấn Quang đại sư trong Văn Sao đã nhiều lần, nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh:

“Trong đời Mạt pháp muốn liễu sanh thoát tử ngay trong đời này chỉ có một pháp môn Tịnh Độ mà thôi. Đây là con đường sống sót duy nhất của chúng ta”,

Và Hành Sách đại sư có nói:

“Nếu không chuyên niệm đức Phật đó (chỉ A Di Đà Phật), cầu sanh nước ấy (chỉ Cực Lạc thế giới), ắt sẽ tùy theo nghiệp mà lưu chuyển, chịu khổ vô lượng”.

Ngẫu Ích đại sư cũng đã nói hai câu mà chưa từng có ai nói qua:

“Tùy thuận lời dạy dỗ chân thật của chư Phật, quyết chí cầu sanh, càng không có nghi hoặc”.

Năm Ngẫu Ích đại sư năm mươi tuổi, Ngài nói với đệ tử của Ngài là pháp sư Thành Thời: “Đến lúc về già tôi niệm niệm đều muốn khôi phục tỳ kheo giới pháp, gần đây niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ”. Pháp sư Thành Thời lúc đó không hiểu, sau này mới biết ý của đại sư Ngẫu Ích là: “Chỉ có sau khi tôi vãng sanh về Cực Lạc thế giới, nhờ bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật gia trì, tôi mới có khả năng trở về đây khôi phục giới pháp. Ở thế giới Sa Bà này nhìn thấy người xuất gia không giữ giới luật, thật sự là tâm có thừa mà sức không đủ, do vậy một lòng hướng về Tây!”. Tổ sư một lòng hướng về Tây đáng làm cho chúng ta suy nghĩ. Đoạn này trích trong sách Ngẫu Ích Đại Sư Niên Phổ, do Hoằng Nhất đại sư soạn.

Hoằng Nhất đại sư là đại đức trong Luật tông, lão pháp sư Đàm Hư đã từng mời Ngài đến chùa Trạm Sơn ở Thanh Đảo dạy giới luật. Hoằng Nhất đại sư trụ ở đó khoảng nửa năm, lúc gần ra đi nói với đại chúng lời khai thị cuối cùng cứ nhắc đi nhắc lại để khuyên người niệm Phật. Tứ chúng đệ tử tiễn đưa đại sư đến chân núi, Ngài nói có hai câu tặng đại chúng, Ngài lấy ra một miếng giấy nhỏ trên đó viết tám chữ “Thừa thử thời cơ tối hảo niệm Phật” (Nhân thời cơ này, tốt nhất là niệm Phật). Chuyện này được ghi trong cuốn Ảnh Trần Hồi Ức Lục, rất cảm động.

Lão hòa thượng Hải Hiền thường nói: “Lão Phật Gia (A Di Đà Phật) là gốc rễ (căn) của vị hòa thượng già như tôi!” Câu này có ý nghĩa gì? Căn là mạng căn, chúng ta dùng một câu của Ấn Quang đại sư để giải thích cho dễ hiểu “Dùng một câu Phật hiệu này làm bổn mạng nguyên thần, phát lời thề cầu vãng sanh. Dù lấy cái chết bức bách làm cho mình thay đổi cũng không được”. Đó là ý nghĩa của chữ ‘căn’, A Di Đà Phật là mạng căn của chúng ta.

Chúng ta hãy xem Liên Trì đại sư nói như thế nào:

“Người đời nay không chịu niệm Phật, khinh thường Tây phương. Không biết sanh về Tây phương là chuyện làm của những người có phước lớn, đức dầy, đại trí đại huệ, đại thánh đại hiền. Chuyển Sa Bà thành Tịnh Độ, là nhân duyên rất đặc biệt. Quý vị hãy xem người trong kinh thành một ngày một đêm chết đi biết bao nhiều người? Đừng nói sanh về Tây phương, chỉ đếm người sanh lên trời, trong trăm ngàn người chưa được một ai. Những kẻ tự phụ là người tu hành chỉ là chẳng mất thân người mà thôi”.

