Thật Vì Sanh Tử - Phát Bồ Đề Tâm - Dùng Tín Nguyện Sâu - Trì Danh Hiệu Phật - Tâm Bồ Đề Cần Xuyên Suốt Cả Một Đời - Bồ Đề Tâm Chính Là Chân Tâm - Nam Mô A Di Đà Phật.

Phần 4

Luôn luôn nghĩ tới lúc lâm chung
(Từ lão hòa thượng Hải Hiền,
xét tín nguyện cầu vãng sanh của chúng ta)

Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú kỳ thứ 4 (tập 90 )
Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 02-042-0090

Báo cáo tâm đắc của học sinh
lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú.
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định

Bích Ngọc chuyển ngữ, Như Hòa giảo duyệt

 

1. Bí Quyết Niệm Phật

Tâm vì sanh tử không tha thiết, mọi người đều rất lo lắng, không ít người đã hỏi:

– Làm thế nào mới có tâm tha thiết vì sanh tử?

– Làm sao đối trị tâm không tha thiết vì sanh tử?

Chúng tôi đã tìm câu trả lời và tìm bí quyết niệm Phật trong các trước tác của chư vị tổ sư đại đức nhiều đời, sau cùng tìm được sáu chữ: “Thời thời tác lâm chung tưởng” (luôn luôn nghĩ [bây giờ là] lúc lâm chung). Tóm gọn lại thành một chữ “Tử” (Chết). Đối với đề tài “Chết” này, mọi người đừng kiêng kỵ. Có người hễ nói tới chuyện “Chết” là mặt mày tái mét, chúng ta thường không kiêng kỵ những chuyện đáng nên kiêng kỵ, nhưng lại thường kiêng kỵ những thứ chẳng đáng kiêng kỵ. Người xưa nói: “Hiện thời cần lo sợ chuyện chết, tới lúc lâm chung, chẳng phải lo sợ gì hết”. Chúng ta thì ngược lại, hiện tại chẳng lo sợ gì cả, đến lúc lâm chung, tay chân bấn loạn. Mọi người đều ngưỡng mộ công phu niệm Phật của lão hòa thượng Hải Hiền, Ngài thành tựu công phu niệm Phật như thế nào? [Chính là vì] luôn luôn nghĩ ngay bây giờ là giờ phút cuối cùng của đời mình, dốc hết sức niệm Phật.

Đối trị “tâm vì sanh tử không tha thiết” phải bắt đầu từ đâu? Phải đau xót nghĩ tới Vô Thường, luôn luôn nghĩ mình đang sắp chết.

Thảo Am thiền sư đời Tống có viết một bài khai thị với tựa đề Niệm Phật Quyết (Bí quyết niệm Phật), đơn giản, thiết yếu, chẳng tới ba trăm chữ. Bài khai thị này rất ngắn, nhưng được coi là bài khai thị tiêu biểu cho bí quyết niệm Phật của các vị tổ sư đời trước, rất quý báu trong việc hướng dẫn chúng ta niệm Phật. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có nhắc tới Thảo Am thiền sư, Ngài vãng sanh Cực Lạc thế giới.

Bí quyết niệm Phật ghi: “Ai chẳng biết niệm A Di Đà Phật, nhưng niệm [được đắc lực] rất khó. Ai chẳng nguyện sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng người vãng sanh được rất hiếm, vì người niệm Phật chẳng biết bí quyết. Chỉ có một chữ Chết là có thể [giúp cho người] niệm Phật niệm chân thật thiết tha. Giữ chặt một chữ Chết trong ý niệm thì [đối với] các cảnh duyên [gặp phải hằng ngày] tự nhiên sẽ lạnh nhạt, tình ái cũng tự nhiên nhẹ bớt. Danh lợi, thế lực đến lúc đó không dùng được nữa. Những điều thấy nghe, hiểu biết đến lúc đó, cũng không dùng được nữa. Lúc tứ đại phân ly còn dựa vào gì được nữa? Cô hồn vô chủ làm sao tự do được? Lúc đó, nếu không thấy Phật Di Đà, e rằng sẽ phải gặp quỷ La sát. Không sanh Tịnh Độ, e rằng phải nhập thai lừa. Đừng cho rằng chuyện này có thể chần chờ! Chuyện gì ngày mai sẽ xảy ra, hôm nay làm sao biết được? Đừng coi nhẹ chuyện này, đời này lầm lỡ sẽ trầm luân vĩnh viễn. Hết thảy mọi chuyện không gì [quan trọng] bằng chuyện lớn sanh tử, [cho nên] mọi chuyện khác đều chẳng cần thiết. Trong mọi lúc, luôn nghĩ là lúc lâm chung. Nghĩ như vậy thì lúc nào cũng là lúc niệm Phật. Niệm Phật như vậy mới được thiết tha. Niệm Phật thiết tha như vậy mới vãng sanh Tịnh Độ. Phải hạ thủ công phu [như mình đang sắp] chết thì mới thành tựu tịnh nghiệp. Thường nghĩ tới lúc chết thì tâm [vì sanh tử] mới thiết tha. Đó là những bậc thang thành Phật, là bí quyết cho chuyện thành tâm niệm Phật vậy”.

2. Nghĩ mình sẽ chưa chết

Tâm nghĩ mình chưa chết là cho rằng mình tạm thời sẽ không chết, [còn lâu lắm mới tới phiên mình chết]. Đấy là tâm trạng và thái độ phổ biến của mọi người. Mọi người ai cũng ý thức rằng mình rốt cục sẽ chết, mỗi người đều biết mình có một ngày [chắc chắn] sẽ chết. Ai cũng có ý niệm và suy nghĩ rằng cuộc đời rất ngắn ngủi, tạm bợ, nhưng mỗi ngày đều ngây ngô cho rằng hôm nay thần chết sẽ không đến thăm mình! Cứ nghĩ như vậy, mãi cho đến giây phút mạng chung đến suối vàng; trước đó cứ chấp chặt ý tưởng mình sẽ sống mãi mãi. Chúng ta không cho rằng mình sẽ không chết, mà là nghĩ bây giờ hãy còn sớm, còn chưa tới phiên mình chết. Hôm nay tôi sẽ chưa chết, năm nay cũng sẽ chưa chết. Đây là ý niệm tiềm tàng trong tâm chúng ta. Do vậy, đối với chuyện lớn là niệm Phật tu hành, cứ khất được là khất, hôm nay cứ hẹn “đợi tới ngày mai mới niệm”. Năm nay hẹn đến năm sau sẽ niệm. Cứ cho rằng thời gian còn dài, còn nhiều thời gian. Xảo (khéo) hợp sao! Trong quá trình “hẹn lại” ấy, Vô Thường lại thình lình xuất hiện! Cái chết chưa bao giờ báo trước, không bao giờ báo cho chúng ta biết trước. Hãy hồi tưởng những người thân, bạn bè của chúng ta, chẳng ít người đã chết trong lúc cho rằng mình còn lâu mới chết. Những chuyện xung quanh chúng ta đều là như vậy. Có một bà cụ bị bịnh, nằm trên giường, hôm đó, bà bảo đứa con chưng cho bà một chén yến. Sau khi ăn xong, bà ta bảo con: “Má còn chưa chết, còn lâu mới chết”. Sau đó, người con [yên tâm] đi làm. Trên đường tới sở làm, người nhà gọi điện nói mẹ ông đã qua đời!

