Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

Phần 3

Vừa niệm Phật, vừa tăng trưởng ái căn sanh tử
(Từ lão hòa thượng Hải Hiền,
xét tín nguyện cầu vãng sanh của chúng ta)

Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú kỳ thứ 4 (tập 86 )
30-9-2014 Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 02-042-0086

Báo cáo tâm đắc của học sinh
lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú.
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định

Bích Ngọc chuyển ngữ. Như Hòa giảo duyệt

 

1. Mở bài.

Ấn Tổ khẳng định: “Phàm kẻ tu Tịnh nghiệp phải lấy quyết chí cầu sanh Tây phương làm mục đích chính”.

Xin hỏi, quý vị hạ quyết tâm cầu vãng sanh hay chưa?

Nếu bây giờ xin hỏi đại chúng: “Quý vị muốn vãng sanh hay không?”

Mọi người sẽ đồng thanh trả lời “muốn vãng sanh”.

Nhưng quan sát cặn kẽ, phần đông chúng ta đều “Miệng niệm Di Đà, tâm luyến Sa Bà”. Một mặt thì muốn đến Cực Lạc thế giới, mặt khác chuyện này ở Sa Bà còn chưa buông bỏ được, chuyện kia cũng buông không nổi, vậy thì không thể nào vãng sanh được, đó chẳng phải là hạ quyết tâm cầu vãng sanh.

Thật sự hạ quyết tâm cầu vãng sanh là như thế nào?

Đối với Sa Bà thế giới hoàn toàn buông xuống, chẳng có tơ hào tham luyến, chẳng có việc gì buông không nổi, nhất định sẽ giống như lão hòa thượng Hải Hiền, một câu Phật hiệu từng giây từng phút đều tranh thủ mà niệm, chưa hề buông bỏ. Chúng ta mới biết khoảng cách [giữa chúng ta và lão hòa thượng Hải Hiền] là bao lớn! Nguyện vãng sanh chẳng phải là mỗi ngày đều đến trước bàn thờ Phật tụng câu ‘Nguyện sanh tây phương Tịnh độ trung’ mới gọi là nguyện vãng sanh. Đây là lời trên đầu môi, còn nội tâm thì sao? Trong tâm thì vẫn tham chấp những chuyện Người, Sự, Vật trong luân hồi một cách cứng chắc. Cam tâm tình nguyện chìm đắm trong biển ái dục, trên căn bản là chẳng muốn thoát lìa. Đây là căn bịnh chung của phần đông mọi người, Hám Sơn đại sư có một toa thuốc hay nhằm đối trị căn bịnh này, đó là bài “Khai thị niệm Phật thiết yếu”. Chúng ta hãy cùng nhau học tập.

2. Giới thiệu sơ lược về đại sư Hám Sơn.

Hám Sơn đại sư, Liên Trì đại sư, Ngẫu Ích đại sư, và Tử Bách đại sư được gọi là “Tứ đại cao tăng cuối đời Minh”; Hám Sơn đại sư lưu lại nhục thân bất hoại hiện được thờ phụng cùng với nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng tại chùa Nam Hoa ở Quảng Đông. Đối với Hám Sơn đại sư chúng ta còn xa lạ, nhưng Ngẫu Ích đại sư thì chúng ta rất quen thuộc. Năm Ngẫu Ích đại sư hai mươi bốn tuổi một lòng muốn lễ Hám Sơn đại sư làm thế độ ân sư, nhưng lúc đó Hám Sơn đại sư đang ở rất xa tại Tào Khê Quảng Châu, xa quá nên duyên chẳng chín muồi, Ngẫu Ích bèn xuất gia dưới tòa của thiền sư Tuyết Lãnh, tức là cao đồ của Hám Sơn đại sư. Ngẫu Ích đại sư là bậc như thế nào? Chúng ta có thể nghĩ mà biết Hám Sơn đại sư chẳng phải là người tầm thường. Hám Sơn đại sư tuy chẳng phải là tổ sư của Tịnh Tông, nhưng tổ thứ mười của Tịnh Tông là thân tái lai của Hám Sơn đại sư. Cha của Triệt Lưu[12] đại sư tên là Toàn Xương, ông là một nhà Nho ở Nghi Hưng và cũng là bạn của đại sư Hám Sơn. Ba năm sau khi Hám Sơn đại sư viên tịch, vào một đêm nọ, ông Toàn Xương nằm mơ thấy Hám Sơn đại sư bước vào phòng mình, sau đó Triệt Lưu đại sư được sanh ra đời, do vậy ông Toàn Xương mới đặt tên con là Mộng Hám.

Trong bài tán tụng chư tổ Tịnh Tông của Ấn Quang đại sư có câu:

“Hám Sơn túc nguyện thượng vị thù, cố phục thị sanh tác Triệt Lưu”

(Nguyện xưa của Hám Sơn chưa được tròn, nên đời này thác sanh thành Triệt Lưu).

Thường người ta xưng tổ thứ Mười của Tịnh Tông là Ngu Sơn Phổ Nhân Hành Sách đại sư, đó chính là Triệt Lưu đại sư.

3. Hám Sơn đại sư khai thị.

Hám Sơn đại sư “Thị niệm Phật thiết yếu”, chúng ta hãy đọc hết bài này qua một lượt, sau đó mới nói đến những chỗ trọng yếu:

“Môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ vốn là nhằm đoạn dứt đại sự sanh tử, do đó gọi là [pháp môn] Niệm Phật liễu sanh tử. Con người ngày nay phát tâm vì muốn liễu sanh tử nên mới chịu niệm Phật. Chỉ nói niệm Phật có thể liễu sanh tử, nếu không biết gốc rễ sanh tử là gì thì rốt ráo hướng đến đâu mà niệm. Nếu cái tâm niệm Phật đoạn chẳng nổi gốc rễ sanh tử, vậy thì làm sao liễu được sanh tử. Gốc rễ sanh tử là gì? Người xưa nói:

‘Nghiệp chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà;
Ái chẳng đoạn chẳng sanh Tịnh Ðộ.’

Do đó mới biết Ái căn chính là gốc rễ sanh tử. Vì hết thảy chúng sanh chịu cái khổ sanh tử, đều là lỗi lầm của ái dục vậy. Ái căn ấy chẳng phải đời này mới có, cũng chẳng phải là một, hai, ba, bốn đời trước đã có, mà là từ vô thỉ lúc mới có sanh tử tới nay, đời đời kiếp kiếp, xả thân thọ thân, đều do Ái dục lưu chuyển. Mãi cho đến ngày nay, quay lại suy nghĩ lúc trước có từng bao giờ khởi lên một niệm tạm lìa cái Ái căn đó không? Chủng tử ái căn đó tích lũy sâu dầy nhiều kiếp cho nên sanh tử chẳng cùng tận. Ngày nay mới phát tâm niệm Phật, chỉ vọng cầu sanh Tây phương, ngay cả cái danh tự Ái là gốc rễ sanh tử cũng chẳng biết thì làm sao có một niệm đoạn dứt nó. Vì chẳng biết gốc rễ sanh tử là gì cho nên khi niệm Phật, vừa niệm Phật cái gốc rễ sanh tử cũng cùng nhau tăng lớn thêm. Niệm Phật như vậy chẳng liên quan gì tới sanh tử. Những người như vậy dù cho quý vị niệm như thế nào đi nữa, niệm tới lúc lâm chung, chỉ thấy ái căn sanh tử hiện tiền, đến lúc đó mới biết [công phu niệm] Phật của mình hoàn toàn chẳng đắc lực, lại oán giận niệm Phật chẳng linh nghiệm, có hối hận cũng trễ rồi!