“Những kẻ tự phụ là người tu hành chỉ là chẳng mất thân người mà thôi”, đáng sợ hay không? “chỉ là chẳng mất thân người mà thôi”, đây là tình trạng thật sự, điều này là một tiếng chuông gõ nhằm cảnh giác cho chúng ta. Chúng ta tự phụ là người niệm Phật, cuối cùng có thể vãng sanh hay không?

Ấn Quang đại sư tự xưng “là vị Tăng tự liễu chỉ biết cơm cháo, chẳng mộng làm việc hoằng pháp lợi sanh”. Ngẫu Ích đại sư cũng có hai câu khác điệu mà đồng âm:

“Đợi đến Tây Phương quay trở lại,
Trống pháp rền vang khắp đại thiên.”

Thật ra tự liễu thật sự có phải là tự liễu hay chăng? Các vị tổ sư chẳng phải là kẻ tự liễu (chỉ lo cho mình thoát ly sanh tử), cử chỉ hành động của các Ngài đáng để cho chúng ta suy nghĩ sâu xa! Nhiều người chúng ta, tự mình còn chưa liễu sanh tử, mà cứ bận bịu đi độ chúng sanh. Một câu trong Di Đà Yếu Giải đã nói toạc ra “Năng tự độ tức phổ lợi nhất thiết” (Có thể tự độ tức là mang lại lợi ích rộng khắp cho hết thảy). Lão hòa thượng Hải Hiền chính là thí dụ điển hình, sự vãng sanh của Ngài độ được vô số chúng sanh.

4. Đệ tử chẳng tu chẳng hành làm sao có tâm đắc? Chỉ là mang những lời khai thị của tổ sư chép ra, hy vọng dùng cái giảng đài trong lớp học này, giúp cho các đồng tu dựa vào lời khai thị của tổ sư mà củng cố tín nguyện niệm Phật cầu vãng sanh của mình. “Phàm những kẻ tu tịnh nghiệp phải dùng quyết chí cầu sanh Tây phương làm mục đích chính”. Niệm Phật duy chỉ cầu vãng sanh! Con đường này đi đúng rồi, các thứ khác đều không mong cầu. Không phải lão hòa thượng Hải Hiền đã nói rồi sao? “Những thứ cảm ứng, lạ kỳ đều chẳng mong cầu, những gì tự nhiên mới tốt”. Công phu thành phiến cũng chẳng mong cầu, công phu thành phiến là tự nhiên thành tựu, chẳng phải do cầu mà được. Lão nhân gia nói “Niệm Phật niệm đến một lúc nhất định nào đó, bất kỳ lúc nào cũng đang niệm Phật”, đó không phải là công phu thành phiến hay sao? Công phu thành phiến là tự nhiên thành tựu, chẳng do tạo tác làm ra.

Chư vị Tổ sư đều là những người tu hành từng trải, lời khai thị của các Ngài thấu tận tim gan, thổ lộ tâm huyết của mình, câu nào cũng xuyên giấy[6], chẳng có nửa chữ nào dư thừa. Ngàn lời vạn ngữ chẳng gì không củng cố tín nguyện cầu vãng sanh của chúng ta, Cực Lạc thế giới không đi không được! Tín nguyện của chúng ta phải vững chắc “đến mức gió thổi không lọt, mưa rơi không ướt, như tường đồng vách sắt” thì vãng sanh mới có hy vọng.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói “Muốn được tám gió thổi không lay động, cần phải khẳng định một câu cương tông”. Một câu tức là một câu A Di Đà Phật, “Dùng một câu A Di Đà Phật, giống như dựa một tòa núi Tu Di, bất luận gặp phải cảnh giới thuận nghịch, khổ vui cũng vậy, tuyệt chẳng bao giờ đánh mất câu Phật hiệu này, đó mới là kiên trì chánh niệm”.