Đã nhiều đời nhiều kiếp, phần đông chúng ta đều đọa trong ác đạo. Giả sử một ít dịp nào đó, may mắn sanh vào cõi lành, nhưng thường là sanh vào những chỗ không thể tu hành. Dù cho may mắn sanh làm người và có thể tu hành, nhưng lại không thể tu hành đúng như chánh pháp, nguyên nhân là vì cái tâm cho rằng mình còn chưa chết. Cứ nghĩ rằng mình sẽ còn lâu mới chết; do vậy, tu hành không tinh tấn. Tâm trạng này đã hại chúng ta từ đời này sang đời khác.

Có một vị Đại Thành Tựu[18] [tức là một hành giả Mật Tông] được mọi người công nhận là bậc đạt thành tựu trong Phật giáo Tây Tạng. Một hôm có một người tu hành từ xứ Khang (Khams) đến yết kiến vị Đại Thành Tựu và cầu xin truyền pháp. Vị Đại Thành Tựu chẳng truyền trao gì hết, nhưng sau khi người kia ba lần nài nỉ, khẩn cầu, Ngài cầm tay người kia, thành khẩn nói:

“Tôi sẽ chết, ông cũng sẽ chết.

Tôi sẽ chết, ông cũng sẽ chết.

Tôi sẽ chết, ông cũng sẽ chết”,

Lặp lại như vậy ba lần, và nói thêm: “Bí quyết tu hành của Thượng Sư chẳng có gì khác! Tôi cũng thề rằng chẳng có bí quyết gì thù thắng hơn ba câu trên”. Người tu hành từ xứ Khang ấy nghe xong, tu hành rất tinh tấn, cuối cùng đạt thành tựu.

[Chúng ta thường nghe] nói có người nào đó bị ung thư sẽ chết rất nhanh. Thật ra, mỗi người chúng ta ai cũng phải chết, chẳng có ai không chết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi! Người xưa nói: “Sáng không nghĩ tới cái chết thì cả ngày sẽ trôi qua vô ích. Chiều không nghĩ đến cái chết thì ban đêm sẽ trôi qua vô ích”. Nghĩ về cái chết sẽ sách tấn chúng ta mau mau niệm Phật, lúc nào cũng nghĩ mình sắp chết.

3. Kỳ hạn chết không nhất định

Kinh Pháp Cú nói:

“Trong số những người mình gặp sáng nay, có người chiều nay sẽ chết và không thể gặp lại nữa. Trong số những người mình gặp chiều nay, có người sáng hôm sau sẽ không gặp lại nữa”.

Cuộc đời vô cùng mong manh, giống như bọt nước, có thể bể tan bất cứ lúc nào. Chúng ta thấy con nít chơi trò thổi bong bóng nước. Dù cái bong bóng nước có thể an ổn bay lên không trung, nhưng không biết bao giờ, nó sẽ đụng phải vật gì chướng ngại và bị bể tan. Tình hình của chúng ta hiện nay [cũng vậy], người xưa có nêu một thí dụ: Thí dụ từ đỉnh núi cao chúng ta rớt xuống đất, trong khi còn đang lơ lửng trong không trung [chưa chạm xuống đất], chúng ta vẫn vui sướng, cảm thấy dường như chẳng có chuyện gì, chẳng biết phải mau niệm Phật, chẳng biết bao giờ sẽ chạm mặt đất và bị tan xương nát thịt. Kể từ sau khi chúng ta thọ sanh, cũng giống như con dê đang bị dẫn đến lò sát sanh, chuẩn bị làm thịt, trong từng sát na bị dẫn đến chỗ chết chóc. So với tháng trước, tháng này gần kề cái chết hơn một chút. So với hôm qua, hôm nay càng gần cái chết một chút. So với ban ngày, ban đêm gần cái chết hơn một chút. So với sát na trước, sát na này càng gần cái chết hơn một chút. Cái chết sẽ chẳng đến chậm rãi và có đủ quy luật như bạn tưởng tượng. Phương thức, nhân duyên và thời gian nó xuất hiện chẳng có cách nào xác định được! Do vì kỳ hạn chết bất định, bạn làm sao bảo đảm năm nay, ngày mai, hoặc một thời khắc sau, chính mình không [chết đi và đọa] vào trong ác đạo rên xiết chịu khổ hay sao? Cho nên cái chết sẽ chẳng chờ đợi ai lãng phí một thời gian dài, hoặc thong thả chuẩn bị nghinh tiếp rồi nó mới từ từ đến trễ. Trên thực tế, quý vị thấy cái chết xảy đến rất nhanh chóng, mãnh liệt. Sau khi [hiểu rõ và] sợ chết, chúng ta sẽ buông xuống hết thảy những sự truy cầu và chấp trước trong thế gian, nỗ lực tu hành hòng sửa đổi vận mạng.

Ngày nay, tai nạn xe cộ xảy ra với mức độ rất cao, chúng ta có thể bảo đảm khi ra khỏi cửa chính mình chẳng gặp phải tai nạn xe cộ hay không? Chẳng có cách gì bảo đảm! Mấy năm trước, có một người đi đón con tan học về nhà. Đứa con vừa ra khỏi cổng trường, nhìn thấy cha mình liền vui mừng chạy tới. Ngay lúc đó, có một chiếc xe hàng chạy qua tông vào rồi cán đứa con chết tươi. Người cha chứng kiến cảnh tượng thảm khốc đó, kinh hoảng, ngây dại, vừa khóc vừa chạy về phía đứa con. Ngay lúc đó, một chiếc xe từ phía sau chạy tới đụng ông ta chết luôn tại chỗ. Vợ ông nghe tin cả chồng lẫn con đều bị chết thảm ngoài đường như vậy, chẳng thể nào chịu đựng nổi, hết sức tuyệt vọng, uống thuốc độc tự sát. Bà nội ở nhà, trong một ngày mất đi đứa con trai, con dâu và đứa cháu, bịnh tim bộc phát, khi đưa đến [bệnh viện], chẳng cấp cứu được nên cũng chết theo.

Lại nghĩ thêm, ta có thể bảo đảm khi ta ở trong tư thế nào, oai nghi nào sẽ chẳng chết không? Khi đang đi bộ cũng có thể chết, khi đứng cũng có thể chết, ngồi cũng có thể chết, ngủ cũng có thể chết, miệng đang ăn cũng có thể chết, đang cười cũng có thể chết. Có người đang đi bộ, đột nhiên ngã quỵ xuống đất rồi chẳng đứng dậy được nữa. Có người đang đứng ở trạm đợi xe lửa, [vì quá đông người ở đó nên bị người ta chen lấn] bị đẩy lên đường rầy xe lửa rồi bị [xe lửa] đè chết. Có người đang ăn rồi bị thức ăn nghẹn ở cổ họng mà chết. Có một người làm quan vào đời Thanh, gạt lấy hết tiền cứu tế dân chúng đang bị thiên tai. [Một hôm] ông ta đang nằm ngủ đột nhiên ngồi dậy, miệng ộc máu rồi chết. Trong những kiếp trước, chúng ta đã tạo ra quá nhiều nghiệp ác, làm sao có thể bảo đảm một khắc[19] sau chắc chắn sẽ không chết? Hoàng Bá thiền sư nói: “Ta hỏi ông, nếu giờ phút lâm chung đến một cách thình lình, lúc đó làm sao ông chống chọi với sanh tử? Phải chuẩn bị trong lúc nhàn hạ thì lúc cần gấp mới dùng được, đỡ tốn sức. Đừng đợi khát nước mới đi đào giếng, [lúc lâm chung sẽ] tay chân cuống quýt, đoạn đường trước mắt mờ mịt, quờ quạng, khổ lắm, khổ lắm!”.