Cho nên nay tôi khuyên người niệm Phật trước hết phải biết Ái chính là gốc rễ của sanh tử. Nay niệm Phật, niệm niệm đều phải đoạn dứt Ái căn ấy. Ứng dụng vào đời sống hằng ngày, lúc ở nhà niệm Phật, khi mắt mình nhìn thấy con cái, cháu chắt, tài sản, gia duyên chẳng có một thứ nào chẳng là Ái, chẳng có một việc nào, chẳng có một niệm nào chẳng dẫn đến sanh tử, cũng như toàn thân đang kẹt trong hầm lửa. Chẳng biết chính trong lúc niệm Phật, ái căn trong tâm chưa từng có một niệm có thể buông xuống. Chính trong lúc niệm Phật, chỉ nói niệm chẳng thiết tha, chẳng biết Ái đang chi phối, niệm Phật chỉ niệm ở ngoài da. Niệm Phật như vậy càng niệm Ái càng tăng trưởng. Lúc cảm tình con cái khởi lên, hãy quay lại coi một câu Phật hiệu này có thể chống chọi và đoạn được Ái hay chăng? Nếu đoạn chẳng nổi thì rốt cuộc làm sao vượt thoát sanh tử. Do ái duyên đã nhiều đời huân tập quen thuộc, còn niệm Phật chỉ mới phát tâm nên còn rất xa lạ, chẳng thiết thật, cho nên chẳng đắc lực. Nếu chẳng làm chủ được cảnh duyên Ái trước mắt thì lúc lâm chung sẽ chẳng làm chủ nổi. Do vậy xin khuyên người niệm Phật, điều thứ nhất cần biết là phải có tâm tha thiết đối với sanh tử, tâm mong muốn đoạn sanh tử khẩn thiết, trong mỗi niệm phải đoạn dứt cội rễ sanh tử thì mỗi niệm sẽ vượt thoát sanh tử. Cần gì phải đợi tới ngày Ba Mươi tháng Chạp mới vượt thoát, lúc đó đã quá trễ rồi! Đó là trước mắt đều là chuyện sanh tử, trước mắt đều thấu suốt sanh tử là không, như vậy mỗi niệm chân thật thiết tha, mỗi nhát đao đều thấy máu, dụng tâm như vậy nếu không vượt thoát sanh tử thì chư Phật đều mắc tội vọng ngữ. Do vậy hàng tại gia và xuất gia, chỉ cần biết tâm sanh tử thiết tha bèn là lúc vượt thoát sanh tử, đâu còn diệu pháp nào khác nữa”.

Lời trung chánh khó nghe, thuốc hay đắng miệng; tổ sư từ bi vô hạn, đọc đến lời khai thị trên chúng ta cũng như có được của báu tột cùng. Bài khai thị này có tên là Niệm Phật thiết yếu, danh phù hợp thật, nói đúng tới chỗ lợi hại! Đại sư đích thật là người tu hành tái lai, chỉ đúng ngay nguyên nhân cơn bịnh, lời nào cũng thẳng thắn. Bài khai thị này tuy không dài, chỉ có hơn bảy trăm chữ, nhưng vị trí và tầm quan trọng của nó trong Tịnh Tông chẳng nhỏ! Đối với sự chỉ dẫn chúng ta niệm Phật có nhiều chỗ rất thiết thực.

Xin mời đại chúng đặc biệt lưu ý tới hai điểm trong bài văn này.

Thứ nhất ‘cầu sanh Tây phương trống rỗng’ (cầu suông). Chúng ta cầu vãng sanh chỉ là nói khơi khơi trên miệng, giống như hô khẩu hiệu vậy, người ta hô hào thì mình cũng hô hào theo, sự mong cầu của chúng ta chẳng có thấm nhuần, chẳng có thật chất, cho nên đại sư chẳng nể nang gì hết và nói đó là ‘cầu suông’, hét bể cổ họng cũng uổng công!

Quay lại coi lão hòa thượng Hải Hiền, sự cầu sanh Tây phương của Ngài vô cùng chân thật! Ngài thật sự thiết tha phát từ nội tâm mong cầu A Di Đà Phật tiếp dẫn, cho nên Phật hiệu của Ngài liên tục ngày đêm chẳng ngừng. Nếu ngay bây giờ đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn chúng ta về Cực Lạc thế giới, đi liền ngay bây giờ, phần đông chúng ta đều sợ quá và chạy mất. Tôi muốn vãng sanh, nhưng không phải ngay bây giờ. Tôi còn chuyện này chưa làm xong, còn chuyện kia phải làm… Tâm tham luyến thế gian này chính là chướng ngại vãng sanh lớn nhất của chúng ta. Cho nên chuyện cầu vãng sanh của chúng ta trống rỗng (có vỏ không có ruột), là gạt người, gạt người nói mình cầu vãng sanh, khi Phật thật sự đến đón, mình lại chẳng nỡ xa lìa cõi đời này mà ra đi.

Thứ hai ‘Ái là chủ tể, niệm Phật chỉ niệm ngoài da’. Hám Sơn đại sư chẳng nể tình gì mà nói toạc căn bịnh của chúng ta, người niệm Phật giả dối! Niệm Phật chỉ là công phu ngoài mặt, do vậy Phật hiệu vừa niệm, cội rễ sanh tử vừa tăng theo, giống như hai con đường song song, vĩnh viễn chẳng bao giờ cắt ngang nhau. Hiện nay bị phơi bày còn tốt hơn là lúc lâm chung tay chân cuống quýt mới bị phơi bày. Hiện nay bị phơi bày còn kịp. Chính mình vốn chẳng có tâm muốn thoát ly, chẳng có chân tín thiết nguyện, mỗi ngày đều làm việc biểu hiện ra ngoài mặt, làm sao có thể vãng sanh được? Chư vị Tổ sư đều nói với chúng ta pháp môn Niệm Phật là ‘vạn người tu vạn người vãng sanh’, nhưng hiện nay vạn người tu chỉ có hai, ba người vãng sanh. Vấn đề ở đâu? Một lời của Ấn Tổ đã chỉ thẳng ra: “Lời của ngài Vĩnh Minh nói vạn tu vạn người vãng sanh là chỉ những kẻ có đầy đủ tín nguyện. Có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha thì vạn người tu vạn người vãng sanh; lòng tin chẳng chân thật, nguyện chẳng thiết tha thì vạn tu chỉ có hai, ba người vãng sanh mà thôi.”

