Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Giải (ân sư tịnh không)

TẬP 42/374

PHẨM THỨ HAI: ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN

[1]Kinh văn: “Đắc vô sanh vô diệt, chư tam ma địa, cập đắc nhất thiết, đà la ni môn, tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội, cụ túc tổng trì, bách thiên Tam Muội”.

Đoạn nhỏ này là nói “Định huệ đẳng trì”.

Kinh văn tuy không dài nhưng ý nghĩa rất sâu rất rộng, nói những Bồ Tát này vì tất cả chúng sanh thị hiện tám tướng thành đạo. Người có thể làm ra thị hiện này, trong Phật pháp Đại Thừa nói Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ đã có năng lực này. Vậy thì công phu của Bồ Tát Sơ Trụ đã đoạn được kiến tư phiền não, đoạn được trần sa phiền não, 41 phẩm vô minh họ phá được một phẩm. Phá một phẩm vô minh thì liền có được năng lực này. Đáng dùng thân gì để độ họ liền có thể thị hiện ra thân phận đó. Phá một phẩm vô minh thì liền có thể ứng hóa trăm ngàn ức thân. Nếu như chúng ta muốn thành tựu công đức lợi ích thù thắng như vậy thì không tu không được. Công đức lợi ích này quá thù thắng, thực tế mà nói, chúng ta rất là ngưỡng vọng. Chúng ta có thể nhanh chóng đạt được hay không? Có thể! Niệm Phật vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đạt được, hơn nữa đạt được còn thù thắng hơn nhiều so với Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ. Đó là chỗ không thể nghĩ bàn của pháp môn Tịnh Độ.

Bạn xem, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là hạ hạ phẩm vãng sanh, thực tế mà nói là kiến tư phiền não một phẩm chưa phá, nhưng bạn dựa vào cái gì để vãng sanh? Dựa vào công phu nhớ Phật niệm Phật, làm cho phiền não bị khống chế. Phục phiền não, không phải đoạn phiền não, vì đoạn phiền não rất khó, ngay trong một đời này của chúng ta không dễ gì làm được. Vô lượng pháp môn, tiêu chuẩn của họ đều là đoạn phiền não, chỉ có pháp môn niệm Phật này là không cần đoạn phiền não, chỉ yêu cầu bạn phục phiền não. Phục phiền não dễ hơn nhiều so với đoạn phiền não. Thành thật mà nói, phục phiền não thì mỗi một vị đồng tu đều có thể làm được, vấn đề là bạn không chịu làm thì không cách gì. Bạn phải chịu làm thì thảy đều làm đến được. Đoạn phiền não không phải là người thông thường dễ dàng làm được, phục phiền não thì được. Chỉ cần nhớ Phật niệm Phật công phu sâu thì liền có thể phục phiền não.

Vừa rồi tôi đã nói qua (tôi nói việc này cũng là có sự thật làm chứng cứ), từ xưa đến nay, người niệm Phật ở niệm Phật đường niệm ba năm, năm năm thì thành tựu, số người không biết là có đến bao nhiêu! Quá nhiều quá đông! Thế nhưng niệm Phật đường này nhất định là niệm Phật đường đúng pháp. Mọi người cùng ở với nhau đều là một phương hướng, một mục tiêu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, vậy mới đúng pháp. Y theo lý luận nguyên tắc trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A Di Đà” mà tu học, đó là niệm Phật đường chân thật. Niệm Phật đường đúng lý đúng pháp thì ba đến năm năm thì thành tựu, thành tựu vượt bậc, thế gian làm gì có thể so sánh? Không gì có thể so sánh, xuất thế gian Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều không thể so sánh.

Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc là như thế nào vậy? Trên Kinh giảng nói rất rõ ràng: “Đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát”. Câu nói này chúng ta xem thấy ở trong bốn mươi tám nguyện. Bốn mươi tám nguyện là A Di Đà Phật chính mình nói. Văn Kinh là Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta chuyển nói. Hai vị Phật đều có cách nói như vậy, chúng ta còn có thể không tin hay sao? A Duy Việt Trí là Bồ Tát Thất Địa trở trên, đó chính là nói rõ sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, hạ hạ phẩm vãng sanh còn được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì nên trí tuệ, thiền định, thần thông, đạo lực của chính mình gần giống như Bồ Tát Thất Bát Địa vậy. Đó không phải chính mình chân thật tu đến được, mà là oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Bạn nói xem, thù thắng dường nào! Rất khó được!

Chúng ta chỉ cần cắn chặt răng, dùng thời gian ba đến năm năm thì thành công. Người ta ba đến năm năm đi học Phật Học Viện, khi học ra vẫn là phàm phu sanh tử, còn trong niệm Phật đường ba đến năm năm thì làm Phật, làm sao có thể so sánh được? Không thể so sánh!

Cho nên lợi hại được mất ở trong đây chính mình phải đưa lên bàn tính mà tính cho kỹ lưỡng, sau đó mới có chọn lựa trí tuệ chân thật, không theo pháp thế gian. Ở niệm Phật đường ba đến năm năm thì bạn được niệm Phật Tam Muội rồi. Công phu thành khối là hạ phẩm trong Niệm Phật Tam Muội, sự nhất tâm bất loạn là trung phẩm Niệm Phật Tam Muội, lý nhất tâm bất loạn là thượng phẩm Niệm Phật Tam Muội. Bạn được niệm Phật Tam Muội chính là ở ngay chỗ này nói “đắc vô sanh vô diệt chư tam ma địa”, cũng chính là công phu thành khối, cho nên lợi ích chân thật là không thể nghĩ bàn!

Không sanh không diệt ở chỗ khác rất khó giảng, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc chân thật chính là không sanh không diệt. Người niệm Phật ở niệm Phật đường hạ quyết tâm, hiện tại đã không sanh không diệt, không phải nói ta sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không sanh không diệt, mà hiện tại đã không sanh không diệt. Bạn có tường tận hay không? Cho nên cảnh giới này là cảnh giới hiện chứng của chúng ta, liễu sanh tử ra ba cõi chính ngay hiện tiền, như Phật đã chứng, như Pháp Thân Đại Sĩ đã chứng.

Tam Ma Địa” là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung Quốc là chánh thọ, cũng dịch là chánh định. Thọ là hưởng thọ, vô số cảm thọ ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, cái thọ này là bình thường, giản biệt cái thọ của phàm phu sáu cõi không bình thường. Phật nói phàm phu sáu cõi có năm loại cảm thọ, đó là trên Phật Kinh thường nói. Chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày có vô số cảm thọ, vô lượng vô biên cảm thọ. Phật đem vô lượng vô biên cảm thọ quy nạp thành năm loại lớn, gọi là năm loại thọ. Năm loại lớn này phân thành hai bên thân và tâm để nói.

Thân có khổ thọ, có lạc thọ. Cảm thọ nhiều hơn cũng không ngoài hai loại lớn “khổ - vui” này. Trong tâm có cảm thọ, chúng ta nói đời sống tinh thần, Phật cũng đem nó quy nạp thành hai loại buồn-vui, trong tâm bạn có buồn lo, hoan hỉ. Tất cả cảm thọ cũng không ngoài hai loại lớn này.

Ngoài ra, có một loại gọi là “xả thọ”. Thân không có khổ vui, tâm cũng không có buồn lo, cái thọ lúc này không sai, khổ vui lo mừng tạm thời dừng lại, vào lúc này gọi là xả thọ. Thọ của tất cả chúng sanh trong sáu cõi luôn không ngoài năm loại lớn. Thực tế mà nói, xả thọ trong năm loại thọ chính là chánh thọ. Chánh thọ nhưng tại vì sao không gọi là chánh thọ mà phải gọi là xả thọ? Cái chánh thọ của họ thời gian rất ngắn, không thể giữ được dài lâu, cho nên là tạm thời xả khổ vui lo mừng, không phải là thiền định chân thật, không phải là chánh thọ chân thật.