[Đoạn trên nói] lúc gần kề cái chết, chúng ta có nắm chắc được gì hay không? Dựa trên tình huống của phần đông người ta hiện nay để nói, sau khi chết đi, chẳng nắm chắc rằng mình không đọa vào ba đường ác! Nhưng chỉ cần chúng ta nhất tâm nương dựa A Di Đà Phật, [phát nguyện tha thiết, chân thành niệm Phật], lâm chung sẽ có thể vãng sanh Tịnh độ, triệt để thoát ly biển khổ luân hồi. Cho nên niệm Phật sớm một ngày, lúc chết sẽ có thêm một phần nắm chắc [không đọa ba đường ác].

4. Hôm nay nhất định sẽ chết

Cái chết chẳng có kỳ hạn nhất định, tức là từ ngày hôm nay trở về sau, trăm năm trước cái chết đã định, trong thời gian ấy, cái chết đến lúc nào sẽ chẳng định trước ngày giờ. Hôm nay chết hay không, chẳng có cách nào quyết định được. Thí dụ có một người thù địch không gì đáng ngại bằng [báo cho tôi biết] kể từ hôm nay trở đi, đến một lúc nào đó, sẽ đến đây hại tôi. Kẻ ấy chẳng cho biết ngày nào sẽ tới, nên ngày nào tôi cũng phải cẩn thận đề phòng. Thái độ chúng ta đối với cái chết cũng nên như vậy, ngày nào cũng phải cẩn thận đề phòng. Do vậy, người xưa dạy chúng ta chuyển đổi tâm niệm “hôm nay mình còn chưa chết” trở thành “hôm nay mình nhất định sẽ chết”, mỗi ngày đều nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng trong đời. Trong ngày cuối của cuộc đời, chúng ta phải làm gì? Đương nhiên là niệm A Di Đà Phật miên mật cầu sanh Tịnh Độ, đâu còn tâm trí gì để bận bịu chuyện thế gian? Nếu thật sự khởi được cái tâm “hôm nay mình nhất định sẽ chết”, ngày nào cũng vậy, công phu niệm Phật chắc chắn sẽ đắc lực giống như lão hòa thượng Hải Hiền vậy.

Sách Trúc Song Tùy Bút có kể một công án: Có một vị Tăng bị bịnh lao phổi quanh năm, nhưng không nghĩ rằng mình nhất định sắp chết. Nếu ai nói đến chuyện chết chóc, ông ta liền không vui. Khi ấy, Liên Trì đại sư sai người nhắn ông ta mau chuẩn bị hậu sự, nhất tâm chánh niệm. Vị tăng ấy nói: “Đàn ông nam tử sanh bịnh, kỵ nhất là chết trước ngày sanh của mình, [tôi phải] đợi đến sau ngày sanh rồi mới tính nữa”. Mười Bảy tháng đó là sinh nhật của ông ta chẳng ngờ ngày Mười Sáu bỗng đột ngột chết mất. Mấy ngày trước khi ông ta mất, vẫn chấp chặt “hôm nay mình sẽ chưa chết” cho nên chẳng chuẩn bị gì hết. Kết quả thật đáng bi ai!

5. Đau xót nghĩ tới Vô Thường

Người xưa dạy chúng ta không những phải nghĩ tới Vô Thường, mà còn phải đau xót nghĩ tới Vô Thường. Quý vị nghĩ tới Vô Thường, nghĩ tới mức khởi lên cảm giác đau xót. Chính cảm giác đau xót này sẽ khích lệ, sách tấn chúng ta niệm Phật. Vô Thường có thể xảy đến bất cứ giờ phút nào! Khi Vô Thường xảy đến mà mình không niệm Phật, không thể vãng sanh, mình sẽ sanh tới cõi nào? Một khi chúng ta có thể thật sự đau xót nghĩ tới Vô Thường, chúng ta sẽ niệm Phật tốt đẹp, công phu sẽ đắc lực. Chúng tôi có cảm nhận sâu sắc: Khi nhiễu Phật mà không có tâm đau xót Vô Thường, chẳng qua chỉ là làm cho chân mình đau đớn vô ích mà thôi! Khi niệm Phật chẳng được, hãy khởi lên ý niệm đau xót Vô Thường, Vô Thường là một nguồn động lực dồi dào thúc đẩy chúng ta niệm Phật tinh tấn, chẳng để luống qua dù chỉ một phút. Nguyên nhân khiến chúng ta niệm Phật giải đãi, lười biếng, tán loạn, lúc có, lúc không, chính là vì chúng ta chẳng có cảm giác bức bách như cứu cái đầu đang bị cháy bừng, cứ tưởng mình còn rất nhiều thời gian.

Xin kể hai câu chuyện về Vô Thường:

a. Đây là chuyện có thật tôi đọc trong một tạp chí nhiều năm về trước và còn ấn tượng rất sâu. Vào thời Thế Chiến thứ hai, có một cặp vợ chồng nọ đang chạy nạn. Sau cả ngày đi bộ rất mệt mỏi, đến bờ sông, cả hai người tính rửa mặt, uống hớp nước rồi tiếp tục đi nữa. Hai người đến bờ sông, cúi xuống khoát nước sông rửa mặt, lúc người vợ ngước đầu lên, thấy đầu của chồng mình trong chớp mắt đã bị cắt đứt. Vì lúc đó tiếng súng đạn nổ rầm trời, tốc độ phi đạn lẹ vô cùng, ngay lúc người chồng vừa ngước đầu lên, đúng lúc ấy, có một mảnh miểng bom bay tới cắt đứt đầu ông ta. Người vợ [chứng kiến cảnh tượng chồng mình bị đứt đầu như vậy] nổi điên. Đó chính là Vô Thường, chẳng ai ngờ trước được!

b. Minh Cung Sử có ghi: Triều Minh, ngày mồng Sáu tháng Năm năm Thiên Khải thứ sáu[20], xưởng chế tạo vật phẩm của hoàng gia ở phía Tây Nam Bắc Kinh có một tai nạn khủng khiếp xảy ra. Sáng hôm đó, bầu trời sáng sủa, thình lình một tiếng nổ lớn dữ dội xảy ra, từ phía Đông Bắc truyền tới góc Tây Nam của kinh thành. Tiếp theo đó, một luồng tro bụi tung lên, nhà cửa rung động. Đột nhiên, trên không trung có một tiếng nổ lớn dường như trời sập, một bầu đen tối bao phủ bốn bề, lại có một đám mây đen kịt giống như hình nấm linh chi, lại giống như mớ tơ rối có đủ năm màu từ dưới đất bay lên, rất lâu sau mới tan. Phía Đông từ con đường lớn ở cửa Thuận Thành, phía Bắc tới đường Hình Bộ, dài khoảng ba bốn dặm, chu vi mười ba dặm, hơn một vạn căn nhà và hai vạn người [bị tiếng nổ tung chấn động] biến thành bột. Những thứ như gạch ngói, đầu người, cánh tay, đùi, mũi, tai, v.v… từ trên không trung rớt xuống tung tóe. Trong phút chốc, cả đường phố mảnh vụn của thi thể con người chất đống lại như núi. Mùi tanh hôi nồng nặc của máu me và thịt bị thiêu khét xông lên. Không những con người bị chết thảm, ngoài ra lừa, ngựa, gà, chó đều chịu chung số phận. Hơn hai ngàn người thợ đang làm việc trong Tử Cấm Thành từ trên những cây đòn gác bị tiếng nổ khủng khiếp đó chấn động, rớt xuống như thịt bị bằm nát. Nhiều cây bị trốc gốc và thổi bay tứ tung. Đường Thạch Phò Mã có một con sư tử bằng đá to nặng tới năm ngàn cân, chẳng ngờ bị thổi bay tuốt ra ngoài cửa Thuận Thành. Những chuồng nuôi voi của hoàng gia ở đường Tượng Lai đều sụp đổ, nhiều đàn voi kinh hoảng chạy loạn tứ phía. Một phụ nữ ngồi kiệu tám người khiêng cũng chịu chung số phận với tám người khiêng kiệu, bị chết không toàn thây. Một người đang trò chuyện với sáu người khác, đột nhiên cái đầu bay mất, toàn thân ngã gục xuống đất. Sáu người kia chẳng hề hấn gì cả.