Vấn đề chung của chúng ta là Tín, Nguyện, Hạnh chẳng đủ. Không thể nói là không tin, nhưng nửa tin nửa ngờ. Không phải là không có Nguyện, có nguyện nhưng còn do dự. Chẳng phải là không có Hạnh, nhưng ‘ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới’. Thí dụ nói vãng sanh cần có trăm phần trăm Tín Nguyện; còn chúng ta chỉ có mười phần trăm Tín và mười phần trăm Nguyện nên chẳng đủ để vãng sanh. Vì sao Tín, Nguyện, Hạnh chẳng đủ? Nguyên nhân căn bản là chẳng có tâm muốn thoát ly. Tâm muốn thoát ly là tâm ‘chán ghét Sa Bà, vui cầu Cực Lạc’. Người xưa nói:

“Nguyện thoát ly Sa Bà như tù nhân trông mong có ngày thoát ngục,
Nguyện sanh Cực Lạc như kẻ nghèo hèn mong về cố hương.”

Chúng ta dù chỉ một tí ti nào cũng chẳng giống! Tâm muốn thoát ly là nội hàm của Tín Nguyện.

Hám Sơn đại sư khuyên chúng ta buông xuống, ngôn từ lời nói thống thiết, chẳng gì không mong khích động chúng ta. Vì chúng ta bị chai đá đã lâu, nên chẳng thiết tha gì tới chuyện thoát ly sanh tử. Mọi người ai cũng nói “Ôi chao, buông xuống sao mà khó quá, buông không nổi, buông không nổi!”

Thật ra đâu phải là buông không nổi! Mà là chúng ta chẳng nỡ buông, chẳng cam lòng buông xuống! Hãy nghĩ coi đúng không? Chẳng nỡ buông xuống con cái, vẫn chẳng nỡ buông xuống cháu chắt, chuyện gì cũng muốn bận tâm; Chẳng nỡ xa lìa số tiền mình gởi trong ngân hàng; Chẳng nỡ xa lìa những căn nhà mang tên mình; Chẳng nỡ buông xuống những lời cung kính tán thán của người khác đối với mình… Những thứ này đều là các sợi dây xích, trói chặt chúng ta trong lục đạo luân hồi. Chẳng nỡ buông xuống cho nên cội rễ sanh tử sẽ tăng trưởng theo, vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp trải qua, chẳng biết tới lúc nào mới có thể thoát lìa. Đối với Ái chúng ta vướng mắc trong lòng; đối với Hận chúng ta cũng nắm chặt trong lòng, vậy thì làm sao vãng sanh cho được? Cho nên trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật cảm thán: “Người ta bị vợ con, nhà cửa trói buộc còn sâu chắc hơn là bị ở tù. Bị giam trong ngục tù còn có ngày thoát ra, còn vợ con chẳng có ý niệm nào xa lìa nổi”.

Mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta hãy quay lại hồi tưởng một lát, trong hai mươi bốn giờ ấy, thời gian tâm chúng ta nghĩ tới Cực Lạc có được bao lâu? Còn tâm nghĩ tới Sa Bà lại là bao lâu? Tâm nghĩ Sa Bà của chúng ta nhiều, tâm nghĩ Cực lạc quá ít ỏi! Ít tới mức đáng thương, thiệt là quá ít. Trong hai mươi bốn giờ đồng hồ có mười phút nghĩ tới chuyện vãng sanh hay không? Tỷ lệ này quá chênh lệch! Đó là nói trong một ngày, nếu ngày nào cũng vậy, cứ như vậy mỗi một năm trôi qua, chúng ta lấy gì để vãng sanh? [Nghĩ vậy] mới biết chúng ta nguy hiểm tới chừng nào! Lão hòa thượng Hải Hiền và sư phụ thượng nhân bất cứ lúc nào cũng mong vãng sanh, đó mới là chân tín thiết nguyện.

Lão hòa thượng Hải Hiền thường cảnh cáo những người xung quanh Ngài: “Hãy niệm Phật cho tốt, thành Phật là đại sự, ngoài ra những chuyện khác đều là giả hết”. Quý vị có thể dẫn khởi lời của hòa thượng mà sách tấn. Nghe lời ngài nói như vậy, trong tâm nghĩ: Đúng rồi, tôi có tâm trạng và thái độ này, hết thảy đều là giả hết. Chỉ có niệm Phật thành Phật mới là thiệt. Đó là thật sự nghĩ tới Cực Lạc thế giới, khẩn thiết không thể đợi được nữa, quý vị cầu như vậy mới chẳng là nguyện suông, sẽ chẳng rơi vào Không. Hãy mau mau gia công, dụng hạnh.

Phần sau là một đoạn khai thị của Tổ thứ mười, Triệt Lưu đại sư chẳng sắp sẵn mà hợp với lời khai thị của ngài Hám Sơn “Thị niệm Phật thiết yếu”, giống như ra từ một vết bánh xe. Phần trên Ấn Tổ đã nói rằng Hám Sơn thị hiện sanh làm Triệt Lưu, hai người này là một chứ chẳng hai.

Triệt Lưu đại sư khai thị cho cư sĩ Đinh Canh Dã:

“Ví như con thuyền chở được cả vạn hộc, muốn đi đến nơi nào đó, dẫu cho cột buồm chẳng phải là không cao, bánh lái chẳng phải là không ngay, lương thực, vật dụng chẳng phải là không hoàn bị, ý chí ra đi chẳng phải là không nhất quyết, có cái thế nương gió căng buồm chớp mắt đi được cả ngàn dặm, nhưng nếu chưa chịu nhổ cây sào cắm thuyền lên thì thuyền vẫn bị một sợi dây neo buộc chặt, dù đun đẩy đủ cách há thuyền có đi được chăng? Hiện tại, hành nhân Tịnh nghiệp suốt ngày niệm Phật, sám hối, phát nguyện, vẫn còn cách xa Tây Phương, khó chắc được vãng sanh thì không gì khác hơn là chưa nhổ được cọc Ái, chưa dứt được dây Tình.”

Tổ sư cử một thí dụ: Một chiếc thuyền đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, sắp sửa ra khơi, nhưng đầu thuyền bị một sợi dây neo buộc chặt [nên chẳng đi đâu được]. Đây là ví như người niệm Phật, suốt ngày niệm Phật nhưng Tây phương còn rất xa xôi, chẳng nắm chắc vãng sanh. Nguyên nhân là gì? Vì chưa nhổ được cọc Ái, chưa dứt được dây Tình. Đó tức là “chưa đoạn ái căn sanh tử”, là chướng ngại trí mạng như Hám Sơn đại sư đã nói trong phần trên. Tiếp theo đây, Triệt Lưu đại sư dạy chúng ta phương pháp đối trị:

“Nếu có thể xem chuyện ân ái cõi Sa Bà giống như nhai sáp, chẳng quản rảnh – bận, động – tịnh, khổ – sướng, buồn – vui, hãy dựa vào một câu Phật hiệu hệt như ngọn núi Tu Di, hết thảy cảnh duyên chẳng thể dao động; mỗi khi biết mình mệt mỏi, biếng nhác, hoặc khi tập khí hiện tiền liền dũng mãnh đề khởi nhất niệm như vung thanh trường kiếm Ỷ Thiên khiến cho phiền não ma quân không nơi trốn núp, lại cũng giống như lò to lửa hừng, khiến cho vô thỉ tình thức cháy sạch chẳng sót thì người ấy tuy đang sống trong cõi ngũ trược, nhưng toàn thân đã ngự trong cõi nước liên hoa, nào còn phải chờ Di Đà đưa tay, Quán Âm khuyên lơn, khen tặng, mới tin mình sẽ được vãng sanh nữa ư?”