Người Trời Sắc Giới, Trời Vô Sắc Giới đều là trụ ở xả thọ. Trời Vô Sắc Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là cao nhất, thọ mạng tám vạn đại kiếp. Thời gian đó quá dài, không cách gì tưởng tượng! Các vị phải nên biết, một đại kiếp là một lần thành trụ hoại không của thế giới. Thế giới này thành trụ hoại không bao nhiêu lần? Tám vạn lần, bạn biết được thời gian này dài bao nhiêu. Họ xả thọ có được thời gian dài đến như vậy. Sau tám vạn đại kiếp qua đi, họ lại khởi tâm động niệm, họ lại có lo mừng khổ vui, cho nên họ không phải vĩnh hằng. Do đó tứ thiền bát định, thế gian thiền định thảy đều thuộc về xả thọ. Đến lúc nào mới có thể trở thành chánh thọ? Siêu việt sáu cõi luân hồi. Trên hội Lăng Nghiêm, Thế Tôn đã nói: “A La Hán chứng được cửu thứ đệ định”. Bát định là Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Định thứ chín là siêu việt ba cõi sáu đường, vào lúc này gọi là chánh thọ, không còn thoái chuyển. A La Hán không còn thoái chuyển, cái họ được là chánh thọ, là Tam Ma Địa, là chánh định chánh thọ.

Thông thường nói tất cả thiền định đều có thể nhiếp tâm, làm cho tâm lìa vui buồn, thân lìa khổ vui, thân tâm an ổn, cho nên đều gọi là Tam Ma Địa. Tam Ma Địa ở chỗ này là cao cấp, không phải là thông thường, bởi vì không sanh không diệt. Cái chánh thọ này thì cao. Phàm phu chúng ta một phẩm phiền não chưa đoạn, nếu muốn được cảnh giới này, pháp môn thuận tiện nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chỉ cần sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì loại Tam Ma Địa này bạn liền chứng được.

Sự chứng đắc này, thành thật mà nói, không phải nương vào công phu của chính mình, cho nên pháp môn Tịnh Độ gọi là pháp môn nhị lực. Sức mạnh của chính chúng ta chính là nhớ Phật niệm Phật, khống chế được tập khí phiền não của chính mình, đạt đến công phu thành khối. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc được cảnh giới này, đó là tha lực, là sức mạnh của A Di Đà Phật. Điểm này các pháp môn khác không có, chỉ riêng Tịnh Độ là pháp môn nhị lực.

Câu kinh văn phía sau: “Tức đắc nhất thiết Đà La Ni Môn”.

Đà La Ni cũng là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung Quốc là tổng trì. Tổng tất cả pháp, trì tất cả ý, đó là danh tướng mà thời xưa dịch Kinh. Nếu dùng lời hiện tại mà nói thì cương lĩnh, đại cương, tổng cương lĩnh của hết thảy Phật pháp gọi là Đà La Ni Môn. Bạn nắm vững được tổng cương lĩnh thì bạn đạt được. Thông thường giải thích về tổng cương lĩnh này, thường nói nhiều nhất là “tất cả ác không sanh, tất cả thiện thêm lớn”, đó là Đà La Ni Môn, đó là tổng cương lĩnh. Ngày nay người niệm Phật chúng ta, tất cả Đà La Ni Môn chính là chấp trì danh hiệu. Các vị thử nghĩ xem, một ngày từ sớm đến tối niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật này, các ý niệm khác thảy đều không có. Ý niệm không có chính là các việc ác không sanh, không cần nói tạo ác, mà ý niệm ác cũng không có. Một câu vạn đức hồng danh này là thế xuất thế gian đệ nhất thiện pháp. Từng câu từng câu tiếp tục niệm là tăng trưởng thiện, tất cả thiện pháp đang tăng trưởng.