Chúng ta cứ nghĩ rằng Vô Thường là chuyện của người khác, sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho mình. [Nghĩ vậy là] hết sức sai lầm, Vô Thường xảy ra với người khác và cũng sẽ xảy ra với mình. Chúng ta thường trợ niệm cho người khác, có bao giờ nghĩ tới ngày nào đó người ta sẽ trợ niệm cho mình hay không? Chúng ta cũng từng viết bài vị cho người khác, có nghĩ tới ngày nào đó, sẽ tới phiên người ta viết bài vị cho mình hay không? Chính mình trở thành người quá cố! Kinh Phật có nói: “Lửa thiêu đốt đầu, còn có thể tạm thời không quan tâm đến. Lửa dữ Vô Thường, hãy mau diệt trừ.”

Trong cuốn Trúc Song Tùy Bút, Liên Trì đại sư có kể một chuyện như sau: Có một cụ già chết rồi đến gặp Diêm Vương, cụ trách Diêm Vương không báo cho cụ biết trước là cụ sẽ chết. Diêm vương trả lời: “Ta đã thông báo sớm cho ông rồi [mà ông đã quên]! Lúc mắt ông dần dần mờ không thấy rõ, chính là lúc ta báo cho ông biết lần thứ nhất. Khi tai ông dần dần nghe không rõ, chính là lần thông báo thứ nhì. Khi răng ông từ từ rụng hết là lần thứ ba. Thân thể ông càng ngày càng yếu… Tức là nhiều lần Ta đã báo cho ông biết rồi”. Đây là lời [Diêm Vương] nói với một cụ già.

Lại có một chàng thanh niên cũng trách Diêm Vương: “Mắt tôi còn sáng, tai còn rất thính, răng chưa rụng, thân thể còn cường tráng. Tại sao Diêm Vương không báo cho tôi biết trước?” Diêm vương đáp: “Ta cũng đã báo cho anh rồi, chính anh không biết đó thôi! Nhà hàng xóm phía Đông của anh có người mới bốn năm chục tuổi đã chết rồi đó. Nhà phía Tây có người hai ba chục tuổi cũng chết rồi đó. Còn có mấy đứa trẻ mười tuổi, và trẻ nít cũng chết rồi đó. Mấy chuyện này không phải là ta đã thông báo cho anh rồi sao?”

Một con ngựa tốt vừa thấy bóng roi liền chạy; còn nhất định phải đợi tới cái dùi đâm vào da [rồi mới chịu chạy], đó là ngựa hạng bét. Hối hận, cảm thán, cũng chẳng kịp nữa!

Buổi chiều một ngày trước lúc hòa thượng Hải Hiền vãng sanh, Ngài còn làm việc trong vườn rau cùng với đệ tử, chẳng khác lúc bình thường, không ai nghĩ rằng ngày mai Ngài sẽ ra đi. Đây là một bài học sống động sâu sắc Ngài dạy cho chúng ta. Ngài thị hiện Vô Thường, chúng ta nhìn thấy có hiểu không?

6. Đính chánh những sự hiểu lầm

Rất nhiều đồng tu thường nói “Tôi bận quá, không có thời gian niệm Phật, đợi tới già, tới lúc nghỉ hưu rồi sẽ niệm”. Đây là vì tâm [lo sợ] Vô Thường chưa khởi lên, cách suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm! Trong tác phẩm Tịnh Độ Hoặc Vấn, Thiên Như thiền sư đã giải đáp tường tận về vấn đề này.

“Hỏi: Cả đời tạo ác, lâm chung niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh, lại chẳng thoái chuyển. Đó là nhờ nguyện lực Di Đà nên mới được chẳng thể nghĩ bàn như vậy! Cho nên lúc còn sống tôi có thể bận rộn làm việc để lo cho sự nghiệp thế gian, đợi đến lúc lâm chung mới niệm Phật có được không?

Đáp: Khổ lắm, khổ lắm, nói như vậy là ngu ngốc hết sức! Phê sương[21]pha rượu là chất độc nhất trong các thuốc độc. Câu nói này của quý vị còn độc hơn phê sương pha rượu nữa. Câu này sẽ lầm lạc chính mình, lại còn lầm lạc Tăng, tục, thiện nam, tín nữ trên đời. Những kẻ nghịch ác phàm phu lúc lâm chung có thể niệm Phật đều là nhờ đời trước có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dầy, nên gặp thiện tri thức [khuyên bảo] mới niệm Phật được. Đó là may mắn vô cùng, trong muôn vạn người chưa chắc có được một ai! Quý vị nghĩ mỗi người lúc lâm chung ai cũng được may mắn như vậy sao? Vì sao không coi trong [Tịnh Độ] Quần Nghi Luận đã nói thế gian có mười hạng người lúc lâm chung không thể niệm Phật như sau:

1. Không gặp được bạn tốt, chẳng ai khuyên niệm Phật được.
2. Nghiệp khổ trói buộc, không rảnh rỗi niệm Phật được.
3. Hoặc trúng gió, cứng họng không niệm được.
4. Cuồng loạn, mất trí, khó tập trung mà niệm.
5. Hoặc gặp nạn nước lửa, không thể chí thành mà niệm.
6. Gặp phải phường lang sói, chẳng gặp được bạn lành.
7. Lúc lâm chung, gặp kẻ xấu ác phá hoại tín tâm.
8. Ăn no quá mức, hôn mê tới chết.
9. Làm người lính phải chiến đấu, đột nhiên chết ngoài trận.
10. Té từ núi cao tổn hại tánh mạng.

Mười chuyện kể trên đều là những chuyện bình thường tai nghe mắt thấy, bất luận nam, nữ, Tăng, tục, ai cũng có. Hoặc do túc nghiệp chiêu cảm, hoặc do nghiệp hiện đời đẩy đưa, thình lình hiện ra, chẳng có cách nào tránh khỏi. Quý vị chẳng phải là thánh nhân có thần thông, có Túc Mạng Thông mà biết lúc lâm chung có nghiệp hay không nghiệp! Lại chẳng có Tha Tâm Thông, Thiên Nhãn Thông mà biết mình lúc lâm chung sẽ chết nhẹ nhàng hay chết đớn đau, khổ sở.

Trong mười ác duyên nêu trên, chỉ cần gặp một duyên liền nhắm mắt xuôi tay, chẳng có cách nào xoay sở! Dù có thiện tri thức, Phật sống đến cũng chẳng cứu được, vẫn phải tùy nghiệp thọ báo, rơi vào tam đồ bát nạn chịu khổ, chịu tội. Đến lúc đó, muốn nghe danh hiệu Phật cũng chẳng được.