Chúng ta niệm Phật đã bao nhiêu năm rồi, có nắm chắc vãng sanh hay không? Chuyện này chẳng cần phải hỏi người khác, hãy hỏi chính mình!

Ngẫu Ích đại sư có một tiêu chuẩn để đo lường: “Tình đời lạt bớt một phần thì Phật pháp sẽ có thêm một phần đắc lực. Sanh kế Sa Bà nhẹ bớt một phần, chuyện sanh Tây phương sẽ vững chắc thêm một phần. Chuyện này chỉ có thể tự hỏi tâm mình, chẳng cần phải hỏi thiện tri thức nào khác. Thiện tri thức cũng chỉ khuyên coi nhạt tình đời, nhẹ bớt bôn ba sanh kế, chuyên tu tìm lối thoát mới là quan trọng”.

Trong tâm chính mình phải rõ ràng, tiêu cực đối với thế giới này thì mới tích cực đối với Tây phương Tịnh độ. Đối với Sa Bà càng có thể buông xuống được thì đối với Cực Lạc mới có thể nhấc lên được. Đối với thế giới này cảm tình càng lợt lạt thì đối với Cực Lạc thế giới cảm tình càng ngày sẽ càng thêm sâu đậm. Sanh kế Sa Bà nhẹ một phần, vãng sanh Tây phương sẽ nắm chắc thêm một phần; Sanh kế Sa Bà nhẹ mười phần, vãng sanh Tây phương sẽ nắm chắc mười phần. Từ nội tâm, quý vị sẽ đồng ý với lời nói của lão hòa thượng Hải Hiền: “A Di Đà Phật chính là cội rễ của tôi”.

Tuy Hám Sơn đại sư chẳng phải là tổ sư của Tịnh Tông, sự cống hiến của Ngài đối với Tịnh Tông chẳng nhỏ. Ngài tham thiền đại triệt đại ngộ, thông Tông thông Giáo, khuyên người niệm Phật cầu vãng sanh. Đại sư trước tác rất nhiều, cư sĩ Triệu Việt đời Thanh trích lục từ bộ Hám Sơn Đại Sư Toàn Tập ra hai mươi hai đoạn pháp ngữ khai thị cho người tập Thiền tu Tịnh, soạn thành sách với tựa đề là “Hám Sơn Đại Sư Tịnh Tông Pháp Yếu”. Năm 1950, cuốn sách này được người ta phát hiện trong đống sách cũ ở chùa Bảo Liên núi Đại Dự tại Hương Cảng nên đem in lại và lưu thông. Từ cuốn sách này chúng tôi xin trích ra ba đoạn cúng dường đại chúng tham khảo.

4. Hám Sơn đại sư khai thị cho cư sĩ Tịnh Tâm:

“Điều quan trọng nhất trong việc tu hành là tâm khẩn thiết vì sanh tử. Nếu tâm sanh tử không khẩn thiết, làm sao dám nói tới niệm Phật thành phiến? Vô lượng kiếp tới nay chúng sanh niệm niệm vọng tưởng, tình căn cứng chắc che lấp. Như hiện nay ra đời, đã từng có một niệm thống thiết vì sanh tử hay chăng? Cả ngày niệm niệm quay vòng quanh chữ Tình, chưa từng phản tỉnh. Muốn dùng tín tâm hời hợt để đoạn dứt sanh tử nhiều kiếp, giống như lấy giọt nước dập tắt đống củi lửa đang cháy, làm sao có lý được? Nếu tâm vì sanh tử khẩn thiết, niệm niệm giống như cứu đầu đang bị cháy, lo sợ một khi mất thân người, trăm kiếp khó có lại được. Phải cắn chặt câu Phật hiệu ấy nhất định chống chọi vọng tưởng, trong hết mọi chỗ mọi niệm [câu Phật hiệu lúc] nào cũng hiện tiền, chẳng bị vọng tưởng che lấp, chướng ngại. Hạ công phu khổ cực tha thiết như vậy, lâu ngày thuần thục, tự nhiên sẽ tương ứng, làm được vậy dù chẳng cầu thành phiến cũng tự thành phiến. Chuyện này giống như người uống nước nóng lạnh tự biết, chẳng thể nói cho người khác biết, hoàn toàn phải do chính mình nỗ lực. Nếu chỉ niệm Phật [hời hợt] ngoài da đến năm con lừa cũng chẳng thể nào thọ dụng được (trong mười hai con giáp chẳng có năm con lừa, tức là tận hết đời vị lai cũng không thể thọ dụng được). Phải dũng mãnh [tinh tấn] càng không nên trì trệ nghi ngờ”.

5. Hám Sơn đại sư khai thị Tu Pháp môn Tịnh Độ:

“Niệm Phật ắt phải có tâm tha thiết vì sanh tử, trước tiên nên đoạn dứt ngoại duyên, đơn độc đề khởi nhất niệm, dùng một câu A Di Đà Phật làm mạng căn của mình, niệm niệm đều không quên, tâm tâm chẳng dứt, ngày đêm sáu thời, trong lúc đi đứng nằm ngồi, nhắc cái muỗng, nắm đôi đũa, cúi ngửa, động tịnh, rảnh rang, bận rộn, trong hết thảy thời chẳng ngu chẳng muội, chẳng có duyên nào khác. Dụng tâm như vậy lâu ngày thuần thục, thậm chí trong lúc nằm mộng cũng chẳng quên mất. Ngủ thức giống nhau thì công phu miên mật trở thành một phiến, đó là lúc [công phu] đắc lực vậy”.

6. Hám Sơn đại sư khai thị Đại Phàm thiền nhân thính diễn Lăng Nghiêm Tông Chỉ:

“Hãy đem cái tâm vọng tưởng phan duyên rong ruổi từ xưa đến nay một lượt thâu nhiếp và buông xuống. Hướng về một câu A Di Đà Phật, tiêu quy bổn mạng nguyên thần của chính mình, niệm niệm chẳng rời, tâm tâm chẳng dứt. Vọng tưởng lúc trước là nhân ô nhiễm tạo sanh tử, nhất niệm niệm Phật là tịnh nhân thoát lìa sanh tử. Nếu có thể đem cái tịnh niệm ấy hun đúc cái nhân ô nhiễm tạo khổ sanh tử trở thành chánh nhân tịnh độ, sẽ nhanh chóng làm cho nhân khổ quả khổ của vô lượng kiếp sanh tử trở thành nhân vui quả vui tịnh độ vậy”.

Kết luận:

Niệm Phật chẳng có khô khan vô vị, Ấn Quang đại sư nói:

“Niềm vui niệm Phật chỉ có người thật sự niệm Phật mới tự biết”.