Các vị bước vào niệm Phật đường liền được tất cả Đà La Ni Môn. Tuy là khi bạn rời khỏi niệm Phật đường công phu liền mất hết, liền sẽ loạn lên, thế nhưng trong một tuần lễ, bạn có thể có được thời gian một ngày được “không sanh không diệt, các tam ma địa, tức đắc tất cả Đà La Ni Môn” là rất cừ khôi rồi. Không dễ dàng! Mỗi một tuần lễ đều đến luyện một lần, huấn luyện hai, ba năm thì công phu của bạn sẽ rất cao. Nếu như bạn có thời gian rảnh rỗi, ngày ngày đến tiếp nhận huấn luyện này thì ba năm bạn liền thành Phật, tội nghiệp trong vô lượng kiếp đều sẽ tiêu được sạch trơn.

Chúng ta xem thấy trong Vãng Sanh Truyện, chúng ta ngay trong một đời thường xem thấy, nghe thấy rất nhiều người niệm Phật vãng sanh, có người đứng mà đi, có người ngồi mà đi, biết trước giờ chết, không bị bệnh, đi được hoan hỉ, đi được tự tại, đi được rất đẹp. Đó là công phu gì vậy? Đều là công phu niệm Phật thành tựu. Có một số người nghe được thì nói: “Niệm Phật đường này niệm ba năm thì phải chết, không nên đi”. Như vậy thì còn gì để nói chăng? Sợ chết khiếp! Vậy thì được sao? Có loại ý niệm này là mê hoặc điên đảo, xả không được sáu cõi luân hồi, không xả được ba đường ác, vẫn phải tiếp nối, tham sống sợ chết, vọng niệm sanh tử này bạn chưa có xả bỏ.

Trong pháp môn niệm Phật không có sanh tử, bạn không nên cho rằng đó là chết. Không chết! Vãng sanh là sống mà vãng sanh, chết thì không thể vãng sanh, cho nên pháp môn này gọi là không sanh không diệt, vậy thì đúng. Vì sao vậy? Khi vãng sanh bạn rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, Phật đến tiếp dẫn, ta cùng đi với Phật, cái túi da thối này không cần dùng đến nữa. Bởi vì đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì phải đổi một cái thân kim sắc tử ma, đến nơi đó tướng mạo trang nghiêm giống y như tướng mạo của A Di Đà Phật, thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Cái tướng của chúng ta thật là quá xấu, đến nơi đâu cũng không có người hoan nghênh, cho nên chúng ta phải đổi cái thân này, phải đổi thành tướng hảo. Đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cái thân thể này không cần đến nữa thì bỏ đi. Sống mà ra đi, quyết định không phải chết mà đi. Cho nên tôi thường hay nói, pháp môn này của chúng ta là pháp môn không già, pháp môn không bệnh, pháp môn không chết. Bạn đi đến đâu để tìm? Tôi nói thảy đều là lời thật, chỉ cần bạn niệm Phật, niệm đến tâm địa thanh tịnh, thì như vừa rồi đã nói, bất cứ bệnh khổ nào cũng sẽ niệm tiêu hết, đều không còn, bạn sẽ không bị bệnh, bạn cũng không già yếu, ngày ngày hoan hỉ. Hoan hỉ thì trẻ trung.

Con người vì sao mà già? Lo buồn thì già. Người xưa thường nói: “Lo có thể khiến cho con người già”. Bạn thường hay lo buồn thì bạn dễ dàng lão hóa. Trong lòng bạn thường hay hoan hỉ thì bạn làm sao già? Bạn không thể già. Cho nên ở trong niệm Phật đường buông bỏ tất cả thân tâm thế giới, pháp hỉ sung mãn, bạn không già không bệnh không chết, bạn đi làm Phật. Hơn nữa, nếu thật đến được chỗ này, khi công phu chín muồi thì sanh tử tự tại, bạn muốn đi lúc nào thì có thể đi ngay lúc đó, bạn muốn ở thêm vài năm cũng không ngại gì. Sau khi công phu thuần thục thì thân không còn là thân nghiệp báo. Ngày nay chúng ta muốn ở thêm vài năm cũng không được, thọ mạng đến rồi không đi không được, không được tự tại, thọ mạng chưa đến muốn chết cũng chết không được, thọ mạng đến rồi muốn sống cũng sống không được. Phiền phức này thật lớn!