Nếu may mắn không gặp những ác duyên nói trên, chỉ vì bịnh nhẹ mà chết, cũng sẽ chẳng tránh khỏi bị gió đao cắt thịt, tứ đại phân ly, như rùa sống bị lột mai, như cua rớt xuống nồi canh nóng, đau khổ bức bách, sợ hãi cuống quýt, làm sao niệm Phật nổi?

Hoặc may là không bịnh mà chết, nhưng do bị duyên thế gian chưa dứt, ý niệm lưu luyến trần thế chưa buông, tham sống, sợ chết, nhiễu loạn tấm lòng. Nếu là người thế tục hiềm vì của cải gia đình chưa giải quyết ổn thỏa, hậu sự chưa xong, vợ con than khóc, trăm mối ưu tư, làm sao niệm Phật nổi?

Nếu may mắn trước lúc chết chỉ bị bịnh nhẹ, chịu đau, chịu khổ, kêu la rên xiết, tìm thuốc cứu chữa, cầu thọ sám hối, tạp niệm tơi bời, làm sao niệm Phật nổi?

Nếu may mắn lúc già chưa bịnh, nhưng vì lớn tuổi già yếu, tướng suy thoái hiện ra, khốn đốn, lao đao, buồn rầu, than vãn, lo nghĩ, [suốt ngày] chỉ chăm chút lo cho tấm thân già yếu, làm sao niệm Phật nổi?

Nếu may mắn khi chưa già, lúc còn tráng kiện, đúng là lúc niệm Phật tốt nhất, nhưng vì tâm cuồng loạn chưa dứt, mãi lo toan việc đời, lo đông lo tây, suy nghĩ vẩn vơ, nghiệp thức mù mờ làm sao niệm Phật nổi.

Nếu may mắn được thanh nhàn tự tại, có chí tu hành, nhưng đối với tướng trạng thế gian chẳng soi tỏ, chẳng buông nổi, chẳng nắm chắc, ngồi chẳng yên, một khi bất ngờ có cảnh giới hiện tiền, chủ nhân chạy theo cảnh điên đảo, làm sao niệm Phật nổi?

Lúc người ta già bịnh, hoặc lúc còn trẻ trung, tráng kiện, thanh nhàn, chỉ cần có một chuyện gì đó vướng mắc trong tâm thì đã niệm Phật không được, huống chi lúc lâm chung? Huống hồ còn những kẻ nói trọn đời làm sự nghiệp thế gian, quả thật là người ngu si cùng cực, phát ngôn những lời lầm lạc vô cùng, tôi dám đoan quyết là họ đã dụng tâm lầm lạc mất rồi! Vả lại, chuyện đời như mộng, như huyễn, như bóng, như tiếng vang, không có gì là thật, chẳng có chuyện nào thay thế chuyện sống chết được hết!

Dù có xây dựng thiệt nhiều chùa chiền, nuôi nhiều Tăng thường trụ, mong cầu danh lợi, kết thân với kẻ quyền thế, giàu sang, rồi cho đó là làm được nhiều Phật sự tốt mà không biết mình đã hủy phạm Như Lai, chẳng thấu đạt gốc đạo. Dựng nhiều ngôi già-lam, lại thêm giữ giới, nhưng phải biết: Công đức hữu vi có nhiều lầm lỗi, thiên đường chưa đến, địa ngục đã thành, sống chết chưa tỏ, đều thành gốc khổ, bỗng chốc xuôi tay, lúc chịu khổ mới hay rằng mọi việc đã làm trong lúc bình sinh toàn là cái gông chồng thêm cái cùm, xiềng xích chồng thêm xiềng xích, dưới vạc dầu lại thêm than củi, trong rừng kiếm lại thêm gươm dao. Một khi cái thân người làm kẻ Tăng sĩ đã mất đi, muôn kiếp khó lại được làm thân người lần nữa! Sắt đá mà nghe được cũng phải rơi lệ. Tổ sư mỏi miệng khuyên người như vậy, lẽ đâu chấp nhận một đời bon chen sự nghiệp, đợi đến lúc lâm chung mới niệm Phật hay sao?”

[Quý vị] không thấy Tử Tâm thiền sư dạy sao? “Người trong thế gian tài sản nhiều như núi, thê thiếp đầy nhà, ngày đêm hoan lạc. Chẳng lẽ họ không muốn sống lâu trên đời hay sao? Hiềm rằng tiền trình hữu hạn, trong âm thầm thúc giục. Trát đòi (lệnh bài) vừa tới, chẳng cho nán lại. Ông già Diêm Vương chẳng nể nhân tình, Quỷ vương Vô Thường chẳng trọng mặt mũi. Dựa vào những gì người ta đích thân mắt thấy, tai nghe, hẻm trước lối sau, [những kẻ] quyến thuộc thân tình, huynh đệ bằng hữu, bọn hậu sanh cường tráng, biết bao nhiêu người đã chết? Người đời thường nói ‘đợi tới già mới niệm Phật’, biết chăng đường đến suối vàng chẳng phân biệt già trẻ? [Hơn nữa], có bao nhiêu người có thể sống đến già? Những kẻ chết non, chết yểu thiếu gì!

Tử Tâm rát miệng khuyên người như vậy, thế mà cứ chịu bôn ba sự nghiệp để đợi tới lúc lâm chung mới niệm Phật hay sao? Hãy nghĩ người ở trên đời có thể sống được bao lâu? Chỉ trong tích tắc, chớp mắt là đã qua đời. Cần phải ngay trong lúc chưa già, chưa bịnh, hãy gội rửa thân tâm, buông bỏ mọi việc đời, được một lúc lắng lòng, niệm được một danh hiệu, có một chút công phu, tu một chút Tịnh nghiệp. Lúc lâm chung, chết nhẹ nhàng hay khổ sở ta đều chuẩn bị chu đáo, con đường phía trước của ta bao la bằng phẳng.

Nếu không như vậy, ngày sau có hối hận, cũng đã trễ rồi!

Hãy nên đắn đo, suy nghĩ kỹ càng !”

Hỏi: Đoạn trên có nói “hãy gội rửa thân tâm, buông bỏ việc đời”. Nay những người trên đời may mắn gặp cảnh duyên thuận tiện, thân ý an nhàn, có thể làm được chuyện ấy, còn những người không thể buông bỏ thì phải làm sao?

Đáp: Người ta ở đời nếu chua xót nghĩ đến Vô Thường, dụng tâm chân thành thiết tha thì không kể lúc vui hay buồn, lúc thuận hay nghịch, nhàn rỗi hay bận rộn, lúc làm việc công hay tư, tiếp đãi khách khứa, vạn duyên quấy rối, tám phía thù tạc[23] đều chẳng trở ngại chuyện niệm Phật của người ấy. Người xưa có nói:

“Sáng cũng A Di Đà,
Chiều cũng A Di Đà,
Dẫu bận như tên bắn,
Vẫn chẳng lìa Di Đà”.

Lại nói:

Trúc dù rậm rạp không ngăn nước,
Núi cao há ngại bạch vân bay?