Chúng ta chẳng nhận biết được niềm lạc thú của sự niệm Phật. Lão hòa thượng Hải Hiền đã biết được, càng niệm càng hoan hỷ. Lão nhân gia đã niệm suốt chín mươi hai năm, nên Ngài tự tại vãng sanh. Mỗi người chúng ta tự khoe là người niệm Phật, đã đến lúc nên tự mình phản tỉnh triệt để, phản tỉnh tín nguyện của chúng ta, phản tỉnh công phu niệm Phật của chúng ta. Đừng tự gạt rồi gạt người, cũng đừng giả bộ làm dáng, đừng làm theo bề ngoài. Câu Phật hiệu A Di Đà Phật này, rốt cục tôi niệm được như thế nào? Đặc biệt là các đồng tu xuất gia, trong Mộng Du Tập, Hám Sơn đại sư đã nhiều lần nhắc nhở người xuất gia “Tam đồ địa ngục chưa phải là khổ, dưới chiếc ca sa mất đi thân người, đó mới là khổ”. Chúng ta phải biết nếu đời này không vãng sanh, hậu quả chẳng thể lường nổi! Đúng như lời lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã nói:

“Cước căn vô tuyến tự phiêu bồng,
tài xuất mê đồ hựu thất tông”

(Dấu chân vô vết tợ gió bay bồng bềnh,
vừa mới thoát mê lại quên mất lối về).

Người xưa xuất gia đều vì đại sự sanh tử, như câu “Đại sự chưa rõ như chôn cha mẹ”, như cứu đầu đang bị cháy. Còn chúng ta hiện nay thì sao? Đem đại sự sanh tử liệng tuốt lên chín tầng mây.

Lời phụ:

Thời gian trôi qua lẹ như thoi đưa. Lớp nghiên cứu Giới Học gần kết thúc. Lần này chúng ta tụ hội ở tại Úc Châu Tịnh Tông Học Viện; tương lai chúng ta sẽ tụ hội nơi Tây phương Cực Lạc thế giới, nơi đó là Liên Trì Hải Hội. Năm mươi năm sau, một trăm năm sau người ta hồi tưởng lại mùa thu năm 2014, lão pháp sư Tịnh Không tại thắng hội Toowoomba – Úc Châu này cũng giống như hiện nay chúng ta hồi tưởng pháp hội giảng kinh của Thế Tôn ba ngàn năm trước vậy.

Đệ tử ngu muội chẳng biết dùng ngôn từ gì để hình dung sư phụ thượng nhân, sư phụ từ bi đến cùng tột, niệm niệm đều hy vọng chúng sanh sớm ngày thành Phật, chẳng bị kẹt ở lại trong lục đạo. Chỉ sợ chúng ta chẳng thể vãng sanh, còn phải trở lại chịu khổ. Các bậc thượng căn, giống như căn tánh của lão hòa thượng Hải Hiền, bèn làm cho họ có thể một câu Phật hiệu niệm đến cùng, chẳng cong chẳng quẹo. Các bậc trung căn, bèn đau miệng rát lòng giảng đạo lý cho họ, làm cho họ sanh tín, phát nguyện, niệm Phật, tranh thủ để đời này có thể vãng sanh. Còn bậc hạ căn, nghiệp chướng quá nặng, chẳng chịu niệm Phật, bèn tìm đủ mọi cách, đủ mọi thứ phương tiện thiện xảo dẫn dụ họ, hy vọng họ giữ ngũ giới thập thiện đời này có thể giữ được thân người, đời sau, đời sau nữa tiếp tục tu học, gặp duyên niệm Phật. Rốt cục đều mong chúng ta được về thế giới Cực Lạc, chẳng nỡ để chúng ta bị kẹt lại [và tiếp tục] ngoi ngóp trong lục đạo.

Đức Phật Thích Ca biểu diễn suốt đời dạy học cho chúng ta thấy. Sư phụ thượng nhân cũng biểu diễn suốt đời dạy học. “Một đời dạy học mông mênh như biển cả, chỉ có pháp môn Tịnh độ là pháp môn rốt ráo thỏa thích bổn hoài phổ độ chúng sanh của chư Phật”. Các pháp môn khác “tâm phổ độ chúng sanh của Như Lai còn uất ức chứ chưa thỏa thích”, đây là lời của Ấn Quang đại sư. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biểu diễn pháp môn Tịnh Độ rốt ráo thỏa thích bổn hoài cho chúng ta, sư phụ thượng nhân cũng diễn lại cho chúng ta xem. Lúc đức Thế Tôn còn tại thế, trong thành Vương Xá có một phần ba người biết đến đức Phật Thích Ca, còn được trực tiếp nghe đức Phật thuyết pháp; lại có một phần ba người nghe nói có người tên là đức Phật Thích Ca, nhưng chưa bao giờ gặp Ngài, chẳng được nghe đức Phật thuyết pháp trực tiếp; lại có một phần ba người cả đời chưa từng nghe đến đức Phật Thích Ca, chẳng biết đến Phật pháp. [Do vậy] quý vị mới biết quý vị may mắn dường nào! Ngày nay Trung Quốc có dân số là mười bốn ức người, quý vị thuộc vào một phần ba nào? Phải là một phần ba mươi mới đúng! Sư phụ thượng nhân hiện nay còn tại thế, giống như ngày xưa lúc đức Thế Tôn còn tại thế vậy, quý vị còn có thể ở bên cạnh Ngài.

Trong Thích Ca Phổ hình như có một câu chuyện như vầy: Thích Đề Hoàn Nhân thỉnh đức Phật đến Đao Lợi thiên cung thuyết pháp. Đức Thế Tôn đồng ý một cách sảng khoái, Ngài nói: “Đi đi đi, phần lớn bốn chúng đệ tử của tôi rất giải đãi, làm biếng, chẳng nghe tôi giảng pháp. Bây giờ tôi không nói với họ tôi sẽ đi đâu, cũng không dẫn thị giả theo (ngay cả tôn giả A Nan là vị theo sát đức Phật cũng không cho đi theo), để cho họ thưởng thức mùi vị ngưỡng khát Pháp” (ngưỡng khát Pháp nghĩa là lòng mong cầu khao khát đối với Pháp giống như đang khát nước mà mong có nước uống vậy). Lúc đó Thế Tôn trong khoảnh khắc nhanh như co cánh tay liền đến Đao Lợi thiên cung. Đức Phật đi mất tung tích trong ba tháng, sau khi thuyết pháp ở Đao Lợi thiên cung xong, khi trở về thế gian liền nói với đại chúng chẳng lâu sau đó Ngài sẽ nhập diệt. Do vậy các đệ tử rất hối hận và sợ hãi, vô cùng đau khổ. Từ câu chuyện nhỏ này, quay lại đối chiếu với chúng ta, chúng ta có giống như đệ tử của Thế Tôn năm xưa hay không? Sư phụ thượng nhân gần chín mươi tuổi rồi, vẫn mỗi ngày đau lòng rát miệng, chẳng hiềm phiền phức mỗi ngày giảng Tịnh Độ đại kinh cho chúng ta, nhưng chúng ta có trân quý hay không? Nếu vạn nhất có một ngày, sư phụ thượng nhân đột nhiên thị hiện vô thường, chúng ta sẽ làm sao? Có phải sẽ giống các vị đệ tử của Thế Tôn hay chăng, sẽ hối hận không kịp? Bi kịch sẽ không tái diễn hay sao. Chúng ta hy vọng sư phụ thượng nhân trụ thế lâu dài, không sai, nhưng chúng ta phải khởi lên hành động chứ. Mọi người có nhớ vì sao lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ra đi sớm hơn [dự định] không? Vì chẳng có người y giáo phụng hành! Cho nên muốn lưu giữ sư phụ thượng nhân, chúng ta phải y giáo phụng hành. Mọi người phải phát tâm, anh phát tâm, tôi cũng phát tâm, họ cũng phát tâm, người nghe, người thấy đều phát tâm, phát tâm làm gì?