Lão hòa thượng Hải Hiền đã làm được rồi, tuy Ngài không biết chữ, chẳng có [trình độ] văn hóa, nhưng những lời khai thị của Tổ sư đại đức nói trên Ngài đã thực hiện được hết, tín nguyện cầu vãng sanh của Ngài vô cùng kiên cố, trời có sập cũng chẳng lay động được. Nếu quý vị hỏi Ngài khai thị về niệm Phật, Ngài sẽ nói với quý vị chẳng có gì để khai thị hết! Ngài chẳng giống Ấn Quang đại sư nói một tràng đại đạo lý. Nhưng bản thân của Ngài chính là một bộ Ấn Quang đại sư Văn Sao sống động, những đạo lý mà Ấn Quang đại sư dạy, Ngài đều thực hiện được viên mãn, cho nên một câu Phật hiệu này Ngài đã niệm thành công. Ấn Tổ khai thị chúng ta:

“Một câu A Di Đà Phật chỉ cần niệm được thuần thục, thành Phật còn có dư. Chẳng học các pháp khác có gì hối tiếc?”

Lão hòa thượng Hải Hiền dùng cả đời của Ngài biểu diễn câu này đến mức tột cùng.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư có làm một đôi liễn, kính điếu tổ thứ mười ba của Tịnh Độ Tông là Ấn Quang đại sư. Ngài hội tập kinh văn dịch đời Tần và đời Đường của kinh A Di Đà. Đệ tử nghĩ rằng đôi liễn này nếu dùng để kính viếng tổ thứ mười bốn của Tịnh Độ Tông là Hải Hiền đại sư cũng rất thích hợp. Hai câu liễn như sau:

Pháp âm tuyên lưu[7] linh đắc thù thắng lợi ích an lạc[8]

Từ bi gia hựu[9], thành tựu như thị công đức trang nghiêm[10]

Làm một vị xuất gia, tôi có nghĩa vụ và có trách nhiệm. Trước khi kết thúc, dùng nhiều phương thức lập lại nhiều lần một câu nói trong Ấn Quang Văn Sao rồi nhấn mạnh thêm, hòng nhắc nhở mọi người. Đương nhiên lời của Ấn Tổ là văn Văn Ngôn, đệ tử trực tiếp quy nạp, phiên dịch thành: “Thời kỳ Mạt pháp, muốn liễu sanh thoát tử ngay trong một đời này, duy nhất chỉ có một pháp môn đó là Tịnh Độ”. Nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay là niệm Phật cầu vãng sanh, hạ công phu trên câu Phật hiệu này.

Sau cùng cúng dường mọi người thêm hai câu thơ, hai câu thơ này của Tỉnh Am đại sư biểu đạt chính mình, mà cũng mô tả một cách chân thật lão hòa thượng Hải Hiền:

“Bình sanh chỉ hữu tây quy nguyện,
Khẳng vị tha duyên phụ thử tâm?”

(Bình sanh chỉ nguyện về Tây,
Chẳng vì duyên khác đổi thay tâm này)

Hôm nay báo cáo tới đây, nếu trong quá trình báo cáo có sai sót, kính xin sư phụ thượng nhân và các vị đồng tu phê bình, sửa đổi, chẳng tiếc ban cho lời dạy, mong đại chúng từ bi bố thí hoan hỷ.

A Di Đà Phật.
Bất tiếu[11] đệ tử Thích Tự Liễu khấu trình.

Lão hòa thượng giảng:

Chúng ta còn ba mươi lăm phút, còn mấy bài nữa? Còn hai bài. Tôi nghĩ chúng ta nghe xong [ai nấy] đều được lợi ích, thọ dụng. Pháp sư Tự Liễu chẳng phải tự liễu. Pháp sư giúp mỗi người, mỗi cá nhân chúng ta tự liễu. Hai chữ “Tự Liễu” này chẳng phải là của pháp sư chuyên dùng, mỗi người chúng ta ai cũng nên tự liễu. Những chuyện khác tôi sẽ không nói dài dòng nữa, hãy nghe tiếp bài kế. Báo cáo của mỗi người đều hay, đều làm cho tôi sanh tâm hoan hỷ.


 

1 Bình luậnSanh Tử Tâm Thiết Phần 2
Ảnh đại diện
Anh   Chị
- Bình luận ngày 30-07-2022
A di đà phật A di đà phật A di đà phật
Trả lời
Hình đại diện
Anh   Chị‹
Video mới nhất
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video
Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Xem video
KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 245
  • Hôm nay: 80
  • Tháng hiện tại: 3749
  • Tổng lượt truy cập: 125480
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com