Nếu người vướng duyên thế gian quá nặng, sức lực ít ỏi, cũng nên tìm thời gian [để niệm Phật] trong lúc bận rộn, tìm tĩnh lặng trong lúc ồn náo. Ấn định công khóa tụng niệm hằng ngày: hoặc ba vạn tiếng, một vạn tiếng, ba ngàn tiếng, hoặc một ngàn tiếng, chẳng bỏ sót ngày nào. Dẫu bận cách mấy, dẫu không có lúc nào nhàn hạ, cũng nên niệm theo cách Thập Niệm mỗi sáng. Tích lũy lâu ngày thành công, chẳng quên bỏ. Ngoài chuyện niệm Phật, có thể niệm kinh, lễ Phật, sám hối, phát nguyện, làm các chuyện kết duyên, làm phước, bố thí tùy theo khả năng, tu các thiện sự để trợ duyên. Phàm làm được một điều thiện, dù nhỏ đến mấy, cũng phải hồi hướng Tây Phương. Dụng công như vậy thì không chỉ nhất định vãng sanh, mà còn tăng cao phẩm vị.

7. Nắm chặt niệm Phật

Nhập Thai Kinh dạy: “Trong tuổi thọ một trăm năm của con người, có phân nửa thời gian bị mất đi trong giấc ngủ. Mười năm đầu lúc còn thơ ấu, vô tri chẳng có ý niệm muốn tu hành. Hai mươi năm cuối cuộc đời, tuổi già sức yếu, chẳng có tinh lực để tu hành. Hai mươi năm chính giữa lại bị phiền não buồn lo và sân giận làm tổn hao rất nhiều thời gian. Những lúc thân thể bị bịnh, lại tốn hao thêm một phần quang âm (thời gian). Khấu trừ hết bảy tám phần, thời gian còn lại có thể tu hành chẳng được là bao!”

Người xưa nói: giả sử thọ mạng con người là sáu mươi năm, trong sáu mươi năm này, trừ đi giờ ăn uống, ngủ nghỉ, bịnh hoạn, thời gian còn lại có thể tu hành chẳng được tới năm năm. Trong năm năm này, chúng ta đều dùng để niệm Phật hay chăng? Mỗi câu Phật hiệu đều có đủ chân tín thiết nguyện sao? Đời Minh, Nhất Nguyên đại sư đã làm bài thơ như sau:

“Tây Phương cấp cấp tảo tu trì
Sanh tử Vô Thường bất khả kỳ,
Song ngoại nhật quang đạn chỉ quá
Vi nhân năng hữu kỷ đa thời”

(Tây Phương hãy gấp sớm tu trì
Sanh tử vô thường há đợi chi?
Nắng tắt ngoài song trong chớp mắt,
Đời người mấy chốc sẽ qua đi).

Thời thời khắc khắc phải nghĩ tới lúc lâm chung.

Chỗ này sao chép một ít, bên kia sao chép vài hàng, chắp vá thành bài báo cáo này, chẳng qua chỉ nhằm giải thích rộng thêm chữ “Tử” (Chết) của Ấn Quang đại sư. Chữ Chết này chứa đựng ý nghĩa vô cùng tận. Trong quá trình báo cáo, sợ còn có nhiều chỗ sai lầm, kính xin sư phụ thượng nhân và chư vị thiện tri thức phê bình, đính chánh, chẳng tiếc lời chỉ dạy. Mong quý vị từ bi, bố thí hoan hỷ.

A Di Đà Phật.
Bất tiếu đệ tử Thích Tự Liễu khấu trình.

Lão hòa thượng giảng:

Bài báo cáo này của pháp sư Tự Liễu nhắc nhở chúng ta phải sớm chuẩn bị cầu sanh Tịnh độ. Đặc biệt là trong thời đại hiện nay, chúng ta nghe tin tức thông báo trên truyền hình, hoặc hệ thống Internet; tuy tôi không tiếp xúc trực tiếp, nhưng cũng có thể thấu hiểu được. Tối hôm qua, tôi có coi một đĩa DVD, thâu hình một khóa giảng tại Hongkong, chương trình được thực hiện rất hoàn hảo nhằm tuyên dương văn hóa truyền thống. Trong đó, có chiếu một vài báo cáo và tin tức, tôi coi xong, có cảm xúc: Những đoạn tin tức báo cáo ấy, trên thực tế đã nhắc nhở chúng ta, động loạn trong xã hội sẽ tạo thành những tai nạn nghiêm trọng. Người có tâm địa thanh tịnh một chút sẽ thấy rất rõ ràng, đích thực là như cổ đại đức đã nói “Mạng người [ngắn ngủi] chỉ trong vòng hơi thở”. Chúng ta có cái tâm cảnh giác cao độ ấy hay không? Rất ít người có [tâm cảnh giác như vậy].

Mỗi ngày, tôi niệm Phật, lễ Phật, nhiễu Phật, mỗi ý niệm đều cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi vãng sanh. Tôi tin tưởng, sẽ có một ngày tôi thấy A Di Đà Phật, Ngài sẽ dẫn tôi về Cực Lạc thế giới. Vì sao? Vì mỗi ngày tôi đều niệm Ngài. Đối với thế giới hiện tiền nhiều tai nhiều nạn này, tôi đã trải qua hơn tám mươi năm, chẳng có tơ hào quyến luyến. Vì sao còn một số việc tôi phải làm? Đó là tùy duyên, “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo thêm tai ương mới”. Những chuyện giúp ích cho chánh pháp trường tồn, giúp ích tiếp dẫn đại chúng, đặc biệt là pháp môn Tịnh Tông, khi gặp gỡ, tôi sẽ làm. Nếu không gặp tôi sẽ không làm. Chuyện tôi đang mong cầu là cầu A Di Đà Phật sớm có ngày đến tiếp dẫn tôi, những chuyện khác, tôi không để trong lòng.

Do vậy, các vị đồng học cũng đừng nghĩ tới việc tôi có thể trụ thế bao lâu. Rất nhiều người hỏi tôi chuyện này, tôi trả lời: “Không biết! Tôi chẳng có thần thông, A Di Đà Phật biết. Không nhất định là tới lúc nào, A Di Đà Phật sẽ đến dẫn tôi đi, tôi chẳng có tơ hào gì lưu luyến, chẳng có chút vướng bận!” Đó là thiệt. Vì sao? Mấy mươi năm nay, [thuyết giảng] kinh luận Đại Thừa tôi đã hoàn toàn hiểu rõ rồi, vạn sự vạn vật trong thế gian này đều là giả tướng, trên căn bản là chẳng tồn tại.

Di Lặc Bồ Tát nói rõ ràng nhất: Hết thảy các hiện tượng đều là huyễn tướng sanh ra từ sự chấn động ở tần số cao. Hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần đều chẳng rời một niệm bất giác. Một niệm bất giác chính là động tướng, một niệm bất giác chính là A Lại Da. Trong tự tánh, có một niệm bất giác hay không? Không có! Một niệm bất giác là giả, chẳng thiệt. Nhưng sau khi mê mất tự tánh, người ta sẽ coi những thứ ấy là thiệt. Nếu thật sự biết đó là giả, tâm chúng ta sẽ định. “Định” nghĩa là gì? Thân tâm thế giới triệt để buông xuống, đó là “định”. Không chỉ pháp thế gian phải buông xuống, Phật pháp cũng phải buông xuống. Người niệm kinh Kim Cang rất nhiều, trong kinh Kim Cang có nói: “Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp”. “Phi pháp” là pháp thế gian, “pháp” là Phật pháp. Vì sao? Phật pháp do nhân duyên sanh, Phật pháp là giả. Do [chúng sanh] mê mất tự tánh mà Phật pháp được kiến lập, nhằm giúp chúng sanh ‘quay đầu là bến bờ’. Chỉ cần chúng sanh thật sự quay đầu, sẽ chẳng còn có Phật pháp nữa. Nếu còn nghĩ đến Phật pháp thì lại mê rồi, bị Phật pháp mê rồi. Đó là sai lầm. Trong tự tánh thanh tịnh tâm, chẳng lập một pháp, chẳng có một pháp nào hết, đó mới gọi là thanh tịnh.