Phát tâm làm người thật sự niệm Phật!
Phát tâm thật sự cầu vãng sanh!

Sư phụ thượng nhân đã giảng pháp suốt một đời, không gì ngoài việc hy vọng mọi người chúng ta đều có thể vãng sanh thành Phật hay sao? Đặc biệt là các vị xuất gia phải dẫn đầu! Dẫn đầu việc niệm Phật cầu vãng sanh. Đừng cho rằng quý vị còn trẻ tuổi, phải học đại kinh đại luận, phải xây chùa to, phải làm nên một sự nghiệp to lớn… Quý vị hãy tạm buông xuống những chuyện này, hãy nên làm và lo cho chuyện lớn sanh tử! Vì vô thường sẽ không đợi quý vị chuẩn bị đàng hoàng xong rồi mới từ từ đến. Ta có thể bảo đảm chúng ta sẽ sống đến già hay không? Vô thường sẽ xuất hiện mà không báo trước, khi tôi chết sẽ đi về đâu? Cũng đừng gấp gáp đi giảng kinh. Khi đạo nghiệp chưa thành mà đi giảng kinh, đó gọi là ‘tương tự lợi tha’, chẳng phải lợi tha thật sự. Đời này nhất định phải vãng sanh Cực Lạc thế giới mới không uổng một phen xuất gia.

Sau cùng xin dùng một bài kệ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư để kết thúc bài báo cáo hôm nay:

Nhược vấn như hà xuất Ái hà
Chỉ hữu Di Đà niệm đắc đa
Niệm thục phương năng đăng lạc độ,
Thượng sanh bất miễn đọa Sa Bà.

(Muốn biết làm sao vượt Ái hà
Hãy nên sốt sắng niệm Di Đà
Niệm nhuần, thẳng bước sanh An Dưỡng
Thân sau mới khỏi đọa Sa Bà.)

Trong quá trình báo cáo nếu có gì sai sót, xin sư phụ thượng nhân và các vị thiện tri thức phê bình, sửa đổi, mong đại chúng từ bi, bố thí hoan hỷ.

A Di Đà Phật.
Bất tiếu đệ tử Thích Tự Liễu khấu trình.

Lão hòa thượng giảng:

Chúng ta vừa nghe xong báo cáo của pháp sư Tự Liễu, cũng đã xem xong bài viết, đích thật cảnh tỉnh sâu xa đại chúng hiện diện. Pháp sư thay mặt Phật, thay mặt Tổ sư, đại đức giáng cho chúng ta một gậy lên đầu. Một gậy này có thể lay tỉnh chúng ta không? Hy vọng đã cảnh tỉnh được. Đương nhiên số người chưa tỉnh vẫn còn rất nhiều, từ đó mới biết nghiệp chướng của chúng sanh nặng đến cỡ nào. Quan trọng là phải quay lại nhìn chính mình thì mới được thọ dụng thực sự. Nếu không thể hồi quang phản chiếu, sự vãng sanh Tịnh độ ngay trong đời này của chúng ta đích thật sẽ có vấn đề.

Trong quá trình học tập chúng ta thường nhắc tới những thành tựu khoa học, vì sao? Nó có thể giúp chúng ta quán chiếu, giúp chúng ta nhìn thấu, giúp chúng ta buông xuống. Tiến sĩ Phổ Lang Khắc (Max Planck[13]) người Đức cho chúng ta biết, ông ta suốt đời chuyên nghiên cứu vật chất là gì, bí mật của vật chất đã được ông ta phơi bày. Ông ta phát hiện Vi Trung Tử[14], khi Vi Trung Tử bị bắn bể tan ra sẽ không còn [vật chất gì] tồn tại nữa. Nói cách khác Vi Trung Tử chính là Cực Vi Sắc, Cực Vi Chi Vi[15]được nói trong kinh Phật, [đây là vật chất] đã đến mức nhỏ nhất, nó không thể bị cắt nhỏ nữa. Nếu bị cắt nữa thì không còn gì hết. Ông đã tìm được ra rồi, vật chất bị cắt nhỏ đến mức không còn gì nữa, lúc đó sẽ thấy gì? Nhìn thấy hiện tượng ba động của ý niệm. Từ đó chúng ta sẽ hoảng nhiên đại ngộ (vỡ lẽ), vật chất có từ đâu ? Vật chất có từ ý niệm, vật chất chẳng phải thật sự tồn tại, đó là một huyễn tướng, giả tướng. Vật chất trên căn bản là không tồn tại, là thiệt như vậy.

Ngày nay chúng ta nhìn thấy hiện tượng vật chất chính là điều mà Di Lặc Bồ Tát và đức Phật đã từng nói qua. Đức Phật hỏi Di Lặc Bồ Tát, trong tâm phàm phu có ý niệm, ngày nay chúng ta khởi lên một niệm, một niệm ấy do bao nhiêu ý niệm vi tế tạo thành? Chúng ta mới phát hiện một niệm đầu (ý niệm), đơn độc một niệm ấy chắc chắn là không thể nào tưởng tượng nổi, quý vị chẳng có cảm giác gì hết. Bồ Tát Di Lặc trả lời (Di Lặc Bồ Tát là chuyên gia về Duy Thức, dùng cách nói hiện nay thì Ngài là một chuyên gia về Tâm Lý Học Phật Giáo). Bồ Tát trả lời cho chúng ta biết: “Một khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, đây là nói về niệm đầu (ý niệm). Khi chúng ta khởi tâm động niệm, một niệm đầu có bao nhiêu tế niệm? Ba mươi hai ức trăm ngàn tế niệm. Trong thời gian bao lâu? Một khảy ngón tay. “Niệm niệm thành hình”, “hình” tức là hiện tượng vật chất. “Hình đều có Thức”, mỗi hiện tượng vật chất nhỏ bé chính là cái mà khoa học gia gọi là Vi Trung Tử , Phật pháp gọi là Cực Vi Sắc, Cực Vi Chi Vi. Đó là Ngũ Uẩn được nói trong Tâm Kinh. Chúng ta niệm Tâm Kinh hết mấy mươi năm, căn bản là không hiểu Ngủ Uẩn là gì. “Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến ngũ uẩn đều là Không”. Ngũ Uẩn là Cực Vi Sắc, Cực Vi Sắc này do niệm đầu sanh ra, lại còn tồn tại. Ngày nay chúng ta dùng “giây [đồng hồ]” làm đơn vị đo lường thời gian. Mỗi giây có thể khảy ngón tay bao nhiêu lần? Có người nói, lúc trước tôi nghĩ đại khái chừng năm lần, tôi khảy trung bình là năm lần. Người trẻ tuổi hơn tôi, thể lực khoẻ hơn, sức mạnh mẽ hơn có thể khảy bảy lần. Một niệm đầu này, một khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Ba mươi hai ức nhân với trăm ngàn; trăm ngàn là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn tức là ba trăm hai mươi triệu. Một khảy ngón tay, ba trăm hai mươi triệu nhân với bảy là [số ý niệm trong] một giây đồng hồ, làm sao có vật gì tồn tại [trong thời gian ngắn như vậy].