Công phu niệm Phật của bạn thành tựu thì bạn liền tự tại, muốn ở thêm vài năm cũng không ngại gì, muốn đi sớm một chút thì liền có thể đi sớm, đến lúc đó bạn chính mình liền biết được chính mình phải nên làm thế nào. Nếu ở thêm vài năm nữa ở thế gian này là vì lý do gì? Độ chúng sanh. Còn có một số chúng sanh có duyên với mình, bạn vì để giúp đỡ những chúng sanh này nên ở thêm vài năm để độ họ. Đó mới là lý do. Quyết định không phải do ham thích hưởng thụ thế gian này. Hưởng thụ thế gian làm gì có thể sánh được với Thế giới Tây Phương Cực Lạc? Ở chỗ này của chúng ta, phòng ở cũng xem là không tệ, nhưng ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì cái phòng này không có người nào ở, họ đều là ở cung điện bằng bảy báu. Bên trên chúng ta chỉ họa một số phù điêu, thiếp vàng lên trên, đó là loại vàng giấy rất mỏng dán lên một lớp vậy thôi. Còn những đồ vật đó ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều thuần là vàng, làm gì chỉ dán lên một lớp mỏng? Bạn xem, dưới đất thì đất bằng lưu ly. Lưu ly là gì vậy? Hiện tại người thế gian chúng ta gọi là tủy thuý, ở trong Kinh Phật gọi là lưu ly, ngọc màu xanh, loại quý nhất trong các loại ngọc. Đất đai ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc là bằng lưu ly, trong suốt, cho nên từ mặt đất có thể nhìn thấu xuống lòng đất. Vàng ròng là dùng để đắp đường, như chúng ta lót thảm. Như vậy thì bạn làm sao có thể lưu luyến đối với thế gian này, vậy thì quá kỳ lạ, không hề có đạo lý này.

Ăn uống, bạn thấy trên Kinh nói, muốn ăn thứ gì, ý niệm vừa nghĩ thì đồ ăn đã bày ra trước mắt. Đến lúc đó liền sẽ nghĩ, chúng ta không phải là phàm phu nữa, không phải chúng sanh sáu cõi, ý niệm muốn ăn là tập khí ở trong sáu cõi, khi tập khí khởi lên, nó tự nhiên liền hiện hành. Vừa giác ngộ thì lập tức không còn nữa, lại biến mất hết, sạch sẽ tinh khiết. Cho nên Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có nhà bếp, cũng không có rác rưởi. Bạn nói xem, tự tại dường nào!

Cung điện của bạn ở sạch sẽ tinh khiết, trong đây trống rỗng không có bất cứ thứ gì, bạn muốn bất cứ một thứ nào thì thứ đó liền hiện ra, khi không cần nữa thì không còn. Bạn nói xem, tự tại cỡ nào! Làm gì giống như chúng ta hiện tại đồ đạc để lộn xộn rối rắm, từng đống từng đống, khi dọn dẹp thì cũng rất phiền phức. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, những hiện tượng này thảy đều không có. Bạn thử nghĩ xem, khi người đã công phu tới rồi, vì sao mà họ không mau đi? Họ đi hưởng phước. Hai thế giới này đem so sánh thì kém nhau quá xa. Họ có phước báo lớn như vậy nhưng họ không hưởng phước, họ lưu lại ở nơi đây, đó là xả mình vì người, giúp đỡ một số chúng sanh, có duyên mang theo nhiều người cùng đi. Lý do ở ngay chỗ này. Nếu như chính mình không có duyên phận với chúng sanh thì khi công phu thành tựu rồi, không ai mà không đi sớm hơn.