Nhưng tự tánh là cảnh giới vi diệu chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng được. Tuy trong tự tánh một pháp cũng chẳng lập, nhưng nó có thể hiện ra hết thảy pháp. Hiện như thế nào? Cảm ứng. Chúng sanh có cảm, tự tánh tự nhiên có ứng. Vì sao có cảm ứng? Vì chân và vọng là một Thể, chân tâm và vọng tâm là một. Chân tâm chẳng động, vọng tâm động, cho nên “một niệm bất giác” là vọng tâm đã động, Phật pháp gọi hiện tượng này là Căn Bản Vô Minh. Căn Bản Vô Minh chính là một niệm bất giác. Trong lớp học, chúng ta thường nói đó là “khởi tâm động niệm”. Nhưng chuyện “khởi tâm động niệm” này chẳng dễ hiểu, người thật sự hiểu được chẳng nhiều, vì sự “khởi tâm động niệm” này hết sức vi tế. Theo cách nói của Di Lặc Bồ Tát, đó là hiện tượng sanh ra từ chấn động ở tần số cao. Hiện tượng này gồm có hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất, tần số cao cỡ nào? Hai ngàn một trăm triệu lần trong một giây, một giây đồng hồ đấy nhé! Nay chúng ta đang xem truyền hình mã hóa (Digital TV), [tần số thay đổi hình ảnh trong] loại truyền hình tiên tiến nhất là một trăm lần trong một giây, [tức là] tần số sanh diệt là một trăm lần. [Thế mà] hiện tượng thực tế của chúng ta là hai ngàn một trăm triệu lần sanh diệt trong một giây, làm sao quý vị nhận biết được? Khi nó hiện tiền, kể cả thân thể chúng ta, hết thảy hiện tượng đều do [sự chấn động với] tần số cao này sanh ra, trên căn bản là chẳng tồn tại!

Kinh Kim Cang nói “tam tâm bất khả đắc” (ba tâm chẳng thể được), cái tâm ở đây tức là một niệm. Niệm trước đã qua, chẳng thể được. Niệm hiện tại, hiện tại đã trôi qua, chẳng thể được. Vị lai còn chưa đến. Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được, ba tâm đều chẳng thể được. Đây là nói thật, đây là chân tướng sự thật. Do vậy, tu hành là tu gì? Tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là phương tiện của Phật, đều là “hoàng diệp chỉ đề” (trao lá vàng cho con nít để nó nín khóc) mà thôi, chẳng phải chân thật, nhưng đều thỏa mãn dục vọng của chúng sanh, chẳng phải là pháp rốt ráo. Pháp rốt ráo nhất định là phải buông xuống. Kinh Bát Nhã nói rất đơn giản, rất triệt để, rất viên mãn, hết thảy đều nhằm dẫn dắt chúng ta trở về tự tánh mà thôi! Khi thật sự trở về tự tánh, đức Phật đã đạt được mục đích hướng dẫn chúng ta. Tự tánh có dáng vẻ ra sao? Kinh Bát Nhã đã nói ‘bất khả đắc’ (chẳng thể được); nếu có cái ‘sở đắc’, đó là sai lầm. Vì sao là vô sở đắc? Hết thảy pháp, hết thảy hiện tượng đều do tự tánh biến ra. Khi quý vị thật sự trở về tự tánh, quý vị sẽ biết toàn thể vũ trụ này do tự tánh của quý vị biến ra.

Bởi lẽ này, ngày nay chúng ta còn chưa giác ngộ, còn mê trong lục đạo, hết thảy nhân quả trong lục đạo tự mình phải gánh chịu. Có Thiên Đường hay không? Có. Thiên Đường do đâu mà có? Do nghiệp thức của chính mình biến hiện. Có địa ngục hay không? Có, cũng là do nghiệp thức của chính mình biến hiện. Có Thượng Đế hay không? Có, do nghiệp thức của chính mình biến hiện. Tất cả đều chẳng rời nghiệp thức. Cái năng hiện, năng sanh (cái có thể hiện, có thể sanh) chính là tự tánh. Huệ Năng đại sư đã nói rất hay: “Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”. Trọn khắp pháp giới, hư không giới, tức là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới toàn là do tự tánh sanh và hiện. Cái được sanh và hiện bởi tự tánh trên thực tế là Nhất Chân pháp giới. Chúng ta gọi nó là ‘chân’, chỉ có cái này là ‘chân’. Hết thảy mọi thứ khác đều là giả. Mười pháp giới là giả, lục đạo là giả, là mộng, huyễn, bọt, bóng. Vì sao có giả? ‘Giả’ là thông qua A Lại Da, do A Lại Da biến ra. Tự tánh có thể hiện, có thể sanh, có thể hiện. A Lại Da có thể biến, biến thành mười pháp giới, biến Nhất Chân pháp giới trở thành mười pháp giới, biến Nhất Chân pháp giới thành lục đạo luân hồi, chẳng có liên quan đến bất cứ ai khác, đều do chính mình biến ra!

Chính bản thân chúng ta trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, khi đối diện với người, sự, vật, đấy là cảnh giới của chúng ta, khởi tâm động niệm hết sức trọng yếu. Phải dùng cái tâm như thế nào để đối đãi? Đề kinh của kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch: Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác (tâm giác ngộ), thanh tịnh, bình đẳng, giác! Quý vị hoàn toàn sống trong chân tướng. Chân tướng ấy chính là Thật Báo Trang Nghiêm Độ, Thật Báo Trang Nghiêm Độ tự nhiên hiện tiền. Khi quý vị khởi tâm động niệm, bèn bị giáng xuống một cấp. Pháp Thân Đại Sĩ trụ trong Nhất Chân pháp giới, tức là Thật Báo Độ; các Ngài đều minh tâm kiến tánh, đều là Bồ Tát bất thoái, tức A Duy Việt Trí Bồ Tát. Nếu khởi tâm động niệm, bèn bị giáng xuống một cấp. Giáng xuống một cấp, sẽ trở thành gì? Tam Thừa Bồ Tát. Tam Thừa Bồ Tát trụ ở đâu? Trụ trong Bồ Tát pháp giới và Phật pháp giới của mười pháp giới. Trụ trong hai chỗ này, [nhưng vẫn] cao hơn chúng ta. Vì sao chúng ta [chẳng bằng các Ngài]? Chúng ta không chỉ có phân biệt mà còn có chấp trước, hết thảy khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước đều có. Hết thảy đều có thì trụ nơi đâu? Trụ trong lục đạo luân hồi.