Cho nên ông Planck kết luận: trong vũ trụ trên căn bản là không có vật chất tồn tại. Quý vị cho rằng có vật chất tồn tại, đó là hoàn toàn sai lầm. Lấy câu này đối chiếu với kinh Kim Cang, đức Phật nói “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, ông Planck đã chứng minh rồi đó. [Vật chất] là giả, chẳng thật. ‘Hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng’ giống như kinh Kim Cang đã nói. Nếu quý vị chấp trước nó thì sai rồi; quý vị phân biệt nó là sai rồi; quý vị khởi tâm động niệm cũng sai luôn. Thật sự hiểu rõ đạo lý này, [người] hiểu rõ chân tướng sự thật này sẽ không đặt điều này trong lòng, phá thân kiến sẽ không còn khó khăn nữa; thân kiến là cội gốc của hết thảy tội ác.

Bài báo cáo của pháp sư Tự Liễu nói cội gốc của phiền não là Ái, cội gốc của Ái là Ngã (Ta). Đó là gì? Trong Duy Thức gọi đó là Thức Thứ Bảy, thức thứ Bảy chính là Ngã Kiến. Căn bản là chẳng có Ngã, lại cứ chấp trước có một cái Ngã, sau đó Ngã Ái, Ngã Mạn, Ngã Si khởi lên theo Ngã. Đó là ba gốc rễ của Tham, Sân, Si, phiền não có sẵn từ đời trước. Từ một niệm bất giác, mê mất Tự Tánh biến thành A Lại Da, A Lại Da là do những thứ này tạo thành. Nghiệp Tướng của A Lại Da chứa đựng chủng tử, từ đó biến hiện thành Mạt Na, Mạt Na là thường tùy tướng của bốn phiền não lớn, Mạt Na chính là bốn thứ: Ngã Kiến, Ngã Ái, Ngã Mạn, Ngã Si. Do vậy chúng ta phải biết, chúng ta đối phó với Tham như thế nào, phải buông bỏ Tham. Cốt lõi của Tham là Ái. Khi quý vị nhìn thấu suốt điều này, biết nó đều là giả rồi quý vị mới có thể buông xuống. Ái là phiền não, chẳng phải là điều gì tốt đẹp, Ái là cội gốc của lục đạo luân hồi, nếu không trừ khử Ái sẽ không thể thoát luân hồi. Ngạo mạn là cội rễ của Sân giận. Hoài nghi là cội rễ của Ngu Si.

Chúng ta học tập lời dạy của thánh hiền, quan trọng nhất là không thể hoài nghi. Nhưng ngày nay chúng ta nuôi dưỡng hoài nghi thành thói quen. Khoa học đặt hoài nghi vào hàng đầu, điều đầu tiên khoa học dạy là hoài nghi, không hay không biết chúng ta đã nhiễm thói quen hoài nghi này. Cho nên vì sao chúng ta không vào Thánh giáo được? Vì chẳng đoạn sạch tâm nghi ngờ. Chúng ta tin, chỉ tin chín mươi chín phần trăm, còn một phần hoài nghi. Không thể coi thường một phần trăm này. Thầy Lý thường nói với chúng tôi khi một phần trăm ấy khởi tác dụng sẽ hủy diệt toàn bộ công phu của quý vị. Chúng ta không khởi lòng nghi đối với Thánh giáo là một việc quá khó. Người xưa thì dễ hơn. Do vậy ngày nay chúng ta vô cùng cảm thán, vì sao khó như vậy? Chẳng có giáo dục vun bồi cội rễ. Giáo dục vun bồi gốc rễ là sự truy cầu của người Trung Hoa đời xưa, bắt đầu từ thai giáo. Lúc người mẹ mang thai, mắt người mẹ không nhìn vật ác, tai không nghe lời dâm, miệng không nói lời ngạo mạn, người mẹ trì giới, vì sao? Nếu người mẹ có thể làm như vậy thì thai nhi sẽ bình thường[16]. Sau khi đứa bé sanh ra, mở mắt ra nó sẽ nhìn, tai nó lắng nghe, nó sẽ luôn học tập, tiếp thu. Cha mẹ phải chăm sóc nó cho đàng hoàng, những gì phụ diện (xấu ác) đừng để cho nó thấy nghe, đừng để cho nó tiếp xúc. Phải làm như vậy bao lâu? Phải chăm sóc như vậy đến lúc nó ba tuổi, tức là một ngàn ngày, đó gọi là giáo dục vun bồi gốc rễ. Cho nên trẻ con nhận được sự dạy dỗ như vậy, lúc nó lên ba bốn tuổi sẽ có thể phân biệt tà chánh, thị phi; những thứ bất chánh nó sẽ bài trừ, sẽ từ chối tiếp nhận. Người xưa có câu ngạn ngữ ‘Tam tuế khán bát thập’ (ba tuổi xem tám mươi)[17]. Cả đời sẽ chẳng thay đổi nhờ gốc rễ vun bồi được sâu dầy.

Ngày nay chúng ta chẳng có gốc rễ này. Một người học Phật, học Giới, đến cuối cùng không thể thọ trì, phá giới, phạm quy củ, chúng ta phải tha thứ người đó. Vì sao? Người đó không có gốc rễ. Giống như xây nhà lầu, khi xây xong nhưng nền tảng chẳng vững chắc. Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật từ bi đã nói: “Người đời trước chẳng thiện, chẳng biết đạo đức, chẳng được ai dạy, đâu có gì lạ”. Phải đại từ đại bi tha thứ cho những người này, phải khuyến khích họ; quan trọng nhất là tự mình phải làm gương tốt cho họ coi. Giống như lão hòa thượng Hải Hiền, cả đời làm gương cho người khác. Ngài cũng được đức Phật Di Đà dặn dò. Tôi tin thọ mạng của Ngài bất quá cũng chỉ là bảy, tám mươi tuổi mà thôi. Ngài sống tới một trăm mười hai tuổi. Đó là đức Phật A Di Đà gia trì, nhất định phải nhờ ngài tiêu biểu pháp. Sự tiêu biểu pháp cuối cùng là Ngài nhận được [cuốn sách có nội dung] ‘Tăng tán thán Tăng’, đó là gì? Đó là nhằm cứu vãn Tịnh Độ. Hiện nay trong thời đại này những người hủy báng Tịnh Độ rất nhiều, sức mạnh quá lớn, trước giờ chưa từng có. Có một pháp sư tặng cho tôi 4 chữ ‘Đại nạn đại nạn’ nói với tôi rằng đích thật tôi [gặp nạn] như vậy. Tôi đổi chữ nạn thứ tư và viết lại thành ‘Đại nạn đại nhẫn’, phải tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, tôi có thể nhẫn chịu. Hoặc đổi thành ‘đại nhẫn đại nạn’. Hai chữ ‘nạn’ này, một chữ là nạn trong danh từ khốn nạn, một chữ là nạn trong danh từ tai nạn, chúng ta mới có thể vượt qua, nếu chẳng có Nhẫn Nhục Ba La Mật thì sẽ thôi rồi. Không thể khởi tâm oán hận, phải khởi tâm thương xót, vì sao họ làm như vậy? Vì chúng ta đã đánh mất văn hóa truyền thống hết hai trăm năm. Trong một trăm năm đầu sơ sót nên vẫn còn một chút dáng vẻ trong đó, chẳng có người làm thật sự. Một trăm năm thứ nhì, dáng vẻ cũng mất hết, cho nên rất khó khăn. Do vậy tôi hy vọng các đồng tu học Phật phải làm gương tốt, đó là phải thật sự hộ trì Phật pháp, làm cho xã hội đại chúng nhìn thấy hình tượng Phật. [Hiện nay] Phật chẳng còn nữa, những gì chúng ta biểu diễn chính là đại diện cho hình tượng Phật. Có phải là hình tượng của đức Phật Thích Ca năm xưa hay không? Khi Phật pháp hưng vượng, chúng sanh có phước, khi Phật pháp suy thoái, chúng sanh rất đáng thương. Chúng ta sanh tới thế gian này, được thân người, nghe Phật pháp, được biết đến Tịnh Tông, lại gặp được thiện tri thức chân chánh, đó là điều vô cùng may mắn!