Người thông thường chúng ta muốn đi mà đi không được, đó là bất đắc dĩ thôi. Chân thật có được năng lực này thì ai mà không hy vọng đi sớm hơn, sớm một ngày thấy Phật. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi ngày bạn không chỉ cúng dường mười vạn ức Phật. Trên “Kinh A Di Đà” nói mười vạn ức Phật, đó là không dụng ý. Trên thực tế, mỗi ngày bạn đi cúng dường vô lượng vô biên chư Phật. Thế Tôn nói với chúng ta mười vạn ức là vì chúng sanh thế giới này của chúng ta mà nói. Bởi vì chúng sanh thế giới này tình chấp rất nặng, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc luôn là nghĩ đến địa cầu từ trước là quê hương của chúng ta, quê hương hiện tại như thế nào rồi, quan tâm một chút, cho nên mới nói mười vạn ức cõi nước Phật, ý này chính là như vậy. Bạn lúc nào cũng có thể quay lại địa cầu này để thăm viếng. Phật nói pháp dụng ý chính ngay chỗ này, năng lực thực tế siêu vượt hơn đây rất nhiều lần. Thế giới tốt đẹp như vậy, đến nơi đó có được thành tựu thù thắng như vậy, vì sao chúng ta không chịu đi?

Hai câu này nếu như chúng ta tu các pháp môn khác thì không dễ gì đạt đến được, thế nhưng tu pháp môn Tịnh Độ thì rất dễ dàng đạt đến được, cho nên đối với các pháp môn khác, các Bồ Tát trong các pháp môn khác chân thật là pháp khó tin. Cho nên không vào cảnh giới này thì họ không tin, nan tín chi pháp, chúng ta cũng có thể thể hội. Niệm Phật đường này của chúng ta, chúng tôi nói với mọi người là niệm Phật đường này rất thù thắng. Họ nghe đến sau cùng thì không tin, họ đều khó tin, nhưng đến nơi đây niệm Phật vài ngày thì họ tin tưởng. Ngay đến một việc nhỏ xíu như vậy mà họ còn khó tin, huống hồ Phật Kinh nói cảnh giới viên mãn thù thắng như vậy. Cho nên tỉ mỉ mà thể hội, đem việc nhỏ này so sánh với những việc thù thắng như vậy thì chúng ta có thể thể hội được một chút, tăng thêm tín tâm của chúng ta, tăng thêm nguyện lực của chúng ta. Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ quyết định thành tựu.

Kinh văn phía sau nói: “Tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội”.

Ý nghĩa của “Hoa Nghiêm Tam Muội” rất sâu. Hoa Nghiêm Tam Muội là gì? Lược nói chính là Pháp Giới Nhất Chân. Pháp Giới Nhất Chân chính là chân tâm của chính mình, bạn có thể thông đạt tường tận, đó gọi là Hoa Nghiêm Tam Muội. Đây là đại đức xưa giải thích đơn giản đối với danh tướng này, Ngài giải thích không sai, chúng ta nghe rồi vẫn không hiểu. Pháp giới là gì, tự tâm là gì, liễu đạt là gì? Nếu bạn không làm cho rõ ràng, cho tường tận, bạn đối với những danh tướng thuật ngữ này không thể nào không có nghi hoặc, thì bạn sẽ không có các thọ dụng.

 

 

[1] Tiếp theo đĩa 42

Bình luận Kinh vô lượng thọ giảng giải tập 42/374
Ảnh đại diện
Anh   Chị
Video mới nhất
QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI

QUẢ BÁO CỦA VIỆC THỦ DÂM, HÀNH DÂM NƠI ĐỊA NGỤC- NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI

Xem video
ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

Xem video
Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Xem video
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 115
  • Tháng hiện tại: 2883
  • Tổng lượt truy cập: 129513
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com