Lục đạo luân hồi dễ đọa vào, nhưng rất khó thoát ra. Ngày nay chúng ta gặp gỡ Phật pháp, Phật pháp có vô lượng pháp môn, chỉ có một môn là có thể giúp chúng ta thoát ly lục đạo luân hồi, quay trở về Thật Báo Độ ngay trong một đời này. Vãng sanh Cực Lạc thế giới bèn quay trở về Thật Báo Độ. Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn! Tuy nói pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, vì sao [lại phải chọn lựa pháp môn Tịnh Độ]? Môn nào cũng có thể thông đến Thật Báo Độ, [nghĩa là] vô lượng pháp môn, môn nào cũng có thể thông đạt, vấn đề là có con đường dễ dàng, có con đường khó khăn, chúng ta phải biết điều này. Pháp môn Tịnh Độ chẳng nương dựa vào chính mình, hoàn toàn nương tựa đức Phật A Di Đà, cho nên gọi là pháp môn Tha Lực, hoàn toàn nương tựa A Di Đà Phật. Chỉ cần quý vị thật sự tin tưởng, chẳng có tơ hào hoài nghi. Nếu có tơ hào hoài nghi, sẽ tạo thành chướng ngại khiến cho quý vị chẳng thể vãng sanh. Phải chân tín, thiết nguyện, tâm nguyện của tôi chân thật, tôi không muốn trụ trong thế giới này nữa, tôi cũng không muốn trụ trong mười pháp giới, tôi một lòng một dạ chỉ muốn cầu sanh Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật. Chỉ có một niệm ấy, ngoài niệm ấy ra, không còn có niệm thứ hai nào khác. Như vậy thì có thể vãng sanh được hay không? Nhất định được vãng sanh! Nếu trong thế gian này, quý vị còn ý niệm nào khác, vẫn còn những thứ khác chẳng thể buông xuống, chưa chắc quý vị đã vãng sanh được! Do vậy, làm sao để chúng ta được vãng sanh trong đời này? Bài báo cáo này đã nói rõ: Phải thường nghĩ mạng người vô thường, chúng ta biết ngày mai chúng ta còn có mặt trên thế gian này hay không? Năm sau còn ở thế gian này không? Vì thế, nếu còn nghĩ cho ngày mai, nghĩ cho năm sau, nghĩ cho mười năm sau, hai mươi năm sau, đó là gì? Đó là nằm mộng, là mộng, huyễn, bọt, bóng.

Nhưng không thể chẳng suy nghĩ như vậy, suy nghĩ như vậy là nghĩ cho người khác, chứ không phải nghĩ cho mình, điểm này rất quan trọng. Hơi thở này của tôi còn chưa dứt, tôi nghĩ dùm cho người khác, có lợi ích cho người khác, tuyệt chẳng phải nghĩ cho chính mình. Chúng tôi hiện nay đang suy nghĩ [và phác họa kế hoạch làm việc] trong vòng mười năm, hiện nay bắt đầu làm từ Giảng Đường Đạo Đức. Hy vọng ba năm sau sẽ nâng cao thành luận đàn Đa Nguyên Văn Hóa. Ba năm sau nữa, chúng ta có thể chánh thức làm một Viện Nghiên Cứu bồi dưỡng các giáo viên. Chuẩn bị làm gì? Chuẩn bị lập trường đại học. Đấy là những chuyện ông Trương Kỳ Quân đã làm ở Đài Loan lúc trước, tôi thấy vậy, rất khâm phục ông ta. Ông lập ra trường Đại Học Văn Hóa, tiền thân của Đại Học Văn hóa là một Học Viện. Tôi đã dạy ở đó bốn năm, sau đó, qua Mỹ sống, [nên nghỉ không dạy tiếp]. Những giáo sư ở Học Viện này đều tốt nghiệp từ một Sở Nghiên Cứu do ông ta lập ra trước đó. Những người tốt nghiệp học vị Tiến Sĩ, Thạc Sĩ ở Sở Nghiên Cứu nói trên được mời làm giáo sư tại Học Viện. Hiện nay, Học Viện này chánh thức trở thành một trường đại học [có tên là đại học Văn Hóa]. Chúng tôi thấy được sự thành tựu ấy, cho nên mới nghĩ đến chuyện thành lập một sở nghiên cứu. Trong tương lai, những sinh viên tốt nghiệp từ sở nghiên cứu này [sẽ được tuyển chọn làm giáo sư]. Chúng tôi sẽ thành lập một đại học tôn giáo. Có rất nhiều người hỏi đại học tôn giáo đến khi nào mới được thành lập? Mười năm sau, [chương trình của] chúng tôi là làm theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn thật sự có thể thực hiện tốt đẹp thì chuyện này sẽ thành công. Tôi sẽ [có mặt để] nhìn thấy ngôi trường này không? Tôi không nghĩ tới vấn đề này.

Nếu quý vị cảm thấy chuyện này hợp lý, cảm thấy có thể thực hiện, hãy nỗ lực cố gắng, đây là một chuyện tốt đẹp. Mục đích của chúng ta chính là như đức Phật đã nói: Giúp đỡ hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui, nhằm mục đích này. Muốn Phật pháp được hưng vượng, phải chấn hưng văn hóa truyền thống, cần phải có xã hội an định. Nếu xã hội động loạn, sẽ chẳng dễ thực hiện được, xã hội nhất định phải an định. Đạo đức giảng đường và luận đàn Đa Nguyên Văn Hóa có thể giúp cho thế giới hóa giải xung đột, khôi phục an định, hài hòa, có thể làm được chuyện này. Khi đã có cơ sở này, có hoàn cảnh như vậy, văn hóa truyền thống của chúng ta và Đại Thừa Phật pháp, thậm chí cho đến tất cả tôn giáo, tất cả những nền văn hóa truyền thống tốt đẹp [trên thế giới] đều có thể phát huy rộng rãi. Do vậy, đây là một chuyện tốt. Nhưng chính chúng ta niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, đối với chuyện này đừng nghĩ là tôi phải làm cho bằng được, tôi chẳng nghĩ tới những chuyện này. Suy nghĩ những chuyện này mệt chết người, suy nghĩ chuyện này sẽ sanh phiền não, tôi chẳng mong sanh phiền não. Quý vị nhất định phải hiểu rõ. Hãy xem bài báo cáo này nhiều lần, xem nhiều thêm, cố gắng học tập, sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta tu Tịnh Độ. Tốt lắm, [chúng ta hãy] coi bài kế tiếp.

 


 

1 Bình luậnSanh Tử Tâm Thiết Phần 4
Ảnh đại diện
Anh   Chị
- Bình luận ngày 30-07-2022
A di đà phật A di đà phật A di đà phật
Trả lời
Hình đại diện
Anh   Chị‹
Video mới nhất
ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒ- GIÁO DỤC NHÂN QUẢ THIỆN ÁC- XIN HÃY LẮNG NGHE

Xem video
Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Giới Luật 027- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 13- Giới Vọng Ngữ - Phần 1

Xem video
Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Sự thật kỳ lạ ở Cõi Tây Phương Cực Lạc - Pháp Sư Tịnh Không | Phật Pháp Nhiệm Màu

Xem video
KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

KC122- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 5 - Buổi 2 || Thích Thiện Trang

Xem video
KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

KC120- Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng- Phẩm Thứ 4 - Buổi 23 || Thích Thiện Trang

Xem video
Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Giới Luật 026- Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập - Kinh Ngũ Giới Tướng - Buổi 12- Giới Tà Dâm - Phần 2

Xem video

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 126
  • Tháng hiện tại: 437
  • Tổng lượt truy cập: 127066
mopham

Các bậc tiền bối của Tịnh Độ

Pháp môn Tịnh độ Lý cực cao sâu, Sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem Tịnh độ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo để mười phương Tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thành thủy, thành chung. Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp nầy bèn coi thường, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật quả? Miệt thị pháp môn Tịnh độ chẳng chịu tu là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
Có thái độ như vậy không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như Tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm hải chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sinh ư? 

-ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC-

 

Thiết Kế Web Bởi SangTaoAds.Com