Trước tiên, tôi thường khuyến khích mọi người phải phá bỏ thân kiến, đừng chấp trước cái thân này, đừng nghĩ tới mình (Ngã). Tại sao? Khi thân kiến phá rồi, Biên kiến, Kiến Thủ kiến, Giới Thủ kiến, Tà kiến đều bị phá, lúc đó mới chứng Sơ Quả. Khi chưa chứng Sơ quả, trước khi chứng Sơ quả là chưa vào cửa Phật, chúng ta phải biết điều này. Chưa vào cửa Phật mà có thể có thành tựu [được không?] Được, đó là đức Phật A Di Đà từ bi vô tận đã mở ra pháp môn Niệm Phật này cho chúng ta, người chưa chứng Thánh quả cũng được vãng sanh. Nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, nếu nói quý vị chẳng đoạn phiền não mà chứng Bồ Đề, quý vị làm không nổi. Có pháp môn nào có chuyện đới nghiệp? Do vậy lúc tôi tám mươi lăm tuổi nhìn thấy việc này không được rồi, chẳng có kinh luận nào, chẳng có pháp môn nào có thể cứu tôi được, chẳng thể giúp tôi thoát ly luân hồi. Tôi quay đầu lại chuyên hoằng dương kinh Vô Lượng Thọ, chuyên niệm A Di Đà Phật, hoàn toàn buông xuống [các pháp môn và kinh luận khác].

Quý vị không làm, tôi làm, vì sao? Tôi muốn thoát ly lục đạo luân hồi, chuyện luân hồi này quá khổ rồi. Trải qua cuộc chiến của các quân phiệt tranh giành đất đai, cuộc chiến Trung Nhật, và đại chiến thế giới lần hai, tôi đã đích thân chứng kiến. Đức Phật nói Tám Khổ, Ba Khổ chẳng sai chút nào. Tâm muốn xuất ly của tôi mạnh mẽ hơn của quý vị, tôi chịu khổ quá nhiều rồi, xuất gia cũng chịu khổ. Chuyện an ủi duy nhất là đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm gương tốt cho chúng ta. Năm xưa khi đức Phật còn tại thế, Ngài chỉ có ba y và một bình bát, tối ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa. Ngày nay tôi còn sướng hơn Ngài một tí, điều này đáng được an ủi. Khi nghĩ tới Thế Tôn thì tâm tôi bình lặng xuống, Ngài đã làm một gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta phải học tập theo Ngài.

Đối với hết thảy thiện duyên xứng tâm vừa ý chúng ta không nên có tơ hào tham luyến, phải nên nhìn thấu. Hết thảy ác duyên, chúng ta không muốn gặp phải nhưng khi gặp phải cũng đừng khởi tâm sân giận. Xã hội hiện thực, từ sáng tới tối, lúc sáu căn chúng ta tiếp xúc tới người, sự, vật, chúng ta phải tu hành trong những lúc đó, hạ thủ công phu trên những thứ đó. Tu công phu gì? Trên căn bản những thứ đó đều là giả, vật chất là giả, ý niệm cũng là giả, chẳng có gì là thiệt. Khi quý vị nhìn thấu rồi, quý vị sẽ buông xuống được, quý vị sẽ không nắm chặt những thứ ấy nữa. Nắm chặt những thứ ấy làm gì? Nắm chặt những thứ ấy chính là lục đạo luân hồi. Nó tạo ra lục đạo luân hồi, tạo ra thập pháp giới. Chúng ta muốn thoát ra khỏi lục đạo, ra khỏi thập pháp giới, phải buông xuống những thứ đó. Làm sao buông xuống? [Phải biết] nó đều là giả, một khi hơi thở không hít vào được nữa, có vật gì là của quý vị không? Tôi thường khuyên người ta, quần áo chúng ta hiện đang mặc trên người là của chúng ta, khi không mặc trên người chẳng là của chúng ta nữa. Cái nhà mà tôi đang trú ngụ hiện nay, khi tôi ở đó thì căn nhà ấy là của tôi. Khi tôi rời khỏi căn nhà, căn nhà ấy chẳng còn là của tôi nữa. Tiền tôi mang trong mình là tiền của tôi. Còn tiền trong ngân hàng không phải của tôi. Tại sao vậy? [Nghĩ vậy thì] rất dễ buông bỏ, chẳng vướng bận. Khi Phật đến muốn cho tôi đi, tôi sẽ lập tức đi theo ngài, chẳng có chuyện gì [vương mắc] hết. Còn vướng bận chuyện gì nữa không? Không còn nữa, như vậy mới có thể ra đi một cách thư thái, an nhiên, tự tại. Cho nên không thể không biết, không thể không buông xuống. Tổ sư đại đức đau lòng rát miệng [khuyên bảo chúng ta], chúng ta phải cảm ơn. Những chuyện xảy ra trong xã hội biểu diễn cho chúng ta thấy, bất kể là chánh diện hay phản diện, chúng ta đều cảm ơn, chúng đều cảnh tỉnh chúng ta trong từng giây từng phút. Hễ có duyên bèn làm, duyên đó tuyệt đối là đem lại lợi ích [cho chúng sanh, làm] cho chánh pháp trường tồn. Chuyện lợi ích cho chúng sanh chúng ta phải làm. Khi chẳng có duyên, chúng ta không khởi tâm, tùy duyên chớ không phan duyên, được vậy chúng ta mới được tự tại. Đó gọi là tâm an lý đắc; khi đạo lý hiểu rõ ràng hiểu rành rẽ rồi tâm bèn an ổn, tâm an sẽ chẳng khởi ý niệm nữa. Tiếp theo còn một bài nữa phải không? Tốt lắm.


 

Bình luận Sanh Tử Tâm Thiết Phần 3
Ảnh đại diện
Anh   Chị
Video mới nhất
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video
Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Xem video
KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

KC121- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 1 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 22 || Thích Thiện Trang

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 122
  • Tháng hiện tại: 4530
  • Tổng lượt truy cập: 121226
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com